Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng hiện nay nhằm “đặc trị” những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.
Để tăng cường kiểm soát quyền lực, từ năm 2019 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều quy định nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ, trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một văn bản mang tính pháp quy đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm là kiểm soát quyền lực, chạy chức, chạy quyền, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng ta trước “căn bệnh” làm giảm uy tín, niềm tin của người dân vào Đảng.
Tiếp đó, ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ để thay thế Quy định số 205-QĐ/TW. Quy định 114 đã mở rộng phạm vi hơn so với quy định cũ về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm. Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa những quy định về kiểm soát quyền lực ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, ngày 27-10-2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27-6-2024 về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Những quy định về kiểm soát quyền lực PCTN, tiêu cực ngày càng được cụ thể hóa, điểm mặt, chỉ tên khá rõ những hành vi tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền. Trong đó, Đảng đặc biệt đặt trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lên hàng đầu trong công tác này, nhất là tính tiền phong, gương mẫu. Nhiều hành vi mới của chạy chức, chạy quyền cần phải phòng chống, chưa đề cập trước đó, đã kịp thời bổ sung, nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân như chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
Những quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực được xem là “bảo bối” quan trọng giúp công tác phòng ngừa, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.
Nguyễn Phượng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin