Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết khó khăn, tạo đà bứt phá

Công Nghĩa
06:03, 05/07/2024

Thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (khóa XI) vào sáng 4-7, nhiều đại biểu cho rằng, cần tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để tạo đà cho Đồng Nai phát triển trong giai đoạn quyết định hiện nay.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đóng góp giải pháp tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Công Nghĩa
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đóng góp giải pháp tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Công Nghĩa

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du cho biết, huyện đang gặp phải tình trạng chung của tỉnh là chậm giải ngân vốn đầu tư công do khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Không để khó khăn lặp lại

Đến nay, huyện Thống Nhất mới chỉ giải ngân nguồn vốn của tỉnh đạt 13% so với dự toán, còn nguồn vốn của huyện mới chỉ đạt 29%. Những khó khăn dẫn đến giải ngân chậm là ở công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Đồng chí Nguyễn Huy Du nêu thực tế, dù dự án của Trung ương hay tỉnh thì đều giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện kiểm đếm và bồi thường, trong khi nguồn nhân lực hạn chế cả số lượng lẫn năng lực so với khối lượng công việc cần giải quyết…

Giải pháp được đồng chí Nguyễn Huy Du đưa ra là phải tăng cường nhân lực lẫn năng lực cho cán bộ làm công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ở các huyện. Mặt khác, khi có chủ trương dự án, phải nghĩ ngay chuyện tái định cư, bởi đây là câu chuyện trước sau cũng phải làm, nếu không làm ngay thì dân không an tâm, Nhà nước khó thu hồi đất, kéo dài thêm thời gian sẽ mất đi cơ hội phát triển.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đánh giá, công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản có nhiều chuyển biến nhưng chưa thể an tâm, vì báo chí còn phản ánh nhiều. Do đó, 6 tháng cuối năm phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng công trình còn niên hạn, mới đưa vào sử dụng nhưng lại xuống cấp, không thể sử dụng được.

Lo lắng về nguồn vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng trăn trở, vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng từ năm 2021-2025 cần 40 ngàn tỷ đồng được xác định từ nguồn đấu giá đất, nhưng từ năm 2021 đến nay, chưa đấu giá được mảnh đất nào. Vì vậy, câu hỏi nguồn lực ở đâu để đầu tư cần phải tìm lời giải. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ đột phá nhưng lại chưa có đột phá. Do đó, đồng chí cho rằng, phải có giải pháp quyết liệt hơn đối với công tác cải cách hành chính cùng với chuyển đổi số và công tác cán bộ, nhất là tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khiến hồ sơ cứ đi lòng vòng.

Liên quan đến thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình cho biết, số thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt được tỷ lệ như kỳ vọng nhưng so sánh với 2 tỉnh lân cận Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì tỷ lệ và con số tuyệt đối của Đồng Nai vẫn thấp hơn. Cụ thể, Đồng Nai thu được hơn 30,4 ngàn tỷ đồng (đạt 54%), Bình Dương hơn 35,4 ngàn tỷ đồng (đạt 55%), còn Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 47,8 ngàn tỷ đồng (đạt 58% so với dự toán, kể cả dầu khí).

Đồng chí Trương Thị Hương Bình nhận định, ước thu ngân sách cả năm của tỉnh sẽ đạt được, nhưng với số thu hiện nay thì việc cân đối ngân sách cho các nhiệm vụ chi sẽ rất khó khăn. Nói về nguyên nhân tình hình thu đạt như kỳ vọng nhưng chưa hết khó khăn, đồng chí Hương Bình cho rằng, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm thuế suất giá trị gia tăng các mặt hàng và phí dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Chính sách này sẽ còn được duy trì cả những tháng cuối năm nay.

Phân luồng học sinh - cần được đồng thuận

Vấn đề đảm bảo trường lớp cho học sinh sau trung học cơ sở (THCS) được học tiếp lên bậc trung học phổ thông (THPT) là một trong những chủ đề “nóng” tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần này. Theo nhiều đại biểu, hiện mỗi gia đình chỉ có 1-2 còn nên tâm lý ai cũng muốn cho con vào học THPT rồi lên đại học; vì vậy, việc phân luồng học sinh sau THCS có nhiều ý kiến trái chiều.

Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, tỉnh có 15 trường nghề thì có 10 trường trung cấp và 5 trường cao đẳng. Trong số đó, 10 trường chỉ đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp, 5 trường cao đẳng còn lại đào tạo cả sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Những năm trước, các trường trung cấp nghề không tuyển sinh được nên đã giải thể mất 2 trường.

