Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ một buổi thảo luận Tổ ở Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc

Huỳnh Văn Tới
17:03, 20/07/2024

Tại buổi thảo luận ngày 15-1-2011 góp ý văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, Tổ đại biểu có đoàn Đồng Nai vinh dự được đồng chí Nguyễn Phú Trọng tham dự. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được biết đến là đương nhiệm Chủ tịch Quốc hội, ứng viên Tổng Bí thư nhiệm kỳ mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Đồng chí đến địa điểm thảo luận tổ trong dáng vẻ bình dị, mái tóc ánh bạc, áo màu xám bạc, nụ cười thân thiện, bắt tay nồng ấm với tất các thành viên tổ thảo luận. Tổ thảo luận gồm Đoàn đại biểu các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương.

Buổi thảo luận theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Đại hội, góp ý các văn kiện đại hội và nhân sự. Tổ thảo luận muốn nghe ý kiến gợi ý của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí từ tốn nói: “Tôi muốn nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí trước, nhưng các đồng chí yêu cầu thì tôi đáp ứng”. Và đồng chí nói về những nội dung cơ bản, cần tập trung thảo luận; gợi ý một số vấn đề khó, mới, quan trọng cần ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm, dân chủ.

Cuối buổi sáng, sau khi khi nghe hơn 10 ý kiến phát biểu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có lời trân trọng ghi nhận, tiếp thu, giải thích và nêu thêm một số vấn đề cần làm rõ. Sau đó, đồng chí chủ động mời chụp ảnh lưu niệm với từng đoàn trong tổ, nói lời tạm biệt để đến với các tổ khác.

Lần đầu tiên, tôi được dự Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc, dự thảo luận tổ đại biểu, được tiếp xúc và trực tiếp nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu, trong tôi như vừa được truyền lửa, vỡ ra, đọng lại những nội dung trọng yếu mà tôi còn mù mờ, chưa hiểu hết.

Về phương thức thảo luận, đồng chí nói phát huy dân chủ trong Đảng, coi trọng phản biện. Về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đồng chí lưu ý bài học đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong năm bài học kinh nghiệm đã đúc kết. Đồng chí giải thích tại sao cương lĩnh mới phải thể hiện quan điểm mới về xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp. Về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên tôi mới được nghe 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được đúc kết từ thực tiễn bằng tư duy lý luận do đồng chí  khởi xướng.

 Thú vị nhất khi đồng chí nói về đặc trưng thứ tư: “Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là đặc trưng bản sắc của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam vươn đến. Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về vấn đề này, nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc 2011-2016 cần tổng kết, nâng cao tầm tư duy lãnh đạo của Đảng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nói được thì làm được. Ý tưởng về văn hóa Việt Nam theo đồng chí nói đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội và 3 năm sau, Nghị quyết số 33-NQ/TW chuyên đề về văn hóa Việt Nam ra đời. Trong thảo luận tổ, các đại biểu có thảo luận về thuật ngữ văn hóa “thấm sâu” hay “tỏa sáng” ở cơ sở; về liên kết vùng, trong đó có liên kết vùng Đông Nam Bộ.

Trong phát biểu tổng hợp kết quả thảo luận và văn kiện Đại hội, có thấy tiếp thu ý kiến góp ý. Điều quan trọng là, những ý kiến được tiếp thu đó đã được kiên trì thực hiện trong các nhiệm kỳ Đại hội tiếp theo.

Từ buổi thảo luận tổ ấy, tôi thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng bình dị, chân thành, có sức thuyết phục bởi phong cách của một người lãnh đạo “lắng nghe, thấu hiểu, chân thành”, có tầm cao lý luận, chiều sâu của thực tiễn và trách nhiệm với dân, với Đảng. Ắt đó là lý do chính để Đại hội Đảng lần thứ XI và 2 lần sau bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối. Đó cũng là lý do tại sao khi đồng chí ra đi, lòng dân Việt Nam tiếc thương vô hạn, kính yêu vô bờ, tri ân sâu sắc.

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều