Tết cổ truyền Bunpimay (Lào), Chol Chnam Thmay (Campuchia) diễn ra vào giữa tháng 4 hàng năm. Đây là thời điểm đang giữa kỳ II của năm học nên sinh viên Lào, Campuchia theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đồng Nai không được nghỉ để về nước đón Tết cổ truyền cùng với gia đình.
Lưu học sinh Campuchia thưởng thức món ăn Lào tại gian hàng ẩm thực. Ảnh: N.Sơn |
Thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với lưu học sinh Lào, Campuchia; tạo cơ hội để họ vơi đi nỗi nhớ nhà, UBND tỉnh hàng năm đều tổ chức chương trình họp mặt sinh viên Lào, Campuchia nhân dịp Tết cổ truyền.
* Ấm áp Tết xa nhà
Chị Lê Kim Lang, lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, đã có hơn 5 tháng gắn bó với mảnh đất Đồng Nai. Đây cũng là lần đầu tiên chị Lê Kim Lang đón Tết xa nhà. Lần đầu đón Tết ở một nơi xa, chị không khỏi nhớ nhà, nhớ không khí chuẩn bị đón Tết cùng gia đình.
Chị Lê Kim Lang cho biết, trong những ngày cận Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người Campuchia, khắp nơi đều được trang hoàng rực rỡ với biểu ngữ, cờ hoa, đèn màu. Trong những ngày Tết, mọi người thường đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc phúc tài lộc, sức khỏe, phát đạt và cùng nhau tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Điểm đặc biệt, trong ngày Tết cổ truyền Campuchia, thay vì những lời chúc, mọi người té nước vào nhau để mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…
“Mặc dù không được đầy đủ nghi lễ như ở quê nhà song việc tổ chức Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay ở Đồng Nai vẫn đảm bảo ý nghĩa. Chúng tôi không chỉ được tham gia lễ hội té nước, buộc chỉ cổ tay, mà còn nhận được những lời chúc năm mới tốt đẹp từ lãnh đạo tỉnh, từ những người bạn cùng du học và những người bạn Việt Nam. Nhờ đó, nỗi nhớ nhà cũng phần nào vơi đi” - chị Kim Lang cho hay.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã hỗ trợ đào tạo sinh viên Lào, Campuchia. Đến nay, đã có 161 sinh viên tốt nghiệp và về nước làm việc, hiện còn 52 sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. |
Hoàn thành chương trình học tại Khoa Dược, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, lưu học sinh Lào Dedluexai Volaxai tiếp tục học liên thông tại Khoa Dược, Trường đại học Công nghệ Miền Đông. 4 năm học ở Đồng Nai là 4 năm anh Dedluexai Volaxai không đón Tết cùng gia đình. Dedluexai Volaxai cho biết, không được về nước đón Tết cùng gia đình nhưng ở đây anh và những người bạn Lào, Campuchia năm nào cũng được tỉnh quan tâm tổ chức họp mặt vui Tết cổ truyền.
Không chỉ đem lại không khí Tết cổ truyền, buổi họp mặt còn là dịp để lưu học sinh Lào, Campuchia đang học tập ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, chung vui cùng nhau.
“Điều này giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương; có thêm động lực vươn lên trong học tập, rèn luyện, sau này có kiến thức, kỹ năng trở về phụng sự đất nước” - anh Dedluexai Volaxai bộc bạch.
* Cơ hội tìm hiểu về văn hóa nước láng giềng
Không chỉ tạo cơ hội để sinh viên Lào, Campuchia đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai được vui Tết cổ truyền của dân tộc, đây còn là cơ hội để sinh viên Việt Nam, Lào, Campuchia hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của nước láng giềng.
Lần đầu tiên được tham gia chương trình họp mặt Tết cổ truyền Bunpimay, Chol Chnam Thmay nên chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc, sinh viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, cảm thấy thích thú với những phong tục trong ngày Tết của nước bạn. Chị ấn tượng với phong tục té nước - một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Bunpimay và Chol Chnam Thmay. Qua tìm hiểu, chị Hồng Ngọc biết té nước là nghi lễ mang tính đặc trưng, mang ý nghĩa thanh tẩy, gột rửa những điều không may mắn trong năm cũ để chào đón một năm mới may mắn.
Không chỉ có nghi lễ té nước, cột chỉ cổ tay, sau lễ họp mặt còn có thêm các hoạt động giao lưu giữa sinh viên 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Võ Văn Trung cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội Sinh viên tỉnh đã cùng với Sở Ngoại vụ tham mưu kế hoạch tổ chức họp mặt Tết cổ truyền dành cho sinh viên Lào, Campuchia đang theo học tại tỉnh.
Hội Sinh viên tỉnh được giao nhiệm vụ đảm nhận các hoạt động giao lưu. Để phần giao lưu diễn ra sôi nổi, thêm ý nghĩa, Hội Sinh viên tỉnh đã bố trí các gian hàng ẩm thực, trò chơi dân gian, sân khấu âm nhạc để lưu học sinh Lào, Campuchia và sinh viên Việt Nam có cơ hội giao lưu, hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực của nước bạn.
Anh Mon Sopha, lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Trường đại học Nguyễn Huệ (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa), chia sẻ gần 5 năm ở Đồng Nai nhưng đây là lần đầu tiên anh được tham gia chương trình họp mặt nhân dịp Tết cổ truyền do UBND tỉnh tổ chức. Khác với Tết cổ truyền được tổ chức tại đơn vị, Tết cổ truyền do UBND tỉnh tổ chức có đông đảo lưu học sinh các trường tham gia và có nhiều hoạt động hơn.
“Chúng tôi đã có cơ hội được thưởng thức thêm nhiều món ăn đặc trưng vùng miền của Việt Nam, được giao lưu với sinh viên Việt Nam thông qua một số trò chơi dân gian… Qua đó, tôi hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa sinh viên 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia nói riêng và nhân dân 3 nước nói chung” - anh Mon Sopha nói.
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin