Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc phục những điểm nghẽn trong công tác cải cách hành chính

N.P
23:10, 11/08/2024

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn vừa thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Chỉ thị về nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong lãnh đạo, điều hành thực hiện hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thời gian qua, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đã có chuyển biến nhưng chưa cải thiện đáng kể; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn thấp, có chiều hướng giảm sút trong những năm gần đây.

Nguyên nhân là do các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, sâu sát; tính tiên phong, năng động chưa cao; công tác phối hợp thực hiện chưa tốt, còn đùn đẩy, né tránh; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân; chưa ràng buộc trách nhiệm và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, phiền hà, gây khó khăn cho người dân, DN.

Để khắc phục hạn chế này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tố chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tố chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh xác định các nội dung trọng tâm, trọng điểm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để đề ra giải pháp khắc phục, cải thiện điểm số, nâng cao thứ hạng từng chỉ số trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Tập trung rà soát những hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn để đưa ra các giải pháp khắc phục ngay trong công tác cải cách hành chính, nhất là các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần như: công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ, công chức; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; kết quả lấy phiếu điều tra xã hội học đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức của tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với người dân, DN, nhà đầu tư. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng trong khu vực công nhằm phát hiện kịp thời, xử lý ngay tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiên hà cho người dân, DN trong quá trình giải quyết công việc. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra công vụ đối với việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra đánh giá năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã, chấn chỉnh kịp thời, nghiêm minh đối với tố chức, cá nhân vi phạm.

N.P

Tin xem nhiều