Báo Đồng Nai điện tử
En

Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Lâm Viên
08:00, 14/08/2024

Việc nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề biển đảo là hết sức cần thiết để mỗi người có lập trường tư tưởng vững vàng, có “sức đề kháng” trước những thông tin xấu độc trên lĩnh vực này.

Cán bộ, đảng viên, đoàn viên xem phim tài liệu kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (2 và 5-8-1964 - 2 và 5-8-2024). Ảnh: L.Viên

Lợi dụng vấn đề biển đảo được dư luận quan tâm, các thế lực thù địch thường “tung” những thông tin xấu độc, thông tin một chiều, thông tin không đầy đủ, không chính thống về vấn đề này với mục đích “dẫn dắt” dư luận xã hội, mong muốn tạo tâm lý hoang mang, lo sợ; từ đó kích động, xúi giục hòng gây dao động về lập trường tư tưởng trong một bộ phận người tiếp cận thông tin.

Biển Đông có vị trí quan trọng

Biển Đông là một biển lớn của Thái Bình Dương, nằm ở phía Đông lục địa của Việt Nam. 9 nước bao quanh Biển Đông là: Trung Quốc (gồm cả Đài Loan), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines.

Biển Đông có các mỏ dầu và nguồn khoáng sản biển phong phú như: dầu mỏ, mỏ thiếc... Ngoài ra, Biển Đông có nhiều eo biển thông với Thái Bình Dương, nối với Ấn Độ Dương, là đường giao thông huyết mạch nối Đông Á, Thái Bình Dương với châu Âu, châu Phi, và Trung Cận Đông. Nền kinh tế của nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ ở Đông Á phụ thuộc sống còn vào con đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Biển Đông được đánh giá là một trong những con đường hàng hải nhộn nhịp trên thế giới.

Biển Đông có vị trí quan trọng trong chiến lược biển và chiến lược an ninh của các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Biển Đông đang tồn tại những nhân tố gây mất ổn định. Đó là sự tồn tại những tranh chấp biển đảo rất quyết liệt và phức tạp. Sự thiếu nhất quán và đồng thuận của một số nước trong khu vực. Sự can thiệp nhằm tranh giành lợi ích và ảnh hưởng của các cường quốc vào Biển Đông làm cho tình hình ở đây càng thêm phức tạp.

Với chiến lược “Diễn biến hòa bình”, trên mặt trận tư tưởng, các thế lực thù địch thường “cài cắm” các thông tin không chính thống, xuyên tạc về biển đảo, kích động nhằm tạo tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận xã hội. Đồng thời, các thế lực thù địch cũng xúi giục người dân nghe “tin, theo” “một bên nào đó”, vì “họ quan tâm để giúp chúng ta bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Nhưng thực tế, lý do các nước lớn hiện diện ở Biển Đông trước hết và trên hết xuất phát từ chính lợi ích quốc gia dân tộc của họ; bên cạnh đó là sự cạnh tranh của các nước lớn, cũng như để bảo vệ lợi ích về tuyến hàng hải chủ yếu của các tàu thương mại, việc khai thác tài nguyên của họ ở khu vực này…

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 7 giải pháp chủ yếu gồm:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển.

3. Phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển.

4. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.

5. Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển.

6. Chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.

7. Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.

Người dân cần tích cực góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Bờ biển Việt Nam dài khoảng 3.260km, đứng thứ 27 về chiều dài bờ biển trong tổng số 157 nước ven biển, đảo quốc và vùng lãnh thổ ven biển của thế giới. Diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 29% diện tích của Biển Đông, rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Việt Nam có chủ quyền khoảng 3 ngàn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.

Để khai thác tiềm năng và lợi thế của biển, đáp ứng đòi hỏi khách quan của công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 6-5-1993 về Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, xác định: “Trở thành một nước mạnh về biển là mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ một trong những quan điểm là: “Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”.

Nghị quyết này cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; một số chủ trương lớn và khâu đột phá, cùng 7 giải pháp chủ yếu để thực hiện.

Đối với Việt Nam, Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nước Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Do đó, cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động để bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Chính sự đồng tâm hợp lực ấy đã giúp chính trị - xã hội đất nước ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao… Mỗi người dân càng nên củng cố ý chí và lòng tin, trách nhiệm, tích cực góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Mỗi người dân cần phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, không nghe, không bị lôi kéo, xúi giục, kích động bởi những luận điệu xuyên tạc, xấu độc của các thế lực thù địch, gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng ta yêu nước và cần phải góp phần ổn định an ninh chính trị để phát triển đất nước” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh phát biểu tại Hội nghị Báo cáo viên thường kỳ tháng 7.

Việt Nam vừa kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (2 và 5-8-1964 - 2 và 5-8-2024). Đây là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”; đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của hải quân và không quân hiện đại của Mỹ. Chiến thắng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ đối với lịch sử, mà còn với cả hiện nay và mai sau. Đặc biệt là tiếp thêm niềm tin, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi điều kiện hoàn cảnh cho dù địch có khả năng hơn ta gấp nhiều lần…

Lâm Viên

Tin xem nhiều