Báo Đồng Nai điện tử
En

Củng cố thế trận lòng dân trước âm mưu lũng đoạn an ninh năng lượng
Bài 2: Đưa thông tin chính thống đến người dân

Ngọc Tuấn - Lâm Viên
08:00, 16/10/2024

Trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp (DN) phụ thuộc vào sự hiểu biết đúng đắn, đầy đủ, toàn diện và kịp thời nội dung chủ trương, chính sách.

Cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam. Ảnh: N.Hòa

Do đó, việc phủ xanh thông tin trên các nền tảng, đưa thông tin chính thống để đẩy lùi các thông tin xấu, độc là việc làm cần kíp.

Tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Nhiều năm qua, giá điện trung bình của Việt Nam luôn nằm trong nhóm thấp trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến ngày 11-10, đợt tăng giá gần nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân trước đó, thì giá điện trung bình của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn giá điện trung bình của thế giới và nằm trong tốp các nước có giá điện thấp trên thế giới.

Theo số liệu từ website của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương): “Tính theo tỷ giá hiện hành, giá điện Việt Nam vào khoảng 0,084 USD/kWh. Theo thống kê của trang Global Petrol Prices vào tháng 3-2024, giá điện trung bình trên thế giới là 0,156 USD cho hộ gia đình và 0,150 USD cho mỗi kWh cho doanh nghiệp… Trong số 147 quốc gia, vùng lãnh thổ được Global Petrol Prices thống kê, Việt Nam xếp thứ 43, là một trong những nhóm nước có giá điện vào tốp thấp của thế giới”.

Việc điều chỉnh giá điện luôn được Nhà nước và ngành chức năng cân nhắc rất kỹ, tính toán đến yếu tố an sinh xã hội, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Mỗi lần điện tăng giá dư luận rất quan tâm, tạo từ khóa “hot” trên nhiều nền tảng, kèm với những từ ngữ biểu cảm như: “gây sốc”, “choáng”… nhưng nhìn lại biểu giá điện trong những năm qua cho thấy, từ năm 2019-2023, sau 4 năm, giá điện ở Việt Nam mới có sự điều chỉnh tăng. Riêng năm 2023, giá điện có 2 lần điều chỉnh: vào tháng 5 với mức tăng 3% và tháng 11 với mức tăng 4,5%. Trong đợt tăng giá mới nhất vào ngày 11-10-2024, tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân trước đó.

Về các mốc thời gian điều chỉnh giá điện thể hiện rất rõ tính ưu việt, nhân văn trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Bởi lẽ, dù có những biến động về giá đầu vào sản xuất điện, khiến cho giá thành sản xuất cao hơn giá bán điện nhưng Nhà nước vẫn “gồng gánh”, chủ trương không tăng giá để đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành và tác động sâu sắc của suy thoái kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế.

Tại Tọa đàm Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 7-11-2023, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nêu rõ: “Chúng ta hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là phải bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm mục tiêu của kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, chúng ta phải thông cảm tại sao từ năm 2019 (đến trước tháng 5-2023 - PV), Nhà nước chỉ mới điều chỉnh giá điện một lần. Nhà nước cân nhắc, tính toán rất cụ thể, nâng lên đặt xuống và chỉ điều chỉnh 3%”.

Giám đốc Hành chính Công ty CP TKG Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) ĐINH SỸ PHÚC: Luôn được hỗ trợ kịp thời, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất

Gần 30 năm hình thành và phát triển tại Đồng Nai, từ một đơn vị ban đầu với số lượng từ 5-7 ngàn lao động, hiện công ty đã có 33 ngàn lao động đang làm việc, với quy mô sản xuất tăng lên rất nhiều. Trong suốt quá trình phát triển đó, Taekwang Vina luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và cung ứng điện từ Tổng công ty Điện lực miền Nam và Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai. Cụ thể là luôn đáp ứng đủ điều kiện điện phục vụ sản xuất. Trong quá trình sản xuất, thỉnh thoảng gặp sự cố về điện nhưng luôn được các bên phối hợp xử lý rất nhanh, đảm bảo quy trình sản xuất không bị gián đoạn. Thậm chí, nhiều lúc bảo trì lưới điện, đơn vị chủ quản là ngành điện luôn chủ động phối hợp với DN, thông tin sớm, sắp xếp lịch bảo trì vào ngày nghỉ để không ảnh hưởng tới lịch sản xuất, kinh doanh của DN…”.

Ngành điện phát triển bền vững thì kinh tế - an sinh xã hội mới đảm bảo

Mới đây, ngày 10-10-2024, tại Tọa đàm Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu chia sẻ: “Đối với điện, chúng ta không chỉ nói về giá cả, giá thành mà cả vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện rất quan trọng… Trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, DN”.

 Thực tế hiện nay, giá điện bán ra còn thấp hơn so với giá thành sản xuất. Do đó, việc tăng giá điện để nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh bền vững của ngành, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn về cung ứng điện, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội - đời sống người dân, DN. Bài toán về sự thiệt - hơn, được - mất nếu không có điện hoặc nguồn điện không đảm bảo để phục vụ đời sống xã hội, chắc chắn bất cứ người dân, DN nào bình tâm suy xét cũng đều có câu trả lời thấu đáo nhất cho chính mình. Việc kích động tâm lý lo lắng của người dân dẫn đến bức xúc, chống đối, ác cảm với chủ trương, chính sách của Nhà nước luôn là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch.

Hơn thế nữa, điện năng là hàng hóa đặc biệt. Từ nhiều năm qua, ngành điện luôn kêu gọi, khuyến khích người dân, DN sử dụng điện tiết kiệm để vừa tiết kiệm chi tiêu hàng tháng, vừa phục vụ cho việc phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Tiết kiệm điện đã, đang và sẽ là một trong những chủ trương lớn của ngành, của toàn dân, của cả nước. 

 

“Luôn hiểu vấn đề điện năng là vấn đề sống còn của DN, không có điện thì không sản xuất, kinh doanh được nên DN rất coi trọng việc cung ứng điện và có tinh thần sử dụng điện tiết kiệm. Qua đó, DN có nhiều sáng kiến cải tiến và đầu tư các trang thiết bị với mục tiêu sử dụng điện năng hiệu quả, tiết kiệm, như: lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà, các mô hình “Hễ có người thì chuyền mới chạy”, “Người rời đi thì đèn lại tắt”... Ngoài tiết kiệm chi phí thì đây cũng là chủ trương phát triển xanh, bền vững của DN” - Giám đốc Hành chính Công ty CP TKG Taekwang Vina Industrial (đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa) Đinh Sỹ Phúc cho biết.

Ở góc độ người dân, hộ gia đình, chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ khu phố Đồng Nai, phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) cho hay: “Thực tế, mỗi khi nghe thông tin tăng giá điện, tôi cũng như nhiều người đều có tâm lý chung là lo lắng, sốt ruột, nhất là những khi công việc làm ăn gặp khó khăn. Nhưng khi xem tivi, tìm hiểu kỹ thì tôi cũng yên tâm hơn nếu gia đình sử dụng điện tiết kiệm, không sử dụng điện đến khung giá cao thì mức tăng vẫn không ảnh hưởng nhiều. Như trong mùa nắng nóng vừa qua, hóa đơn tiền điện của gia đình tôi có tăng, nhưng mức tăng ở mức chấp nhận được, do các thành viên trong gia đình đều ý thức áp dụng triệt để các biện pháp tiết kiệm điện mà ngành điện khuyến cáo”.

Ngọc Tuấn - Lâm Viên

Bài 3: Tiếp tục sứ mệnh “Thắp sáng niềm tin”

Tin xem nhiều