Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những dấu ấn đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Vũ Trung Kiên
07:31, 27/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo mẫu mực, giản dị, liêm khiết, nói đi đôi với làm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, suốt đời trung thành với lý tưởng vì Đảng, vì dân, đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư, tật xấu, những hư hỏng trong Đảng và trong xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì phiên họp thứ 24 của ban chỉ đạo vào ngày 16-8-2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì phiên họp thứ 24 của ban chỉ đạo vào ngày 16-8-2023. Ảnh: TTXVN

Đau đáu với vận mệnh của Đảng, đất nước và dân tộc

Năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 77 tuổi, đáng lẽ ở tuổi này, ông đã có thể an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu, dạo chơi, đọc sách như những cụ cao niên nhàn tản khác. Về tuổi, Tổng Bí thư đã ở tuổi “xưa nay hiếm”; về học vấn, ông đã có học vị tiến sĩ; về học hàm, ông là giáo sư; về chức vụ, ông đã lên tới đỉnh cao nhất của danh vọng. Thế nhưng, là người luôn đau đáu với vận mệnh đất nước, số phận của dân tộc, ông đã liên tục đứng ra gánh vác những trọng trách lớn lao. Vì vậy, ngay sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư tại Đại hội XIII của Đảng vào sáng 1-2-2021, Tổng Bí thư tâm tình: “Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, đảng viên thì phải chấp hành”.

Là người gánh vác trọng trách lớn nhất của Đảng, của đất nước, khi đất nước đã đạt được những thành tựu mang tính lịch sử mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Chắc chắn những thành tựu lớn này là công lao đóng góp của dân tộc, song vai trò “người cầm lái” của ông là vô cùng lớn. Thế nhưng, bao giờ ông cũng nép mình, khiêm tốn và không bao giờ tự nhận công lao ấy về mình. Cũng trong tâm sự khi được bầu lại làm Tổng Bí thư lần thứ 3, ông cho biết sẽ cố gắng hết sức, nhưng “làm được hay không tập thể phải thống nhất, đoàn kết trên dưới một lòng. Một cá nhân vai trò cũng quan trọng nhưng cũng chỉ là một cá nhân”.

Phòng, chống tham nhũng góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh

Ở Việt Nam, ngoài giám sát của Nhân dân, của tổ chức Đảng, của HĐND, thì các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam ngoài chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên thì còn có chức năng giám sát và phản biện xã hội. Trong những năm qua, rất nhiều các vụ việc tham nhũng, tiêu cực (TNTC) đã được báo chí, cán bộ hưu trí, người dân phát hiện và phản ánh. Vì vậy, để phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân đóng góp cho công tác phòng, chống TNTC, Tổng Bí thư đã khẳng định: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống TNTC là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân (…). Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống TNTC khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng”.

Hầu như mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam mấy chục năm qua đều ghi dấu ấn sâu đậm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong số những dấu ấn đặc biệt mà Tổng Bí thư để lại đó là công tác phòng, chống TNTC.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhân dân trăm tai, nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh… công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”. Tiếp nối tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò to lớn của Nhân dân trong công cuộc phòng, chống TNTC. Tổng Bí thư không quên cảnh báo nghiêm khắc rằng đây là cuộc chiến đấu đầy cam go, thách thức, song với sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân chắc chắn sẽ thành công.

Những thành tựu ấn tượng trong phòng, chống TNTC ở Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Không chỉ vậy, nhiều đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả nước ngoài đã lên tiếng bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác đấu tranh phòng, chống TNTC ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư.

Ngài Kamal Malhotra, đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam là một điểm sáng đáng chú ý”. Đài Bắc Kinh đánh giá: “Cường độ chống tham nhũng của Việt Nam là chưa từng có. Đối với một số vụ án tham nhũng lớn và quan trọng, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp chỉ đạo và giám sát điều tra…”. Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) trong “Báo cáo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2019” (GCB) đã đánh giá: “Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, hành động phòng, chống tham nhũng, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng quy mô lớn chưa từng có”. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đánh giá rất cao công cuộc lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”… Đây là minh chứng chứng minh cho luận điểm mà Tổng Bí thư đã đúc kết: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”.

Với công cuộc phòng, chống TNTC thời gian qua, có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dũng cảm đối diện với sự thật, nhìn thẳng vào sự thật và đấu tranh công khai, quyết liệt, trực diện với những thói hư, tật xấu, với TNTC thì đó là thể hiện sự dũng cảm của Đảng. Một lần nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam lại khắc ghi và thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. 

Kết hợp giữa “pháp trị” và đức trị

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng, chống TNTC của Việt Nam thời gian qua đã kết hợp hài hòa giữa “pháp trị” và “đức trị”. Một mặt đề cao kỷ luật nghiêm minh song vẫn quan tâm đến giáo dục, tu dưỡng về đạo đức.

Ngày 10-9-2021, khi Bộ Chính trị thống nhất đổi tên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TNTC. Như vậy, Đảng đã chính thức tấn công trực diện vào gốc rễ của tham nhũng đó là vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên. Khi cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất tất sẽ dẫn tới tiêu cực, từ tiêu cực dẫn tới tham nhũng và sẽ là con đường rất ngắn nếu không có các giải pháp kịp thời để ngăn chặn. Công tác phòng, chống TNTC ở Việt Nam thời gian qua đã đi từ thế phòng thủ sang chủ động tấn công. Tấn công trên diện rộng với nguyên tắc vào cuộc “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” từ Trung ương tới cơ sở, từ khu vực công sang khu vực tư…

Tổng kết 10 năm công cuộc phòng, chống TNTC đã có 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 đảng viên, trong đó hàng trăm cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật… Để xây dựng, hoàn thiện thế chế, trong 10 năm từ 2013-2022, Đảng đã ban hành trên 250 văn bản; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2 ngàn nghị định… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Đấu tranh chống tham nhũng không chỉ dùng sức mạnh của pháp lý mà còn dùng sức mạnh của dư luận xã hội, dùng sức mạnh của đạo đức, lấy cái tốt át đi cái xấu xa, thoái hóa, hư hỏng”.

Kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh là cần thiết nhưng nó chỉ góp phần xử cái sai, cái xấu, cái ác, chỉ có đạo đức mới làm cho cái tốt nảy nở, sinh sôi. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống TNTC”. Không chỉ đề cao giáo dục đạo đức, liêm sỉ, Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định cần “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” khi khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể TNTC; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi TNTC; đẩy mạnh cải cách hành chính tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn TNTC”.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều