Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức hút từ một nhân cách lớn

Quyết Thắng - Hồng Phúc
07:10, 24/07/2024

Trước thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, trên các diễn đàn mạng xã hội tràn đầy các dòng tin thương tiếc, cầu nguyện. Niềm kính trọng và yêu mến của người dân dành cho Tổng Bí thư chẳng theo một mệnh lệnh nào mà đến một cách tự nhiên, xuất phát từ trái tim yêu kính dành cho ông.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TRÍ DŨNG/TTXVN

Trong đời sống chính trị - xã hội, ở bất kỳ thời đại lịch sử nào, người dân cũng cần một điểm tựa tinh thần. Đó là một vị thủ lĩnh chính trị hội tụ đủ đức và tài để quy tụ niềm tin, sức mạnh cộng đồng, sức mạnh thời đại.

Ở nước ta, khi có một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra, ban hành nghị quyết, chỉ thị để chỉnh đốn. Với sự vào cuộc đầy quyết tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã mang sắc diện và khí thế mới cả về quan điểm, nguyên tắc, phương châm đến hành động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như “một người thổi lửa, cầm trịch thực sự xứng tầm”. Dấu ấn “Thuyền trưởng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thuyết phục lòng dân chính bởi sức hút của một nhân cách lớn - hội tụ bản lĩnh và trí tuệ, thống nhất giữa lời nói và hành động, giữa chỉ đạo và nêu gương.

Thực tiễn cho thấy, chống “giặc nội xâm” luôn khó khăn, bởi ranh giới giữa đối tượng xử lý và đồng chí, đồng đội; giữa “vạch mặt chỉ tên” và thân quen, cánh hẩu nhiều khi bện chặt trong đa dạng các mối quan hệ khó bóc tách.

Xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, vì vậy Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng, tiêu cực là căn bệnh không phải bây giờ mới có. Thời phong kiến, Nhân dân ta thường dùng từ “quan tham” để chỉ quan tham nhũng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư” cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Trong đó, về bệnh tham lam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”, dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”...

Công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước hôm nay với một trong những trọng tâm chống suy thoái, chống tham nhũng - vấn đề cấp bách được Đảng ta xác định “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”, nay đang được tạo dựng và lan tỏa khí thế, niềm tin của toàn xã hội. Người dân tin tưởng và cảm kích trước hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cầm trịch công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, kịp thời nhưng khoa học, chắc chắn, răn đe để giáo dục, phòng ngừa…

Người cầm trịch chẳng những bài bản trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết trong hành động mà chính là sự nêu gương - một thủ lĩnh mực thước, thanh cao, giản dị, liêm khiết. Điều đó đã thực sự tạo dựng điểm tựa tinh thần to lớn trong lòng dân, thu phục nhân tâm về một mối với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” quyết tâm đánh thắng “giặc nội xâm”.

Trọn vẹn cuộc đời 80 năm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thuộc về Nhân dân, thuộc về Đảng, thuộc về đất nước, dân tộc và thật sự xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không phải chỉ có tài năng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người luôn sống với tinh thần cách mạng chân chính, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, gần gũi với Nhân dân. Đạo đức trong sáng, vĩ đại và cao đẹp của người đứng đầu Đảng ta đã lan tỏa tích cực, ảnh hưởng lớn lao tới toàn dân và đã khiến cho trái tim của họ rung động, tự hào.

Trong con người Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ẩn chứa đạo đức cao quý và một con người thật sự đức hạnh. Trong quá trình hoạt động cách mạng và nhờ việc nghiên cứu kinh nghiệm của Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị cách mạng tiền bối, lòng ngưỡng mộ ấy đã kết hợp với những yêu cầu của đạo đức cách mạng cho phép đúc kết được một phẩm chất quý giá, cần thiết cả về mặt chính trị lẫn đạo đức, trở thành trụ cột tinh thần có sức hút kỳ diệu!

Trong nhiều tác phẩm, bài diễn văn và nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cả trong đời sống hàng ngày cũng như trong chiến đấu, lao động, học tập và các phong trào thi đua cách mạng. Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là một tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một tấm gương về sự trung thành, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, luôn đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia, dân tộc lên trên hết; giản dị, gần gũi với Nhân dân.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ thực hiện được những bài học và những lời giáo huấn mà đồng chí Tổng Bí thư kính mến đã để lại cho chúng ta. Làm những điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn chính là phương pháp tốt nhất để chúng ta tỏ lòng kính trọng, yêu mến đối với một vị Tổng Bí thư đã dành trọn cuộc đời cho Tổ quốc, cho Nhân dân!

Quyết Thắng - Hồng Phúc

Tin xem nhiều