Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Phương Hằng (thực hiện)
08:22, 06/09/2024

Thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Huy Anh

Trong đó có Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương, sự ra đời của Quy định 114-QĐ/TW trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết nhằm đảm bảo thành công sự nghiệp xây dựng đất nước.

20 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

* Thưa ông, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được nhận diện như thế nào?

- Quy định 114 đã nêu 20 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong đó có dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ…

Ngoài ra, còn có một số hành vi tiêu cực khác như: gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự...

* Vậy việc xử lý vi phạm về kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ như thế nào, thưa ông?

- Điều 13 và Điều 14 của Quy định 114 đã nêu rõ việc xử lý trách nhiệm và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong đó có 4 mức về xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ khỏi Đảng.

Với hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm thì chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để xem xét, xử lý.

Trong 20 hành vi tham nhũng, tiêu cực về công tác cán bộ, có hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Nghiêm cấm thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

* Xin ông cho biết, Quy định 114 quy định như thế nào về trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ?

- Quy định 114 cụ thể hóa 7 nội dung liên quan đến trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ. Thứ nhất, về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo. Thứ hai, trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo. Thứ ba, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo. Thứ tư, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tham mưu. Thứ năm, trách nhiệm của cán bộ tham mưu. Thứ sáu, trách nhiệm của nhân sự. Thứ bảy, trách nhiệm PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo là không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan; chỉ đạo chấp hành nguyên tắc, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan; chỉ đạo kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cấp dưới trong thực hiện quy định của Đảng về công tác cán bộ; gương mẫu trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen vào vị trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khác…

* Những công việc cần làm để thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW là gì, thưa ông?

- Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo đơn vị, địa phương quán triệt, kiểm tra, giám sát và hàng năm báo cáo cấp trên về kết quả thực hiện Quy định 114.

Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy định 114.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc xử lý kịp thời các vi phạm mà Quy định 114 đã nêu.

Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử, cơ quan báo chí và nhân dân tăng cường giám sát việc thực hiện quy định ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời nắm bắt được các hành vi “chạy chức, chạy quyền” và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý, góp phần ngăn chặn từ gốc những mầm mống thao túng quyền lực; “nhốt” quyền lực vào “lồng” thể chế.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Hằng (thực hiện)

Từ khóa:

công tác cán bộ

Tin xem nhiều