Mô hình Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn được triển khai từ đầu năm 2024 trên địa bàn Đồng Nai đã và đang xuất hiện những cách làm hay, sáng tạo.
Đã hết giờ làm việc hành chính, lãnh đạo và công chức phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) vẫn chờ dân đến để làm thủ tục hành chính cho dân. Ảnh: P.HẰNG |
Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, thời gian qua, UBND phường Tân Phong đã áp dụng nhiều cách làm mới, sáng tạo trong hoạt động phục vụ nhân dân như: Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói; 60 phút vì dân - thân thiện hành chính…
Làm ngoài giờ cho dân
Trong đó, mô hình 60 phút vì dân - thân thiện hành chính được bắt đầu thực hiện ngày 15-1-2024, thời gian làm việc ngoài giờ hành chính, vào ngày thứ hai hàng tuần. Các lĩnh vực thực hiện ở mô hình này gồm: sao y bản chính, chứng thực bản sao điện tử, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, đô thị và môi trường.
Mô hình ra đời nhằm mục đích, nếu trong giờ hành chính, người dân bận công việc không thể xin nghỉ làm để đi làm thủ tục hành chính thì sau giờ hành chính vẫn có thể đến trụ sở UBND phường và được giải quyết một số thủ tục hành chính. Thực hiện mô hình này, cán bộ, công chức vất vả hơn, thay vì làm việc 8 giờ/ngày, nay phải làm thêm giờ.
Quán triệt tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác dân vận của tỉnh năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nêu rõ: “Xây dựng chính quyền gần dân là việc làm rất quan trọng; nền tảng phát triển phải dựa vào dân. Chúng ta xây dựng được bộ máy chính quyền gần dân bao nhiêu thì càng thành công bấy nhiêu, vì nhân dân hành động cùng chúng ta, vì sự phát triển chung của địa phương”.
Từ đầu năm đến nay, qua thực hiện mô hình, UBND phường đã tiếp nhận và giải quyết 318 bộ hồ sơ thuộc các lĩnh vực: sao y, chứng thực, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, đô thị, môi trường. Tổ chức trao 40 giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; 35 thư chúc mừng; 17 thư chia buồn cho người dân trên địa bàn phường. Đồng thời, hướng dẫn người dân làm 452 hồ sơ giấy và hồ sơ trực tuyến tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả.
Không chỉ giải quyết thủ tục hành chính ngoài giờ cho dân, UBND phường còn cử cán bộ, công chức trao trả 28 hồ sơ miễn phí tại nhà cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người khuyết tật, người già neo đơn. Hàng tháng hoặc đột xuất, cấp ủy, chính quyền trực tiếp xuống địa bàn, tổ dân phố để tham gia hoạt động với người dân; lắng nghe phản ánh, đề xuất, kiến nghị của nhân dân hoặc trực tiếp đối thoại giải quyết các vấn đề bất cập, bức xúc, phát sinh ngay tại cơ sở… Qua những hoạt động này, nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền
địa phương.
Với mục tiêu lấy nhu cầu, lợi ích và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và làm thước đo mức độ hoàn thành công việc của mỗi cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, UBND phường Xuân An (thành phố Long Khánh) vừa triển khai thực hiện thí điểm mô hình Phục vụ nhân dân ngoài giờ hành chính. Mô hình này nhằm giúp một bộ phận người dân vì lý do công việc không thể đi làm thủ tục hồ sơ hành chính trong giờ hành chính, mà ngoài giờ hành chính đến trụ sở UBND phường vẫn được tiếp nhận giải quyết.
Đề cao vai trò người đứng đầu
Vào sáng chủ nhật của tuần cuối tháng, UBND phường Xuân An cử lãnh đạo và 2 công chức chuyên môn trực, tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân từ 7h30-11h. Mô hình bắt đầu thực hiện thí điểm từ chủ nhật, ngày
30-6-2024 và kết thúc thí điểm vào tháng 12-2024.
Để người dân biết về mô hình, UBND phường đã thông báo rộng rãi trên hệ thống loa phát thanh của phường; trên fanpage, trang thông tin điện tử của phường và đăng trên các trang cá nhân của lãnh đạo phường để nhiều người được biết.
Giám đốc Công ty TNHH Sơn Song Bảo (thành phố Long Khánh) Nguyễn Văn Minh Anh chia sẻ: “Tôi mong mô hình này không chỉ diễn ra ở một phường, mà còn ở nhiều phường trong tỉnh và cả nước để thiết thực đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền từ mệnh lệnh hành chính sang phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục; xây dựng phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết, mô hình Chính quyền thân thiện được UBND huyện và Ban Dân vận Huyện ủy Cẩm Mỹ thống nhất triển khai tại 100% đơn vị xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 5-2024, đến tháng 5-2025 sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện.
Mô hình Chính quyền thân thiện ở Cẩm Mỹ tập trung vào các hoạt động của chính quyền và cán bộ, công chức. Trong đó, các hoạt động của chính quyền phải đảm bảo công khai, dân chủ, hướng tới chính quyền điện tử; đảm bảo cơ sở vật chất, môi trường công sở văn minh, thân thiện; xây dựng hoạt động của chính quyền theo hướng gần gũi, thân thiện. Đồng thời, Cẩm Mỹ nỗ lực xây dựng hình ảnh người đứng đầu chính quyền gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân.
Yêu cầu của huyện Cẩm Mỹ đặt ra là việc triển khai xây dựng mô hình Chính quyền thân thiện phải được thực hiện nghiêm túc, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Lãnh đạo huyện đề nghị lãnh đạo các xã, thị trấn cần đặc biệt quan tâm vai trò, hình ảnh người đứng đầu. Phải thể hiện được sự quan tâm, gần gũi, thân thiện với nhân dân. Công tác tiếp dân của lãnh đạo các xã phải được chú trọng, không để dân chờ hoặc cử cán bộ thay thế tiếp công dân. Trong giao tiếp với người dân cần phải khéo léo, nhẹ nhàng và kiên nhẫn để giải thích cho dân hiểu những quy định, chính sách của Nhà nước, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin