Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào mừng huyện Nhơn Trạch 30 năm đổi mới và phát triển (1-9-1994 - 1-9-2024):
Công tác Đền ơn đáp nghĩa ở vùng đất cách mạng

Đăng Tùng
08:17, 30/08/2024

Bên cạnh sự phát triển không ngừng của các dự án, công trình hạ tầng, huyện Nhơn Trạch còn được biết đến là vùng đất anh hùng với nhiều người con đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo (bìa trái, hàng ngồi) hỏi thăm sức khỏe Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nở (ngụ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Nguyễn Hòa

Nhiều năm qua, huyện Nhơn Trạch vẫn đặc biệt quan tâm đến công tác Đền ơn đáp nghĩa với mong muốn đem lại sự đổi thay, cải thiện chất lượng cuộc sống của các gia đình chính sách - gia đình có những người đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu cho công cuộc thống nhất đất nước.

Đổi thay đời sống gia đình chính sách

Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Nở (89 tuổi, ngụ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) là bà mẹ VNAH duy nhất còn sống tại huyện Nhơn Trạch (trong tổng số 250 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự Bà mẹ VNAH trên địa bàn huyện). Mẹ Nở có 4 người thân đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và giữ gìn an ninh trật tự địa phương là: cha ruột, chị gái, chồng và cháu gái. Mỗi ngày, mẹ Nở đều được con cháu chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và thường xuyên được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đến thăm.

Con gái mẹ Nở, bà Nguyễn Thị Bích Ngân cho biết, trong những năm qua, gia đình của bà nhận được đầy đủ các chính sách hỗ trợ người có công từ cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, nhiều ban, ngành, đoàn thể đến thăm và động viên tinh thần mẹ Nở. Do đó, gia đình có thêm điều kiện chăm sóc, giúp mẹ Nở sống vui khỏe cùng con cháu, trở thành điểm tựa tinh thần cho cả nhà.

Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch LÊ THÀNH MỸ cho hay, trong những năm tiếp theo, huyện Nhơn Trạch sẽ tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cụ thể là gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển con người toàn diện. Đặc biệt, sẽ tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng phát triển Nhơn Trạch là đô thị công nghiệp, đô thị tri thức.

Gia đình Bà mẹ VNAH Lê Thị Nở là một trong số hơn 3,2 ngàn người có công thường xuyên được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể huyện Nhơn Trạch chăm lo. Cụ thể gồm hơn 1,5 ngàn gia đình liệt sĩ; 311 thương binh, 73 bệnh binh; 161 người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên, 73 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 112 người kháng chiến bị địch bắt bị tù đày...

Đáng chú ý, việc chăm sóc, chăm lo cho người có công tại huyện Nhơn Trạch hiện được tập trung 2 vấn đề là chăm sóc tinh thần và hỗ trợ vật chất, nâng cao đời sống cho người có công. Trong 5 năm qua (2019-2024), cơ quan chức năng huyện Nhơn Trạch đã thực hiện việc chi trả trợ cấp hàng tháng cho hơn 44,4 ngàn lượt người có công với số tiền 71,3 tỷ đồng; chi trợ cấp một lần cho 273 người có công, số tiền trên 3 tỷ đồng. Xây dựng và sửa chữa 80 căn nhà cho người có công và thân nhân người có công với số tiền trên 3 tỷ đồng.

Gần đây nhất, cuối tháng 6-2024, UBND xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) cùng Kho K62 (thuộc Binh chủng Hóa học, đóng tại huyện Nhơn Trạch) đã trao tặng nhà tình nghĩa cho ông Phạm Văn Quyết (80 tuổi, ngụ xã Phú Thạnh, người có công với cách mạng) với tổng kinh phí 100 triệu đồng.

Ông Quyết cho hay, ngôi nhà cũ của ông từ lâu đã xuống cấp, nhiều phần mái nhà bị dột, gây bất tiện trong sinh hoạt của gia đình vào mùa mưa. Hiện có được nhà mới, ông thấy rất yên tâm và sẽ tiếp tục phấn đấu để sớm vượt qua khó khăn, giáo dục con cháu phát huy truyền thống quê hương anh hùng, góp phần xây dựng quê hương phát triển.

Sâu sát với gia đình người có công

Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Nhơn Trạch Lưu Thanh Bình cho hay, Nhơn Trạch là vùng đất có nhiều căn cứ cách mạng, kéo theo đó nhiều liệt sĩ là người dân địa phương ngã xuống trên mảnh đất quê hương mình. Đến nay, các thân nhân liệt sĩ cũng tiếp tục sinh sống ngay tại huyện Nhơn Trạch nên cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể địa phương có điều kiện nắm bắt tình hình sức khỏe, điều kiện sống của những gia đình người có công. Từ đó kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ lúc cần thiết, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công tại địa phương.

Để việc chăm lo, chăm sóc người có công được thường xuyên, liên tục, Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Nhơn Trạch đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện quan tâm nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng các gia đình chính sách. Trên cơ sở đó, người có công với cách mạng và thân nhân kịp thời nhận được nhiều chính sách ưu đãi như: ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần...

Bên cạnh việc chăm lo cho những gia đình có công, huyện Nhơn Trạch còn chú trọng việc chăm sóc những phần mộ liệt sĩ, mộ các bà mẹ VNAH. Trong giai đoạn 2019-2024, huyện đã thực hiện cải táng mộ các bà mẹ VNAH vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền và người dân các xã, thị trấn của huyện Nhơn Trạch thường xuyên thăm viếng và làm vệ sinh xung quanh các nhà bia tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ. Vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm hàng năm, học sinh tại huyện Nhơn Trạch được nhà trường tổ chức giáo dục truyền thống, chăm sóc cảnh quan tại những di tích lịch sử địa phương để vun đắp lòng biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong suốt 2 cuộc kháng chiến.

Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho hay, trong những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể huyện Nhơn Trạch sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người có công. Đặc biệt chú trọng việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo những quy định về ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo UBND huyện Nhơn Trạch, sau 30 năm thành lập, huyện đã đạt được một số thành tựu như: thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 50 lần so với năm 1995 (đến nay đạt khoảng 82 triệu đồng/người/năm); cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, mang tính kết nối vùng và phát triển theo hướng tiêu chí đô thị loại III, đến nay Nhơn Trạch đã đạt 66/73 tiêu chí của một đô thị loại III. Hiện nay, huyện Nhơn Trạch đang phấn đấu đến năm 2026 sẽ hoàn thành 7 tiêu chí còn lại.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều