Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng bào nghĩa nặng tình sâu

Hòa Bình
19:44, 29/07/2024

Chứng kiến đồng bào liên tục nối thành hàng dài bất tận chờ đợi suốt nhiều giờ đồng hồ, thậm chí xuyên đêm, để trực tiếp vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những hình ảnh đầy ắp nhân ái, yêu thương không thể lay động hơn khi người dân mở lòng san sẻ, cùng nhau vượt qua nỗi đau ngày quốc tang, trong lòng nhiều người đã thốt lên “nếu có kiếp sau, tôi vẫn xin được làm người Việt Nam!”. Không ai được chọn nơi mình sinh ra, nhưng tôi tin rằng, họ đã ghi dấu hai chữ “ĐỒNG BÀO” nắn nót viết hoa thẳm sâu nơi trái tim mình.

Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia. Ảnh: VGP

Nhiều người dân xung quanh khu vực Nhà tang lễ Quốc gia nhận trông xe miễn phí để đồng bào vào viếng Tổng Bí thư. Ổ bánh mì, chai nước, chiếc khăn, cái quạt trao tặng tận tay bà con. Những người lái xe ôm công nghệ sẵn sàng chở miễn phí người dân ở nơi xa về viếng “bác Trọng”. Đó là những việc làm tử tế, vô tư, chứa đựng nghĩa tình sâu đậm của đồng bào vào lúc triệu triệu con tim trên cả nước rung lên cùng hướng về một trái tim, một nhân cách lớn - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-khi Người qua đời. Đó là nét đẹp ứng xử thấm đẫm đạo lý nhân văn của dân tộc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Xúc cảm hai tiếng “đồng bào”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra đi trong tiếc thương khôn xiết của đồng bào, đồng chí cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Hòa vào dòng người khắp nơi đến viếng người đứng đầu Đảng ta, xúc động trước khung cảnh hàng ngàn người dân xếp hàng chờ đợi, một nhà sử học nổi tiếng cho rằng “lòng dân là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất”, qua sự kiện này sẽ đánh thức lương tri, trách nhiệm của nhiều người. Ông cũng từng khái quát tình cảm của đồng bào ở thời điểm cả nước đau buồn tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng thành cụm từ “tụ tâm” dân tộc.

Sự trỗi dậy kỳ diệu, mạnh mẽ nghĩa tình như thế bắt nguồn sâu xa cội rễ từ tính đồng nhất trong dòng chảy huyết mạch văn hóa đã tạo nên chất “keo kết dính” vững chắc không gì có thể chia rẽ hai tiếng “đồng bào” trong ngôi nhà chung mang tên Việt Nam. Nghiền ngẫm cắt nghĩa từ “đồng bào”, một số ý kiến nhận định rằng có lẽ khởi nguồn từ truyền thuyết mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân sinh ra “bọc trăm trứng”. Cùng một nguồn cội tổ tông nòi giống con Rồng cháu Tiên, khiến dân ta tự hào có chung tín ngưỡng thờ vua Tổ: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Trải qua hơn 4 ngàn năm lịch sử, dòng máu Lạc Hồng luôn chảy trong huyết quản mỗi người con đất Việt.

Không phải ngẫu nhiên mà đang đọc bản Tuyên ngôn độc lập giữa Quảng trường Ba Đình, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng lại ân cần hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Để rồi từ đây, điểm nhấn hai tiếng “đồng bào” thật sự thấm đượm, lưu danh trọn vẹn vào lòng người Việt suốt gần 80 năm qua. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, “đồng bào” chiếm vị trí đặc biệt trong tác phẩm của Hồ Chí Minh, cụ thể theo khảo sát trong Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011) thì hai chữ này xuất hiện hơn 2000 lần. Trong các lá thư và những lần nói chuyện Bác Hồ đều dùng “đồng bào” như: đồng bào Công giáo, đồng bào Mán, đồng bào hậu phương, đồng bào tản cư, đồng bào Nam bộ… Riêng hai năm 1945, 1946 nhất là lúc đất nước ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã viết 20 lá thư có tiêu đề “gửi đồng bào”. “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” . Đó là một đoạn trích trong Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâyku, ngày 19-4-1946, mà cho tới nay vẫn khiến chúng ta cảm động mỗi lần đọc lại.

