Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm tựa cho người khó khăn

Sông Thao
07:11, 10/10/2024

Năm 2024 đánh dấu hành trình 22 năm Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam đồng hành, hỗ trợ vốn vay ưu đãi dành cho người nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn cùng nhiều trường hợp khác.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra tháng 7-2024.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra tháng 7-2024. Ảnh: Huy Anh

Tại Đồng Nai, hoạt động của tín dụng chính sách (TDCS) đã góp phần giúp những gia đình được vay vốn phát triển kinh tế, tự tạo việc làm, tiếp cận nhà ở xã hội, xây dựng công trình cơ bản phục vụ cuộc sống, đầu tư giáo dục cho con em…

22 năm đồng hành với người thiếu vốn

Kể từ khi ra mắt vào năm 2002 đến nay, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Từ 3 chương trình cho vay TDCS ban đầu, hiện hệ thống ngân hàng CSXH đang triển khai cho vay 18 chương trình TDCS. Đồng thời, tùy thuộc vào từng thời điểm thực tế mà hệ thống ngân hàng CSXH triển khai những hoạt động cho vay với những đối tượng cụ thể.

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng, điểm nổi bật của chương trình TDCS là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Điều này thể hiện tính nhân văn, ưu việt của Đảng, Nhà nước trong hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, hoạt động của hệ thống ngân hàng CSXH còn có sự xã hội hóa rất cao. Cụ thể, để vận hành các chương trình cho vay TDCS, ngoài cán bộ do ngân hàng CSXH quản lý, còn có sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn, các tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tại Đồng Nai, ngoài Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai, 11 địa phương đều có phòng giao dịch ngân hàng CSXH cấp huyện, 170 điểm giao dịch ngân hàng CSXH cấp xã.

Cùng với hệ thống TDCS cả nước, thời gian qua, tại Đồng Nai, việc triển khai thực hiện chương trình vốn vay ưu đãi này đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Qua 22 năm thực hiện TDCS, đã có gần 650 ngàn lượt khách hàng được vay vốn từ các chương trình: cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vay vốn học sinh, sinh viên. Ngoài ra, nếu năm 2002, số tiền vay bình quân là 2,9 triệu đồng/hộ thì nay đạt 43,3 triệu đồng/hộ.

Bà Võ Thị Hạnh (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) cho hay, một phần vốn bà mở sạp hàng trái cây buôn bán là từ vốn TDCS. Nhờ số vốn này mà bà có điều kiện kinh doanh, tạo nguồn thu nhập ổn định, từ đó giúp cải thiện cuộc sống.

Đặc biệt, trong thời điểm cả nước chung tay thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, hệ thống ngân hàng CSXH tỉnh đã cho vay trên 1 ngàn tỷ đồng đối với 62 người sử dụng lao động thông qua Chương trình Cho vay người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, có 44 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay tiền mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nỗ lực phục vụ nhân dân

Để không ngừng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội, thời gian qua, hệ thống ngân hàng CSXH đã nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức các chương trình TDCS mới, nâng mức cho vay các chương trình hiện có, mở rộng đối tượng được tiếp cận vốn chính sách…

Năm 2023, Ngân hàng CSXH Việt Nam triển khai Chương trình TDCS dành cho người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Ngoài ra, mức cho vay Chương trình Cho vay học sinh, sinh viên tăng từ 25 lên 40 triệu đồng/học sinh, sinh viên/năm học. Đồng thời, từ ngày 15-7-2024, mức vay Chương trình Nước sạch vệ sinh và công trình vệ sinh môi trường từ 10 triệu đồng/công trình lên đến 25 triệu đồng/loại công trình/khách hàng. Như vậy, khách hàng vay vốn từ chương trình này có thể vay đối đa 50 triệu đồng thay vì chỉ 20 triệu đồng như trước đây.

Cùng với triển khai các chương trình TDCS, theo Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, tại Đồng Nai, việc huy động nguồn lực địa phương đóng góp vào nguồn vốn TDCS rất được chú trọng. Hiện tổng dư nợ mà Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai đang cho vay và quản lý hơn 5,3 ngàn tỷ đồng. Trong số này, có 1,37 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng CSXH. Hiện Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành phố có nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống ngân hàng CSXH.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 32-TT/TU ngày 9-7-2015, Kết luận số 862-KL/TU ngày 17-9-2019, Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 12-10-2021 để chỉ đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện chỉ thị này đến toàn thể cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, để hoạt động TDCS tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, phòng giao dịch ngân hàng CSXH cấp huyện đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với MTTQ, các sở, ngành cùng cấp. Việc này đã huy động được sự tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò tập hợp lực lượng, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với TDCS. Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…

Nhờ những giải pháp kịp thời cũng như những nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà thời gian qua, nguồn vốn TDCS đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh xuống còn 1,36% vào đầu năm 2024 và góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi Chương trình Xây dựng nông thôn mới.

Sông Thao

Tin xem nhiều