Báo Đồng Nai điện tử
En

Chất lượng cuộc sống của người dân - mục đích của người lãnh đạo

Nguyễn Sơn Hùng
08:16, 23/08/2024

Tập tài liệu kỳ 2 về Học cùng lãnh đạo Đồng Nai - bộ máy lãnh đạo vững chắc là nền tảng của tổ chức trường tồn do Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện vừa phát hành gồm 21 bài, dung lượng 88 trang.

Tập tài liệu Học cùng lãnh đạo Đồng Nai kỳ 2, Nhà xuất bản Đồng Nai năm 2024.
Tập tài liệu Học cùng lãnh đạo Đồng Nai kỳ 2, Nhà xuất bản Đồng Nai năm 2024.

Từ 21 bài này, cho tôi nhận thức về 3 vấn đề lớn: Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng trí thức; vai trò của tổ chức và nhà lãnh đạo; mục đích tối thượng của tổ chức và người lãnh đạo là chất lượng sống của người dân.

Trọng dụng nhân tài

Tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên Báo Cứu Quốc bài Nhân tài và kiến quốc: “Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết thì phải có nhân tài… Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta, ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành”.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra thông lệnh “tìm người tài đức” nêu rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ không nghe đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.

Đảng ta luôn quan tâm đến việc thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp thực tiễn cách mạng ở từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (từ năm 1986) đến nay, Đảng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài, đưa nội dung này thành chủ trương, chính sách nòng cốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước. “Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn” (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước), đồng thời “Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài” (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ); cũng như quy định: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”, “Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng” (Luật Cán bộ, công chức năm 2008).

Tuy nhiên, việc thu hút, trọng dụng nhân tài còn gặp nhiều vướng mắc do chênh lệch về mức độ cạnh tranh trong thu hút, trọng dụng nhân tài giữa khu vực công và khu vực tư; cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, tạo sức ép đối với cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý còn thiếu quyết liệt; chưa hình thành đội ngũ chuyên trách làm công tác quản trị nhân tài; công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức còn hạn chế khiến cho cán bộ, công chức, viên chức và xã hội chưa thực sự hiểu, tin vào chính sách nhân tài.

Vai trò của tổ chức và nhà lãnh đạo

Tập tài liệu cho ta tiếp cận về 3 khả năng, đó là tổ chức dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo phải “bật ra sáng tạo” vì “những ý tưởng mới và hữu ích nổi lên khi mỗi người với các chuyên môn, kinh nghiệm, hay các quan điểm khác nhau bỏ qua những khác biệt giữa họ” để “hợp tác sáng tạo này tạo ra sự đổi mới”.

Khả năng thứ 2 là “linh hoạt sáng tạo” vì “sáng tạo hầu như không thể thấy trước hoặc hoạch định trước được”, mà là một quá trình thử nghiệm kéo dài. Như Thomas Edison từng nói “Thiên tài 1% là cảm hứng, 99% là mồ hôi”. Điều quan trọng là trong quá trình đó “những bước đi sai lầm và làm lại không thể tránh khỏi và phải được chấp nhận, thậm chí khuyến khích” để có được những ý tưởng sáng tạo. Khả năng thứ 3 là “lựa chọn giải pháp sáng tạo”. Đây là sự khó khăn, thách thức nhất đối với tổ chức và nhà lãnh đạo, là làm sao “cho mọi người hợp tác trong một nhiệm vụ đơn giản để tạo ra một cái gì đó mới mẻ và hữu ích” và “công việc người lãnh đạo đổi mới là tạo ra các điều kiện thuận lợi để cho phép và khuyến khích những đổi mới xảy ra một lần nữa và thêm một lần nữa”.

Trọng dụng nhân tài, nắm bắt những yếu tố xảy ra yếu kém để cải thiện tổ chức, khẳng định vai trò của tổ chức hướng tới mục tiêu tối thượng là quan tâm đến chất lượng sống của người dân, là sứ mệnh sống còn của người lãnh đạo trong tình hình hiện nay.

Chất lượng cuộc sống của người dân - mục đích của tổ chức và người lãnh đạo

Chất lượng cuộc sống của người dân được chiếu qua lăng kính đời sống xã hội. Chúng ta nhận diện với 8 yếu tố. Thứ nhất, môi trường sống của người dân và trách nhiệm của lãnh đạo là “đầu tư vào các công trình xử lý nước thải, rác thải, xây dựng công viên, cây xanh, làm sạch sông, kênh, đập đê, xử lý ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp để cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân.

Thứ 2, người dân phải được an toàn. “Một xã hội văn minh phát triển là nơi mà mọi người cảm thấy an toàn khi đi lại, làm việc và sống” là “có những sản phẩm an toàn, phòng ngừa thiên tai, động đất, lũ lụt, cháy nổ”.

Thứ 3, người dân phải được học hành (trang 35-38). Chúng ta nhớ Bác Hồ đã từng nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và thấm thía trước ham muốn tột bậc của Bác Hồ “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Điều đó đặt ra cho nhà lãnh đạo “đầu tư vào hệ thống giáo dục để đưa ra các chương trình đào tạo chất lượng, cập nhật với công nghệ hiện đại và thích ứng với thị trường lao động” vì “một xã hội phát triển là nơi mà mọi người có đầy đủ cơ hội để học hành và nâng cao trình độ”.

Thứ 4, là văn hóa mà Bác Hồ đã chỉ ra tầm quan trọng của văn hóa: “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhiệm vụ của văn hóa mới, là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng.

Thứ 5, yếu tố thể thao. Người lãnh đạo luôn nhớ lời Bác dạy “mỗi một người dân yếu ớt tức làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khỏe… dân cường quốc thịnh”, “để tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động thể thao… để nâng cao sức khỏe cho người dân”.

Thứ 6, yếu tố y tế sức khỏe. Theo Bộ Y tế, người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao (73,6 tuổi), nhưng mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Thứ 7, không gian phúc lợi. Do đó, “xây dựng các công trình công cộng như: công viên, khu vui chơi, giải trí, thư viện, bảo tàng… để tạo ra không gian tiện nghi và đầy đủ cho người dân”.

Thứ 8, vấn đề thu nhập của người dân. “Thu nhập ổn định và đủ để sống là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho mọi người có cuộc sống ổn định và an toàn”. Điều này đặt ra yêu cầu cho người lãnh đạo là “đầu tư vào các chương trình phát triển kinh tế, tạo nên nhiều việc làm cho người dân, đồng thời cũng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn để giúp họ vượt qua khó khăn và phát triển”.

Nguyễn Sơn Hùng

Tin xem nhiều