Những năm qua, việc triển khai Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn của Trung ương trên địa bàn Đồng Nai đã thiết thực góp phần nâng cao tri thức, đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
UBND xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) tổ chức lễ ra mắt mô hình Văn hóa đọc tại tuyến đường 248, ấp 2 và thành lập tủ sách cộng đồng. Ảnh: T.Lâm |
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trảng Bom Chu Thị Mây cho biết, để thực hiện có hiệu quả Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các chi, Đảng bộ cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các loại sách theo đề án; yêu cầu các cấp ủy cơ sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại chi, Đảng bộ mình.
Giúp lan tỏa văn hóa đọc
Đến nay, 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn đều được nhận sách theo đề án. Cấp ủy, chính quyền cơ sở đã quan tâm chỉ đạo việc lưu giữ, bảo quản sách, trang bị tủ sách, xây dựng quy chế bảo quản, sử dụng sách và các tài liệu được cấp phát; phân công người phụ trách rõ ràng. Quan tâm chỉnh trang, tu bổ các địa điểm đọc sách như: nhà văn hóa, phòng đọc… tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và người dân đến nghiên cứu, tìm hiểu.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Thành Doãn Đức Thành chia sẻ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, lợi ích của đề án, từ đó thu hút độc giả đến đọc, tra cứu tìm hiểu kiến thức, thông tin.
Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị được trang bị sách và Đảng ủy 14 xã, thị trấn báo cáo định kỳ về công tác tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng sách của đề án; yêu cầu các cấp ủy cơ sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại chi, Đảng bộ mình.
Sách từ Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn có nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực, cung cấp những kiến thức cơ bản, thiết thực, quan trọng, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật… cho cơ sở xã, phường, thị trấn, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. |
Đến nay, các Đảng ủy cơ sở đã thành lập các tủ sách cơ sở, phân công cán bộ quản lý sách đề án phù hợp; xây dựng nội quy, quy chế và đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phòng đọc hợp lý phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đa số các địa phương đều bố trí tủ sách ở nơi thuận lợi để cán bộ, đảng viên, người dân tiếp cận các đầu sách. Nhiều địa phương còn quan tâm thành lập các mô hình hay nhằm lan tỏa văn hóa đọc tại khu dân cư.
Đơn cử như vừa qua, UBND xã Tân Hiệp đã tổ chức lễ ra mắt mô hình Văn hóa đọc tại khu dân cư trên tuyến đường hẻm 248 thuộc ấp 2 của xã. Tại đây, UBND xã còn thành lập 2 tủ sách cộng đồng với hơn 100 đầu sách khác nhau trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đọc, nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Trong khi đó, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng, để việc khai thác và sử dụng các ấn phẩm của Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn được phát huy hiệu quả, thành phố đã duy trì tổ chức Hội thi Tìm hiểu tủ sách xã, phường. Qua đó, đã góp phần thiết thực nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc đọc sách, báo của Đảng.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo lãnh đạo ban tuyên giáo các địa phương, việc triển khai đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau trên internet khiến cho nhu cầu khai thác, sử dụng sách thuộc đề án chưa cao. Tại nhiều nơi, địa điểm đặt các tủ sách vẫn chủ yếu là tại phòng làm việc, chưa bố trí được phòng đọc sách riêng nên chưa tạo được không gian yên tĩnh để người đọc nghiên cứu. Tủ sách được trang bị ở một số ấp, khu phố còn nhỏ, vật liệu không chắc chắn, dẫn đến khó khăn trong việc sưu tầm, lưu trữ và khai thác sách…
Lãnh đạo ban tuyên giáo nhiều địa phương cho rằng, để triển khai tốt hơn đề án, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách, mở rộng, tăng cường số lượng và đề tài sách cấp phát cho các địa phương; đầu tư kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ người đọc. Cùng với đó, cần chú trọng đa dạng hóa các phương thức xuất bản, tăng cường phương thức xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên các nền tảng số…
Tại các buổi giám sát một số lĩnh vực trong công tác tuyên giáo năm 2024, trong đó có việc triển khai Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn vừa qua, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương đúng đắn, mục đích, yêu cầu của đề án; về trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện đề án.
Chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả đề án trên địa bàn, nhất là đưa việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, khai thác sách thiết thực, đi vào nề nếp. Từ đó, phục vụ tốt nhu cầu đọc sách, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cập nhật kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người dân…
Thảo Lâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin