Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 08/01/2025, 17:26 En

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Rạng ngời một nhân cách cao cả

Bùi Quang Huy
07:00, 22/07/2024

Những ngày qua, bầu không khí đau buồn phủ lên đất nước Việt Nam khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời dương thế. Sẽ còn rất nhiều những ý kiến, bài viết, công trình đánh giá về ông, không chỉ bây giờ.

Ngày 18-5-2024, sau phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt.
Ngày 18-5-2024, sau phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Ảnh: TTXVN

Với một con người, khi xét ở khía cạnh chính trị, xã hội, người đời thường nói đến công nghiệp của họ. Đã mang tiếng đứng trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông! (Nguyễn Công Trứ). Nhưng một vĩ nhân, người đời sẽ nhớ mãi, bởi niềm yêu thương và kính trọng, trước hết ở nhân cách. Công tích, có thể, một ngày, một tháng, một năm hay vài ba thập kỷ. Còn nhân cách, bao giờ, cũng cả một đời, hình thành từ những năm thơ bé, vun đắp và vững bền cùng thời gian. Tôi xin kể lại một vài chuyện cũ ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà nhiều người đã biết, để nghĩ về nhân cách của ông.

Cô giáo cũ và đôi chân trần

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, những năm đầu hòa bình, cô giáo Đặng Thị Phúc, người Hà Nội, về xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) dạy tiểu học. Năm cô dạy lớp 4 (hệ 10 năm, nay là lớp 5), lớp cô dạy gồm cả những học trò thôn Đông Trù, xã Đông Hội học ghép. Sau chiến tranh, khoảng cách tuổi tác giữa thầy trò không lớn. Nhiều năm về sau, cô vẫn nhớ đến các học trò của mình, nhất là lớp trưởng bằng tuổi cô và cậu trò nhỏ nhất, là Nguyễn Phú Trọng. Cô còn nhớ, lớp học ở mái đình thôn Mai Hiên, không có cửa, mùa đông, cô trò co ro, run cầm cập, mùa nắng, hơi nóng từ sân đình được dân làng phơi lúa phả vào hầm hập. Cô Phúc ấn tượng với trò Phú Trọng, bởi nhỏ nhất lớp, lại học giỏi. Vì là người Đông Hội, hàng ngày cậu học trò nhỏ ấy phải băng đồng, đi bộ hàng cây số mới tới trường. Suốt thời gian học lớp 4 cậu chỉ mặc mỗi bộ quần áo nâu, không kể đông hay hè. Đó là chiếc áo bà ba xẻ tà, quần màu nâu, đi chân đất (lời cô Phúc).

Sau này, những học sinh trường làng Mai Lâm lớn lên, mỗi người một ngả. Cô giáo Đặng Thị Phúc cũng đi dạy ở nơi khác. Gần 50 năm sau, khi có người nhắc đến cậu học trò cũ, bây giờ làm to lắm, cô rất tự hào, vì bất kỳ học sinh nào trưởng thành đều là món quà quý giá nhất của nghề giáo. Cảm xúc ấy khiến cô viết thành bài thơ Người trò nhỏ năm xưa (tặng N.P.T). Không ngờ, chính bài thơ ấy khiến người học trò tìm lại được cô giáo của mình. Hôm đó, cô đang ở nhà, nhận được điện thoại. Vừa bắt máy, đầu dây bên kia đã hồ hởi: Gần 50 năm rồi em mới được nghe tiếng nói của cô, em vẫn còn giữ cuốn học bạ có chữ ký của cô đấy ạ, em sẽ đến thăm cô. Biết đấy là người học trò cũ mà cô rất yêu thương và tự hào, nhưng giờ đã là Chủ tịch Quốc hội, cô Phúc vội vàng gạt đi: Anh đã làm việc lớn, phục vụ nhân dân là quý lắm rồi, anh bận nên không phải đến thăm cô đâu. Nhưng mấy hôm sau, người học trò ấy vẫn đến, gặp khi cô sửa nhà, phải ở thuê chỗ khác, đường quanh co, mà vẫn tìm được. Cô trò ngồi nói chuyện suốt mấy giờ. Từ đó, ngày lễ, Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gọi điện, gửi quà, gửi hoa đến chúc mừng cô giáo cũ. Tết Tân Mão (2011), ngày Tết Thầy - mùng 3, ngay khi vừa được bầu làm Tổng Bí thư, lại vừa đã công tác về, 10h đêm, ông gọi điện chúc Tết cô giáo khi xưa của mình.

Lá thư tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi chúc Tết cô giáo cũ.
Lá thư tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi chúc Tết cô giáo cũ.

Trước Tết Kỷ Mão (2019), ngày 20 tháng Chạp, Tổng Bí thư gửi lá thư kính thăm cô giáo cũ. Sẽ là bình thường, nếu lá thư ấy, không phải của một người học trò cũ đã bảy mươi sáu tuổi, lại là người đang đứng đầu một quốc gia. Càng ngạc nhiên hơn, đấy là lá thư không có bất kỳ dấu vết nào của công vụ, bởi ngoài phong bì phổ thông, ghi trang trọng: Kính gửi cụ Đặng Thị Phúc, còn bên trong chỉ ghi vỏn vẹn: Nguyễn Phú Trọng và ký tên là Học trò cũ của cô.

Nhiều người còn được biết, khi về thăm Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội), nơi khi xưa mình đã học trung học, trước ngày lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường (năm 2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với Ban giám hiệu:

Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường.

Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và các bạn học.

Hay tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, trước đây là Trường đại học Tổng hợp, khi về họp lớp cũ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn một mực kính lễ với thầy giáo cũ, khiêm cung với bạn bè.

Trong lịch sử dân tộc, không hiếm những tấm gương tôn sư trọng đạo. Nếu chuyện ngày xưa, có người sẽ cho rằng, đấy là ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia. Hẳn không phải như thế, vì thời nào đi nữa, đấy vẫn là đạo lý làm người của dân tộc. Làm người có trọn, làm quan mới thành!

Căn phòng nhỏ và chiếc áo sờn

Đầu năm 2022, Thông tấn xã Việt Nam đăng những bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng làm việc của ông. Nhiều người ngạc nhiên, bởi căn phòng ấy thật bình dị, trên tường chỉ treo duy nhất chân dung Bác Hồ, ghế bàn đơn sơ. Để ý kỹ, người ta sẽ thấy trong căn phòng nhỏ ấy, có chỗ tường đã bong tróc sơn. Điều hơi khác, phòng Tổng Bí thư thật nhiều sách, trên bàn làm việc và chiếc tủ kế bên.

Nhiều người từng tiếp xúc, làm việc với Tổng Bí thư nhận xét, ngoài những dịp nghi lễ cần phải mặc comple, ông thường mặc giản dị, có khi là chiếc áo cũ đến sờn vai.

Tháng 7-2017, Thông tấn xã Việt Nam chụp tấm ảnh thật ý nghĩa, Tổng Bí thư cúi lên thắp hương một ngôi mộ Liệt sĩ chưa biết tên ở Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Hôm đó, ông mặc chiếc áo sơ mi màu tím. Đến tháng 6-2021, cũng Thông tấn xã Việt Nam, chụp tấm ảnh Tổng Bí thư cùng lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương. Một nhà báo tinh ý, chiếc áo ông mặc chính là chiếc áo ở Phủ Thông cách đấy bốn năm trước.

Người ta tin sự giản dị của Tổng Bí thư không phải một ngày, một thời hay một nơi, một lúc. Không có gì lạ khi đứng đầu Đảng, Nhà nước hơn một phần tư thế kỷ, ông cùng gia đình vẫn ở căn nhà công vụ, sử dụng xe hơi có tuổi đời hàng chục năm. Ngày về họp lớp cũ, ông nhờ bạn bè chở đi bằng xe máy. Sự giản dị đó ở cả một đời. Nó xuất phát từ tâm hồn, nếp sống của một con người.

Tôi nhớ hình như không lâu sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đã đến làm việc với lãnh đạo Bộ Công an. Lần đó, ông có nói, tiền bạc lắm để làm gì. Điều quan trọng là trọng đức, trọng liêm. Của cải chỉ là phù vân... Ý kiến này được Tổng Bí thư nhắc lại ở nhiều nơi, cách diễn đạt có thay đổi đôi chút, nhưng nội dung không khác.

Đại thần Trịnh Hoài Đức, người xứ Biên Hòa, đời vua Minh Mạng, giữ chức Thượng thư Bộ Lễ kiêm lãnh Thượng thư Bộ Lại, lúc còn ở triều đường, được vua quan trọng dụng, yêu mến, nhưng Cụ từng than thở: Ngay thảo tưởng chừng sa nước mắt/ Công danh nghĩ lại mướt mồ hôi!

Cuối năm 1946, trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, Bác Hồ cũng từng nói: Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Những nhân cách cao cả một đời dấn thân cho sự nghiệp dân tộc hóa ra ai cũng không ham danh lợi cả. Trái lại, họ ghét và cả sợ cái vòng danh lợi cong cong ấy. Có lẽ vì thế, họ có đủ tài năng, đức độ và dũng khí để theo đuổi sự nghiệp của quốc gia, nòi giống. Những người như vậy, hẳn không bao giờ mất trong trái tim của người đời và ký ức của dân tộc!

Bùi Quang Huy

21-7-2024