Người Việt là thế, từ muôn đời nay, bất cứ lúc nào quê hương đất nước đương đầu hoàn cảnh khó khăn, mất mát, đau thương, 54 dân tộc hội tụ trên dải đất hình chữ S không phân biệt vùng miền, tôn giáo, ngôn ngữ, luôn coi nhau như anh em ruột thịt một nhà với sự cố kết đặc biệt. Tất cả kề vai sát cánh hành động đề cao lương tâm, trách nhiệm, gợi lên bản hòa tấu tình yêu không bao giờ cũ, đó là tình yêu Tổ quốc và đồng bào mình “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

 “Sợi chỉ đỏ” kết thành sức mạnh vô song

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, hai chữ “đồng bào” chung thủy, son sắt đã tạo nên sức mạnh vô song đưa Việt Nam vượt qua mọi gian nan, thử thách, thiên tai, địch họa, làm nên thắng lợi vẻ vang trong các cuộc đánh đuổi thực dân, đế quốc, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và lập bao kỳ tích ngoạn mục thời kỳ đổi mới, hội nhập đỉnh cao. Minh chứng chân thực gần đây là giữa đại dịch Covid-19 khốc liệt, toàn thể dân tộc Việt Nam đã thắt chặt đoàn kết, quyết tâm vượt khó, tin tưởng thực hiện triệt để công tác phòng, chống dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, cả trăm triệu trái tim con cháu Bác Hồ trong và ngoài nước cùng hòa chung nhịp đập, thể hiện tấm lòng tương thân tương ái “thương người như thể thương thân”. Từ đó, giúp cả nước thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, khiến thế giới nể phục. Qua cơn đại dịch, những người con đất Việt càng thêm thấm thía sâu sắc và trân quý hai tiếng “đồng bào”. Ý chí “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, nâng niu ngọn đuốc hòa bình của đông đảo đồng bào ta đã biến thành vũ khí đập tan, làm thất bại mọi luận điệu xuyên tạc nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân từ phía các thế lực thù địch hiện nay.

 “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào” là lời đầu tiên trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng mà lúc nhỏ mỗi người đều thuộc nằm lòng cũng như nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng cao cả đó từ khi còn ngồi ghế nhà trường cho đến suốt cuộc đời. Tình cảm keo sơn, gắn bó thôi thúc gần 100 triệu người Việt Nam trong nước và bộ phận máu thịt không thể tách rời gồm 6 triệu kiều bào ta ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay gần gũi, cởi mở, chân thành vượt qua mọi khác biệt, hòa hợp, đồng thuận, chung tay kiến tạo đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. Xa mặt nhưng không cách lòng, bà con nhiệt tình nâng đỡ, chăm lo đồng bào nghèo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đúng như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Đồng bào mãi mãi gắn kết, đồng hành trong bất cứ hoàn cảnh nào, trở thành nguồn nội lực tinh thần vô giá thúc đẩy hành trình tiến lên của đất nước, kiến tạo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, giữ cho Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam.”

Tôi vô cùng tâm đắc rằng, chỉ người Việt mới thường xuyên gọi nhau bằng danh xưng "đồng bào", hai tiếng thân thương, ấm áp, nặng sâu. Nghĩ đến đây, lòng tôi bỗng rộn lên những giai điệu vui tươi, lạc quan, ngợi ca tình người không giới hạn “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay…..Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam” trong tuyệt phẩm âm nhạc “Nối vòng tay lớn” mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác cách đây gần nửa thế kỷ. Ca từ đó chợt làm tôi liên tưởng đến những bức ảnh thắp sáng nghĩa đồng bào trong đám tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chụp ngẫu nhiên, đang hiện diện, lan tỏa rộng rãi trên cộng đồng mạng xã hội.

Hai chữ “đồng bào” bùng lên cảm xúc rạo rực trong những ngày tháng 8 này, khi ngược dòng ký ức 79 năm sục sôi khí thế Cách mạng Tháng Tám 1945. Người Việt đã nhất tề vùng lên như nước vỡ bờ, đập tan xiềng xích, gông cùm phát xít, thực dân, đưa cách mạng giành thắng lợi biến người dân từ thân phận nô lệ thành người tự do và lần đầu tiên xuất hiện nước “Việt Nam” độc lập trên bản đồ thế giới. Sự kiện hào hùng đó để lại bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, mà còn vẹn nguyên tính thời sự cho đến bây giờ, đó là sức mạnh vô địch của lòng dân, sức dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hòa Bình

Tin xem nhiều