Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn khó phai về một nhân cách lớn

Nguyệt Hà
21:58, 24/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình mở lại bức thư Tổng Bí thư gửi cô giáo Đặng Thị Phúc. Ảnh: Nguyệt Hà
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình mở lại bức thư Tổng Bí thư gửi cô giáo Đặng Thị Phúc. Ảnh: Nguyệt Hà

Đặc biệt với những người có may mắn trực tiếp được gặp Tổng Bí thư thì dấu ấn vô cùng khó phai về người lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn, một cuộc đời trọn vẹn cho Đảng, cho nước, cho dân.

*Thấm thía những lời nói và hành động

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình gặp Tổng Bí thư trong kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2020-2025), cùng nhiều cuộc họp trực tuyến mà Tổng Bí thư chỉ đạo.

"Tôi mãi suy nghĩ rất nhiều khi đọc bức thư mà Tổng Bí thư viết gửi cô giáo Đặng Thị Phúc. Bức thư không chỉ khẳng định lễ nghĩa của người học trò mà còn cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ về môi trường giáo dục, học đường, sự tôn trọng thầy cô giáo, vấn đề "tôn sư, trọng đạo" ngày nay..." - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình nói.

“Tổng Bí thư ra đi khi nhiều việc còn dang dở, nhất là công việc quan trọng chuẩn bị cho nhiệm kỳ đại hội mới của Đảng nên khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, tôi đau nhói trong tim và giống như cảm giác mất đi người thân trong gia đình” - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chia sẻ.

Mở cho chúng tôi xem bức thư mà Tổng Bí thư đã viết gửi cô giáo Đặng Thị Phúc ngày 25-1-2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình bộc bạch: “Ở cương vị cao nhất của đất nước, người đứng đầu Đảng ta nhưng Tổng Bí thư luôn khiêm nhường, giản dị, giữ trọn lễ phép của người học trò với cô giáo dạy từ năm học lớp 4.

Điều này cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ về môi trường giáo dục ngày nay, về “tôn sư trọng đạo” mà tấm gương đạo đức, phong cách, hành động của Tổng Bí thư nhắc nhở và tác động rất lớn trong đời sống học đường, trong môi trường giáo dục hiện nay”.

“Cũng như tâm trạng của nhiều người dân Việt, tôi thực sự thương tiếc và chưa hề nghĩ “Tổng Bí thư đã về thế giới người hiền”. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng có tầm tư duy chiến lược, có đạo đức sáng trong, là hiện thân cao nhất của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trọn một đời vì dân, vì nước. Những bài viết, lời dạy, tác phẩm của Tổng Bí thư để lại chắc chắn là tài sản vô giá cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay” - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là người kiến tạo, thực thi, sát sao, vừa kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng mà ngày nay phải tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng.

Chính kết quả của công cuộc đổi mới đất nước, của việc phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã tạo và củng cố niềm tin vững chắc của toàn Đảng, toàn dân ta; đặc biệt là củng cố niềm tin - bức tường thành vững mạnh của dân với Đảng; tạo nên sự tin tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tổn thất lớn cho đất nước, cho dân tộc, cho Đảng ta. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, vượt qua nỗi đau, tiếp tục sự nghiệp mà Tổng Bí thư đã và đang thực hiện…

*Luôn nhớ đức tính giản dị

Tại căn nhà nhỏ ở phường Tân Phong, thương binh nặng ¼ Nguyễn Văn Tường còn chưa hết xúc động khi nói về lần được trực tiếp gặp mặt, được Tổng Bí thư bắt tay và hỏi về chiến công trong cách mạng cách đây 2 năm.

Thương binh nặng ¼ Nguyễn Văn Tường chia sẻ kỷ niệm khi trực tiếp được gặp Tổng Bí thư. Ảnh: Nguyệt Hà
Thương binh nặng 1/4 Nguyễn Văn Tường chia sẻ kỷ niệm khi trực tiếp được gặp Tổng Bí thư. Ảnh: Nguyệt Hà

Ông Tường xúc động kể: “Tổng Bí thư bắt tay và hỏi tôi: “Chú có nhiều huân chương nhỉ. Tôi không có tấm nào!” Câu nói vừa vui, vừa động viên khiến tôi nhớ mãi vì sự giản dị, khiêm nhường, đúng với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong con người của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông nhắc chúng tôi, các chú phải cố gắng hơn nữa, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế” để nỗ lực vươn lên. Nay nghe tin Tổng Bí thư về với Bác Hồ, tôi đau nhói tim mình vì không nghĩ Tổng Bí thư ra đi mãi mãi”.

Thương binh nặng ¼ Nguyễn Văn Tường là 1 trong 75 điển hình người có công tiêu biểu của cả nước được về thủ đô Hà Nội gặp mặt thân mật với lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ cách đây tròn 2 năm. 

Ông Tường xúc động nói: “Trời cũng cảm động vì mấy nay mưa suốt; lòng người đều hướng về Tổng Bí thư-một nhân cách lớn, một tấm gương mẫu mực, kiên trung về học tập và làm theo Bác Hồ.

Những lời nói, việc làm của Tổng Bí thư đã xây dựng bức tường thành vững chắc trong lòng nhân dân, được nhân dân tạc ghi, khắc sâu và thương tiếc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại trong lòng dân “tượng đài vĩnh cửu” về người cán bộ trung thành, tận tụy, cả một đời vì nước, vì dân. Xin cầu mong anh linh của Tổng Bí thư an yên nơi thế giới người hiền”.

Thương binh Nguyễn Văn Tường và nhiều cựu chiến binh, các tầng lớp nhân dân tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên chuẩn bị hoa quả, trái cây thắp hương và chuẩn bị dành 2 ngày Quốc tang dõi theo, tiễn biệt một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của Đảng, của đất nước, dân tộc…

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều