Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, chiến sĩ

Phương Hằng
08:17, 18/05/2024

Từ nhận thức tham nhũng, tiêu cực (TNTC) tạo ra rào cản rất lớn đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chi ủy Chi bộ 5 Đội Điều tra tổng hợp (trực thuộc Đảng ủy Công an thành phố Biên Hòa) thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống TNTC.

Cán bộ, đảng viên Đội Điều tra tổng hợp Công an thành phố Biên Hòa thảo luận chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: P.Hằng
Cán bộ, đảng viên Đội Điều tra tổng hợp Công an thành phố Biên Hòa thảo luận chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: P.Hằng

Các buổi sinh hoạt góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, đường lối và quyết tâm của Đảng trong đấu tranh chống “giặc nội xâm”.

* Nhận thức rõ để hành động đúng

Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an thành phố Biên Hòa, trung tá Hoàng Văn Điệp nêu rõ, phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân. Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG đã từng khẳng định, đẩy mạnh phòng, chống TNTC không làm nản lòng, chùn bước, sợ sai của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm...

Trung tá Hoàng Văn Điệp cho rằng, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng là tạo lập các điều kiện hạn chế, kiểm soát không cho tham nhũng phát sinh. Ví dụ, mùa hanh khô cẩn thận củi lửa, lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy. Tham nhũng chính là cháy, quyền lực được ví như rơm, cộng với lòng tham là lửa, nên phải tách lửa - rơm xa nhau để không cháy. Đây chính là vấn đề kiểm soát quyền lực.

Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức, văn hóa, nâng cao đạo đức công vụ, quản lý chặt kết hợp giáo dục. Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống TNTC. Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm đảm bảo liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý và thanh - quyết toán không dùng tiền mặt. Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác ở những lĩnh vực, vị trí nhạy cảm...

* Thực thi đúng quy định pháp luật

Cán bộ Đội Điều tra tổng hợp Công an thành phố Biên Hòa, trung úy Nguyễn Đức Trọng cho rằng, làm việc trong những ngành, lĩnh vực hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... nếu cứ “động lòng” một chút là sơ sẩy ngay. Để tránh xảy ra tiêu cực trong hoạt động điều tra thì khi làm việc với đối tượng phải ở trong trụ sở đơn vị, không gặp riêng ở ngoài đơn vị.

Còn thiếu tá Phạm Xuân Minh, điều tra viên Đội Điều tra tổng hợp, chia sẻ: “TNTC gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế nhà nước. Đồng thời, TNTC gây ra bất ổn về an ninh xã hội, gây tổn hại đến sự phát triển bền vững và chế độ. Do đó, tôi luôn nhắc nhở bản thân lối sống trong sạch, chí công vô tư trong giải quyết các vụ án, vụ việc”.

Đặc thù của Đội Điều tra tổng hợp là thường xuyên làm việc với các đương sự, quá trình này có nhiều yếu tố tác động nên cán bộ điều tra trước hết phải là người nắm vững quy định pháp luật, thực thi đúng quy định pháp luật, tuyên truyền cho đối tượng thượng tôn pháp luật, tránh những sai phạm đáng tiếc xảy ra.

Cán bộ một mặt tuyên truyền cho người dân chấp hành đúng pháp luật, mặt khác người chỉ huy đơn vị thường xuyên giám sát hoạt động của cấp dưới để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý vi phạm, qua đó giúp cấp dưới lúc nào cũng tỉnh táo, sáng suốt trong thực thi nhiệm vụ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương, hậu quả của tham nhũng là trở lực lớn đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Ở phương diện kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân. Trên phương diện văn hóa - xã hội, tham nhũng xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Trên phương diện quản lý nhà nước, tham nhũng xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiệm trọng đến nền pháp chế, khiến người dân mất lòng tin. Đặc biệt, trên phương diện chính trị, tham nhũng làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm tổn hại thanh danh của Đảng, làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn và đặc biệt tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta.

Đảng và Nhà nước đã xác định phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống TNTC. Cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên phải coi công tác phòng, chống TNTC là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phương Hằng

Tin xem nhiều