3 năm trở lại đây, số lượng học sinh hoàn thành chương trình THCS tăng đột biến, do sau khi học hết THCS không được vào các trường THPT công lập và tư thục. Những học sinh này có 2 lựa chọn, một là vào các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (do Sở Giáo dục và đào tạo quản lý), hoặc vào các trường nghề (do Sở Lao động, thương binh và xã hội quản lý). Sau này, khi kết thúc khóa học, nếu các em nỗ lực học tập thì có thể đạt cùng lúc cả bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT và vẫn có thể xét tuyển lên đại học như những học sinh THPT bình thường.

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Trang cho rằng, Ban Bí thư Trung ương đã có Chỉ thị 21-CT/TW ngày 4-5-2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành kế hoạch để thực hiện mục tiêu nói trên của Ban Bí thư Trung ương.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Trang cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả phân luồng, phải nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, nhất là phải đầu tư về máy móc, con người, chương trình đào tạo. Các ngành đào tạo phải đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Trang chia sẻ, qua giám sát thực tế cho thấy, cơ sở vật chất ở các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh chưa được đầu tư đủ mạnh, các ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. 

Đề cập đến vấn đề thiếu trường lớp công lập, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Trương Thị Kim Huệ cho hay, ngành đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, ngành phải thực hiện nghiêm tinh giản biên chế, thu gọn các đơn vị đầu mối.

Những năm tới, Sở Giáo dục và đào tạo chỉ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các trường công lập ở những nơi thật sự khó khăn, không thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Với những nơi thuận lợi, sẽ tập trung thu hút xã hội hóa để có thêm nhiều loại hình trường tư thục. Để chia sẻ khó khăn với phụ huynh có con học ở các trường tư thục, đồng chí Trương Thị Kim Huệ đề xuất giải pháp Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh học ở các trường tư thục. Mức hỗ trợ này có thể bằng với mức thu học phí của các trường công lập như đã thực hiện hỗ trợ học sinh các trường tư thục thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19 trước đây.

Công Nghĩa


Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG:

Chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp

Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy cần tập trung chỉ đạo rà soát quy hoạch các chức danh, vị trí, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp sẽ diễn ra trong năm 2025. Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, cần nâng cao ý chí của người đứng đầu, ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, đấu tranh không để xảy ra sai phạm.

Chánh Văn phòng Tỉnh ủy VIÊN HỒNG TIẾN:

Phải có nhiều giải pháp quyết liệt hơn

Bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng so với các tỉnh trong khu vực. Nhưng để đột phá cho tỉnh phát triển lên cao hơn nữa, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp quyết liệt hơn. Trong báo cáo của tỉnh đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, theo tôi có 3 vấn đề rất đáng quan tâm.

Thứ nhất, Trung ương đã ban hành Chỉ thị 35 về đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, chuẩn bị tốt các nội dung văn kiện, nhân sự để tổ chức đại hội các cấp đạt kết quả, đảm bảo tiến độ.

Thứ hai, theo dõi chỉ đạo xử lý dứt điểm 22 vụ án, vụ việc, xem xét khách quan, toàn diện các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ việc liên quan đến cán bộ các ngành, địa phương để chuẩn bị nhân sự cho đại hội.

Thứ ba, trên địa bàn tỉnh có 22 công trình trọng điểm đang triển khai và 36 dự án đang kêu gọi thu hút đầu tư, do đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm này.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư NGUYỄN HỮU NGUYÊN:

Cần lấy lại vị thế trong phát triển kinh tế

6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,8%, mức tăng này đã đạt mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra (Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra tăng từ 6,5-7%) và tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, mức tăng 6 tháng đầu năm nay của tỉnh đã cao hơn mức tăng trung bình cả nước (cả nước tăng 6,5%). Tuy nhiên, so với những năm trước, mức tăng GRDP của tỉnh đang có dấu hiệu chững lại. Những năm trước, tăng trưởng của tỉnh luôn cao gấp 1,5 lần mức tăng của cả nước nhưng nay chỉ tăng hơn cả nước một chút.

Ngoài vấn đề về tăng trưởng kinh tế nói chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tăng 6,5% - mức tăng này của Đồng Nai có cao hơn các địa phương lân cận, nhưng so với mức tăng GRDP của tỉnh thì thấp hơn và so với cả nước, Đồng Nai cũng thấp hơn (cả nước tăng 7,7%). Tốc độ tăng sản xuất công nghiệp thấp hơn tăng GRDP của tỉnh cho thấy, những năm gần đây giới hạn tăng trưởng công nghiệp đã có vấn đề, chính biến động của thị trường tác động đến vấn đề này. Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư những dự án cần quỹ đất nhiều thì tính sẵn sàng về việc này của tỉnh đang bị hạn chế. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để lấy lại vị thế.

Công Nghĩa - Phương Hằng (ghi)


 

Tin xem nhiều