Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các nghị định có hiệu lực từ năm 2024 hướng tới cải thiện và đổi mới quy trình tuyển dụng công chức, viên chức.
Các thí sinh rà soát thông tin trước khi bước vào Kỳ thi tuyển công chức hành chính năm 2023. Ảnh: H.THẢO |
Những thay đổi này nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước và nhiệm vụ chính trị.
Thống nhất quy trình kiểm định công chức
Nghị định số 06/2023/NĐ-CP về kiểm định đầu vào công chức ban hành ngày 21-12-2023 là một trong những nghị định đưa ra nhiều điểm mới nổi bật liên quan đến thi tuyển công chức.
Theo Bộ Nội vụ, trước đây, kỳ thi tuyển công chức được tổ chức thành 2 vòng: vòng 1 là vòng sàng lọc do các cơ quan tự tổ chức thi (đối với các môn kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học) và sau đó là vòng 2 (môn chuyên ngành). Tuy đã có sự tiến bộ trong khâu tổ chức thi tuyển song quy trình này cũng bộc lộ một số điểm hạn chế như: mỗi cơ quan tự tổ chức thi vòng 1 dẫn đến danh mục tài liệu ôn tập khác nhau, chất lượng đề thi không đồng đều, lãng phí nguồn lực... Chính vì vậy, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về kiểm định đầu vào công chức.
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ NGUYỄN QUỐC VŨ, tại kỳ thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hành chính vừa qua, tỉnh đã thực hiện theo quy định mới, có sự khác biệt so với các năm trước đây. Cụ thể, căn cứ vào đề án tổ chức thi, Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị; các môn kiến thức chung và ngoại ngữ đều được thực hiện thông qua thi trên máy tính; bộ đề thi được nhận từ Bộ Nội vụ… |
Theo nghị định này, quy trình kiểm định được thống nhất trên toàn quốc, do Bộ Nội vụ tổ chức kiểm định. Việc thống nhất kiểm định tập trung trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, kết quả kiểm định có giá trị trong 24 tháng, được sử dụng trong toàn quốc sẽ tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương; tạo cơ hội cho ứng viên tham gia công khai và thuận lợi trong việc hướng nghiệp.
Cũng theo Bộ Nội vụ, điểm nổi bật nhất của việc kiểm định là đổi mới về nội dung kiểm định theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của thí sinh. Đó là các hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức.
Cùng với đó, việc tổ chức kiểm định sẽ được thực hiện định kỳ 2 lần/năm vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm và theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tuyển dụng, bảo đảm quyền lợi của thí sinh và bảo đảm sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng. Việc kiểm định cũng sẽ được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký tham dự kiểm định qua trang thông tin về kiểm định (nộp phiếu đăng ký kiểm định qua mạng), việc tổ chức kiểm định trên máy vi tính, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan. Kết quả kiểm định được công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Nghị định 06/2023/NĐ-CP cũng quy định việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đến hết ngày 31-7-2024. Trong thời gian này, người nào đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào thì không phải thi vòng 1. Kể từ ngày 1-8-2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Chia sẻ tại kỳ thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hành chính của tỉnh vừa qua, Phó vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết, riêng với viên chức, đây là kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cuối cùng được tổ chức. Sau kỳ thi này, sẽ áp dụng quy định tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP ngày 7-12-2023 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, nghị định này đã chính thức bãi bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ còn quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
Nghị định 85/2023/NĐ-CP còn có nhiều điểm mới khác như: quy định trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì được miễn thi phần kiến thức chung; đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi ngoại ngữ; bãi bỏ phần thi tin học khi tuyển dụng viên chức…
Đối với công chức, ông Nguyễn Tư Long cho hay, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ nghị định quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước sửa đổi, bổ sung Nghị định 138/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27-11-2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Theo đó, ngày 6-3-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2024.
Nghị định này đã quy định tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý gồm: tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; tiêu chuẩn về trình độ; tiêu chuẩn về năng lực và uy tín; tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác. Cùng với đó, quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc bộ, thuộc tổng cục và của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Thảo Lâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin