Báo Đồng Nai điện tử
En

Phê phán các quan điểm, hành vi sai trái trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

08:29, 05/06/2024

Thời gian gần đây, một số nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam xuất hiện trước công chúng với trang phục biểu diễn lạ hoặc qua video clip trên mạng xã hội có xuất hiện trong khung hình, hình ảnh gây tranh cãi.

Văn hóa - nghệ thuật góp phần cổ vũ sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước. Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII diễn ra vào tháng 2-2024. Ảnh: L.Viên
Văn hóa - nghệ thuật góp phần cổ vũ sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước. Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII diễn ra vào tháng 2-2024. Ảnh: L.Viên

* Gây phản cảm, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội

Chiều 23-5, tại Họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh khi thông tin về vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc trang phục có gắn huy hiệu lạ trong liveshow Ngày em thắp sao trời diễn ra tối 4-5 đã nhận định, việc sử dụng trang phục cách điệu theo phong cách quân đội nước ngoài và các phụ kiện với hình tượng huân, huy chương của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không phù hợp nội dung các tiết mục và tổng thể chương trình, không phù hợp với giá trị văn hóa Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, gây phản cảm và đã tạo nên dư luận xấu.

Còn Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đang xác minh vụ việc lùm xùm liên quan đến ca sĩ O Sen (Lê Như Ngọc Mai) và nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp khi biểu diễn ở nước ngoài. Theo đó, trên mạng xã hội mới đây lan truyền video clip sinh hoạt của gia đình Ngọc Mai - Quốc Nghiệp ở nước ngoài, lọt trong khung hình của clip này là hình ảnh lá cờ của chế độ Sài Gòn cũ đã khiến dư luận bức xúc. Đáng chú ý, lợi dụng vụ việc này, một số bài viết trên các trang mạng xã hội tung ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái về chính trị, lịch sử của nước ta.

Trước đó, cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em đã bị Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính với các phát ngôn gây tranh cãi, gây dư luận xấu, xôn xao trên mạng xã hội.

Đây chỉ là một vài sự việc nhạy cảm trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện trong thời gian gần đây, cho thấy lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có tác động rất lớn đến dư luận xã hội.

Dù trang phục lạ không xuất hiện lại trong các chương trình biểu diễn tiếp theo của nghệ sĩ; video clip có hình ảnh gây tranh cãi đã bị gỡ khỏi kênh chính thức của nghệ sĩ; đồng thời, các nghệ sĩ liên quan cũng lên tiếng giải thích, xin lỗi và ngành chức năng cũng đã làm việc, nhưng dù muốn dù không, những sự việc không hay này cũng đã xảy ra, khiến dư luận xã hội rất bức xúc.

* Thế lực thù địch thường cài cắm nhiều “virus” xấu, độc vào lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật

Lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật tác động rất lớn đến trái tim, tình cảm của mỗi người. Bởi lẽ, không chỉ các tác phẩm nghệ thuật, mà cả những hành động, phát ngôn bên ngoài sân khấu của nghệ sĩ luôn thấm sâu trong tâm trí, tình cảm của công chúng, khán giả; đồng thời, có sức lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng trong xã hội. Từ việc tạo được tình cảm, niềm tin yêu của công chúng, nghệ sĩ nổi tiếng được xem như có “quyền lực mềm”, thậm chí có người từng tự tung hô mình là “ông hoàng”, “nữ hoàng”… trong địa hạt nghệ thuật của họ.

Thấy được người nghệ sĩ có khả năng ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, hành vi… của một số người hâm mộ, nhiều năm qua, với chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch vẫn luôn lợi dụng văn hóa - nghệ thuật để cài cắm nhiều “virus” xấu, độc vào giới văn nghệ sĩ nói riêng và công chúng, dư luận xã hội nói chung.

Có thể điểm lại một số nội dung chính mà các thế lực thù địch tập trung chống phá như: đề cao, tuyệt đối hóa xu hướng sáng tác “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà xem nhẹ “nghệ thuật vị nhân sinh”, xem nhẹ nội dung tư tưởng trong tác phẩm; đồng thời, cổ vũ tự do sáng tác thái quá bất chấp các quy định pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc, đi ngược lại tâm tư, tình cảm, mong muốn, khát vọng của đại đa số nhân dân. Các đối tượng thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến văn hóa - nghệ thuật, cho rằng “Đảng, Nhà nước kiểm soát văn hóa - nghệ thuật, áp đặt nghệ sĩ…”. Bên cạnh phủ nhận các tác phẩm văn hóa cách mạng, các thế lực thù địch tung hô, cổ vũ các sản phẩm văn hóa lai căng, bôi đen hiện thực, xuyên tạc, thậm chí chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đang chung tay xây dựng…

* Tạo sức đề kháng khỏe mạnh để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng

Tại Hội thảo khoa học Phản bác các quan điểm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong giai đoạn hiện nay, thạc sĩ Vũ Thị Hồng, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai đã có tham luận, đề ra 4 giải pháp vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào đấu tranh, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật ở nước ta hiện nay, gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về văn hóa; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ văn nghệ sĩ; phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa.

Để phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa đồng bộ, lành mạnh, là động lực để phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

Tại buổi sinh hoạt chi bộ trực tuyến tháng 4-2024, trình bày về Nghị quyết 12, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân có nêu 5 nhóm giải pháp để thực hiện nghị quyết gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng và phát triển văn hóa con người. Xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai.

Có thể nói, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp này không chỉ giúp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, mà còn tạo được cho mỗi người dân, mỗi người nghệ sĩ và toàn xã hội một “sức đề kháng” khỏe mạnh để có thể bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực.

Lâm Viên

Tin xem nhiều