Hiện tỉnh cùng với huyện Nhơn Trạch đang gấp rút triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Để rõ hơn về đầu tư, phát triển của huyện Nhơn Trạch trong những năm tới, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức. Ảnh: K.Giới |
Huyện Nhơn Trạch được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-9-1994, với diện tích tự nhiên gần 41,1 ngàn hécta và đến nay còn gần 37,7 ngàn hécta.
Địa phương có kinh tế phát triển nhanh
* Khi mới thành lập, huyện Nhơn Trạch là địa phương thuần nông, đời sống người dân khó khăn. Thế nhưng, sau 30 năm, huyện đã trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm khá cao. Đồng chí đánh giá như thế nào về những nỗ lực của địa phương?
- Huyện Nhơn Trạch có vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, phía Tây và phía Nam giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc và phía Đông giáp với huyện Long Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tận dụng các ưu điểm trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nhơn Trạch đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên. Huyện đã cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nên tốc độ phát triển kinh tế của huyện khá nhanh.
Ngay sau khi thành lập, huyện Nhơn Trạch đã tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhơn Trạch là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh, vùng trong thu hút FDI và nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào huyện như: Hualon, Chingfa, Urbiz, Tongkook, Thái Phong, Hyosung, Formosa... Đến nay, huyện đã hình thành được 9 khu công nghiệp, thu hút 447 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 11,2 tỷ USD và 174 dự án đầu tư trong nước có vốn trên 66 ngàn tỷ đồng. Các nhà máy trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho 130 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, công nghiệp - xây dựng của Nhơn Trạch chiếm trên 81%, gấp hơn 16 lần so với năm 1994 và cao hơn bình quân chung của tỉnh hơn 20%.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ của huyện trong những năm qua luôn giữ mức tăng trưởng 25%/năm. Về du lịch, mỗi năm, huyện thu hút khoảng 300 ngàn lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa, hàng trước) và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đi kiểm tra Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Quân |
* Nhơn Trạch nằm gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh, xung quanh được bao bọc bởi các con sông lớn, rất thuận lợi để phát triển cảng, các chuỗi đô thị du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven sông. Theo đồng chí, huyện phải làm gì để khai thác tốt các lợi thế trên?
- Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Bộ, tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Nhơn Trạch còn quỹ đất lớn phù hợp cho phát triển khu đô thị, dịch vụ hậu cần cảng lớn của khu vực. Với mục tiêu đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 9-1-2023 về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, với kỳ vọng Nhơn Trạch sẽ trở thành đô thị loại II vào năm 2030.
Theo tôi, UBND huyện Nhơn Trạch cần phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện nhanh việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, căn cứ vào quy hoạch trên để khai thác các tiềm năng, lợi thế của huyện, phát triển công nghiệp, cảng biển, thương mại dịch vụ và chuỗi đô thị du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven sông. Nhơn Trạch có lợi thế giáp với Thành phố Hồ Chí Minh nên khi giao thông kết nối thuận lợi sẽ có làn sóng “di dân” về Nhơn Trạch sinh sống và làm việc. Trong tương lai, Nhơn Trạch sẽ là nơi hội tụ nhiều yếu tố người dân cần như: thành phố xanh, thông minh, gần sông, gần sân bay.
Khi thành lập, huyện Nhơn Trạch có 80% dân số sống bằng nghề nông, thu nhập thấp. Sau 30 năm, huyện Nhơn Trạch đã trở thành nơi có công nghiệp phát triển, đời sống của người dân được nâng cao. Mục tiêu đến năm 2030, Nhơn Trạch sẽ là thành phố công nghiệp, cảng phát triển của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sẽ là thành phố thông minh
Thưa đồng chí, dù có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng huyện Nhơn Trạch vẫn còn chậm trong hành trình lên thành phố. Huyện cần triển khai những giải pháp nào để sớm đạt các tiêu chí lên thành phố?
- Trong những năm qua, nhiều chương trình, nghị quyết đã được thông qua về phát triển đô thị mới Nhơn Trạch. Giữa năm 2008, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch. Tỉnh đã phối hợp với huyện triển khai công tác quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành khác, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng đô thị đồng bộ, từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại III, năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại II.
Qua 30 năm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, góp phần cải tạo chỉnh trang đô thị, cải tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Năm 2016, huyện Nhơn Trạch đã được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hiện nay trên địa bàn huyện đã có thị trấn Hiệp Phước là đô thị loại V và 11 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, huyện phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của bộ máy chính quyền các cấp, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Gắn phát triển kinh tế, văn hóa với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng và phát triển con người toàn diện, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, xây dựng huyện Nhơn Trạch đến năm 2030, đủ tiêu chí lên thành phố và đạt tiêu chí của đô thị loại II. Các năm tiếp theo, đầu tư xây dựng, nâng cấp đô thị đạt tiêu chí của đô thị loại I và trở thành một thành phố xanh, thông minh.
* Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Nhơn Trạch sẽ trở thành thành phố công nghiệp, cảng biển thông minh và là đầu mối giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy tỉnh sẽ hỗ trợ những gì để huyện Nhơn Trạch sớm trở thành một trong 4 đô thị động lực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thưa đồng chí?
- Trong những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ huyện Nhơn Trạch trong kết nối hạ tầng giao thông, đầu tư các công trình, dự án tạo thuận lợi cho huyện trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiến hành xúc tiến đầu tư, thương mại để giúp huyện Nhơn Trạch mời gọi được các nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, cảng biển, logistics, các khu thương mại - dịch vụ, siêu thị... Đặc biệt, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để tăng nhanh tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Tỉnh sẽ kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư vào huyện Nhơn Trạch để sớm hoàn thành dự án, mở rộng sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn huyện ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, tăng năng suất, chất lượng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để nâng cao doanh thu và giá trị gia tăng.
Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh sẽ tạo những điều kiện hỗ trợ huyện Nhơn Trạch phát triển theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để hình thành nông nghiệp đô thị xanh, sạch, tạo cảnh quan tươi đẹp, phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng và du lịch. Như vậy, sẽ tạo ra thu nhập cao trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Hương Giang - Khắc Giới (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin