Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Tái hiện đoàn quân diễu binh về tiếp quản Thủ đô trong Ngày hội Văn hóa hòa bình nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: MINH CHUYÊN |
Ngày 10-10-1954, quân và dân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản Thủ đô, thành quả lớn sau 9 năm trường kỳ gian khổ kháng chiến chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Thời khắc ấy không chỉ là niềm tự hào của người dân Hà Nội, mà còn là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường của toàn dân tộc; đặc biệt với những người trực tiếp tham gia, chứng kiến sự kiện trọng đại này mãi mãi không bao giờ quên...
Khắc ghi giờ phút lịch sử
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhắc nhớ về sự kiện cách đây 70 năm, đại tá Dương Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình ca (Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 12 ngày nay), làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, xúc động kể lại, ông có mặt tại Hà Nội vào ngày 8-10-1954, chứng kiến Hà Nội ngày giải phóng, ông và đồng đội vui mừng không tả xiết.
“Về tiếp quản Hà Nội có rất nhiều chiến sĩ sinh ra ở các vùng quê khác nhau như: Nghệ An, Quảng Bình..., nhưng ai cũng xúc động và tự hào được đứng trong đoàn quân tiến về Hà Nội. Đêm 9-10-1954 là đêm không ngủ, mọi người thức để chứng kiến những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Thủ đô, rồi hò reo, ùa ra đường, trò chuyện từ trong nhà ra ngoài phố, ai ai cũng vui” - đại tá Dương Niết kể lại.
Sáng 10-10, Thủ đô Hà Nội tổ chức Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô. Dịp này, nhiều hoạt động chào mừng được tổ chức như: Ngày hội Văn hóa vì hòa bình; Chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề: Thành phố Hòa bình - Thành phố Rồng bay. Đồng thời, thành phố tổ chức nhiều hoạt động thăm, tặng quà gia đình chính sách, có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội…
Cũng theo đại tá Dương Niết, khi quân Pháp rút đi hết, không khí của Hà Nội lâu ngày như bị dồn nén và đến ngày bùng lên, khó có thể diễn tả hết sự vui sướng của người dân Hà Nội. Đặc biệt lúc đó, đại tá Dương Niết và nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca nghe vang lời bài hát Tiến về Hà Nội một cách hùng hồn, tha thiết như dự báo trước ngày chiến thắng của dân tộc sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ.
Cựu chiến binh Lê Văn Tính, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 12 ngày nay), nhớ lại khoảnh khắc được gặp Bác Hồ tại đền Giếng, đền Hùng, Phú Thọ trước ngày về tiếp quản Thủ đô: “Chúng tôi trong quân phục chỉnh tề, theo quốc lộ 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn, hiện ra trước mặt là một rừng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, trong đó nhiều nhất là Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp năm nay đã 88 tuổi, nguyên là diễn viên Đội Văn công Đại đoàn 308 Quân Tiên phong. Bà Ngọc Diệp vinh dự trải qua 2 chiến dịch lớn là Chiến dịch Hòa Bình và Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Theo bà Ngọc Diệp, ai đã từng trải qua “mùa chiến dịch” sẽ không thể nào quên chuỗi ngày hành quân ròng rã đầy khó khăn, thử thách.
Sau nhiều ngày háo hức chờ đợi, cuối tháng 10-1954, nữ văn công Ngọc Diệp và đồng đội được trở về Thủ đô Hà Nội. Nhớ lại ngày đó, bà Ngọc Diệp rưng rưng xúc động: “Suốt bao năm ở rừng, được trở về Thủ đô, tôi nhìn đâu cũng thấy mới mẻ vô cùng…”.
Thành phố vì hòa bình
Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, cùng với nhiều hoạt động đa dạng, ý nghĩa, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, biểu dương điển hình tiên tiến và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024.
Kế thừa truyền thống hơn 1 ngàn năm Thăng Long - Hà Nội và 70 năm Giải phóng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã và đang nỗ lực để thành phố vì hòa bình xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú, một trong những kết quả nổi bật của bức tranh kinh tế Thủ đô 9 tháng của năm 2024 là thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 23% và đạt 92,8% dự toán cả năm. Khách du lịch đến Thủ đô đạt gần 4,6 triệu lượt người, tăng 31,3%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm…
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội vừa tổ chức thành công diễn tập thực binh khu vực phòng thủ năm 2024. Đây là cuộc diễn tập rất quan trọng nhằm tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
Đánh giá về cuộc diễn tập, đại tướng Phan Văn Giang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng Thành phố Hà Nội nằm trong thế trận phòng thủ chung của cả nước, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.
“Cuộc diễn tập khu vực phòng thủ Thành phố Hà Nội năm 2024 là một trong những nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa rất quan trọng trong năm 2024 của thành phố, thiết thực kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân” - đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Nguyệt Hà
Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh:
Luôn nhớ về Thủ đô ngàn năm văn hiến
Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Thời tiểu học, tôi thường được cha mẹ đưa đi thăm các làng nghề truyền thống như: khảm trai thôn Ngọ, thôn Trung, thôn Hạ; chế biến nguyên liệu khảm và khảm ốc trai thôn Thượng, thuộc xã Chuyên Mỹ. Đó còn là các làng nghề khảm trai sơn mài thôn Bối Khê; làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ - khảm trai thôn Đồng Vinh; làng nghề sơn khảm thôn Mỹ Văn, xã Chuyên Mỹ…
Khi bước vào đại học, tôi lại cùng bạn bè lang thang từng góc phố cổ như: Hàng Ngang, Hàng Mã, Hàng Đào… nơi có thể mua một món quà lưu niệm rồi thưởng thức vị đặc trưng của món phở Hà Nội.
Là một người con xa quê, đang công tác và sinh sống tại Biên Hòa - Đồng Nai, tôi không có nhiều cơ hội để trở về nhân những sự kiện lớn của Thủ đô, để gặp gia đình và họ hàng. Nhưng nỗi nhớ Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến vẫn luôn thôi thúc trong tôi…
Bà Đỗ Hải Triều, ngụ quận Hà Đông (Thành phố Hà Nội):
Mùa thu Hà Nội luôn là kỷ niệm đẹp trong tôi
Dù không được sinh ra tại Hà Nội nhưng lại được sinh sống, công tác tại Thủ đô, được chứng kiến các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi có cảm xúc vô cùng đặc biệt. Nhất là khi tham quan các mô hình được dựng lên để tái hiện lịch sử, một cảm xúc trào dâng của niềm tự hào, của lòng biết ơn cha anh đã hy sinh xương máu để hôm nay chúng ta có mùa thu trọn vẹn.
Nhắc đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của ông, bà từng kể lại, thời khắc ngày 10-10-1954 thực sự thiêng liêng. Trước, trong và sau ngày lịch sử, thời tiết đẹp lạ kỳ, bầu trời xanh ngắt, nắng vàng như trải mật, gió se se lạnh. Mỗi lần bắt gặp tiết thu của Hà Nội, ký ức của những ngày lịch sử hào hùng lại ùa về…
Nam Anh (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin