Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại biểu chất vấn việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm tại các chợ

Hồ Thảo - Hạnh Dung
11:11, 08/12/2023

(ĐN)-  Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8-12, đại biểu Võ Thị Xuân Đào đã chất vấn Giám đốc Sở Công thương về việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu và nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn Đồng Nai.

Đại biểu Võ Thị Xuân Đào đặt câu hỏi chất vấn
Đại biểu Võ Thị Xuân Đào đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Võ Xuân Đào nêu rõ, ngày 14-1-2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 411 về việc triển khai Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 7-12-2018 của HĐND tỉnh về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa IX, trong đó, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ; tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh, đến nay Sở Công thương chưa triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên. Đại biểu Võ Xuân Đào đề nghị, Giám đốc Sở Công thương cho biết nguyên nhân và kế hoạch thực hiện thời gian tới?

* Số điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi tại chợ chưa đạt mục tiêu

Trả lời về nội dung trên, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường cho biết, thực hiện thí điểm “điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi” năm 2017-2018, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thí điểm các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh, với 99 điểm kinh doanh an toàn thực phẩm thí điểm tại 12 chợ ở Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom, Thống Nhất và Tân Phú.

Từ năm 2019 đến nay, đã xác nhận được 75 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (năm 2019: 16 chuỗi; năm 2020: 13 chuỗi, năm 2021: 28 chuỗi, năm 2022: 16 chuỗi, năm 2023: 2 chuỗi). Trong đó, 10 chuỗi cung ứng thịt bò, 51 chuỗi cung ứng thịt heo, gà; 14 chuỗi cung ứng rau, củ, quả. Các chuỗi này chủ yếu cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng tiện lợi, còn lại là các tiểu thương kinh doanh tại các chợ Hàng Gòn (7 tiểu thương), chợ Bảo Vinh (3 tiểu thương) và chợ Bình Lộc (1 tiểu thương) của TP.Long Khánh.

Ông Phạm Văn Cường thừa nhận, tính từ năm 2019 đến thời điểm hiện nay, thì chỉ có TP.Long Khánh thực hiện quy trình xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi quy định tại Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ NN-PTNT. Lũy kế đến thời điểm hiện nay, số điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi tại chợ trên địa bàn tỉnh là 110 điểm, chưa đạt mục tiêu theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Nói về khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nhân rộng điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại chợ theo chuỗi, Giám đốc Sở Công thương cho biết, do đây là hình thức tự nguyện nên việc vận động tiểu thương tham gia chưa được nhiều. Các tiểu thương chưa quan tâm tham gia chương trình do chưa biết nhiều về quyền lợi khi xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn và tâm lý e ngại các thủ tục trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019-2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình mua bán tại chợ, do hạn chế đi lại để tránh lây nhiễm gây khó khăn trong công tác thực hiện nên việc triển khai xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn tại chợ còn chậm. Mặt khác, hồ sơ yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận VietGap hoặc tương đương là rất khó, do hàng hóa lấy chủ yếu từ chợ đầu mối, qua nhiều trung gian.

Nói về giải pháp, Giám đốc Sở Công thương cho biết, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nhân rộng tại các chợ trên địa bàn để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân từ năm 2024 trở đi theo nội dung Công văn số 11468/UBND-KTNS ngày 7-10-2019 của UBND tỉnh và Công văn số 7189/UBND-KT ngày 24-7-2017 của UBND tỉnh. Định kỳ 6 tháng phải báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Công thương).

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường trả lời chất vấn

UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố thực hiện quy trình xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi quy định tại Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ NN-PTNT.

* Ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất sản phẩm

Giám đốc Sở Công thương cũng đã giải thích thêm về việc xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ.

Ông Phạm Văn Cường cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp  Sở NN-PTNT các sở, ngành, địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền đến các đơn vị phân phối hiện đại và truyền thống trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc từ động vật. Phối hợp với các địa phương lựa chọn các xã có chợ trong quy hoạch đăng ký xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 để tham gia dự án.

Cùng với đó, sẽ phối hợp đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong quá trình kiểm tra, khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ trong hệ thống truy xuất nguồn gốc của cơ sở (tem truy xuất nguồn gốc thay cho hồ sơ giấy), nhằm tăng khả năng liên thông, kết nối thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc của các bên có liên quan. Đồng thời, phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan và ban quản lý chợ/HTX kiểm tra thông tin vòng truy xuất của thịt heo nhập vào chợ, giám sát và hỗ trợ việc dán tem truy xuất của các tiểu thương tham gia dự án.

Sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cũng đã chia sẻ thêm các vấn đề liên quan nhìn từ góc độ ngành mình phụ trách.

Nhấn mạnh trong kết luận nội dung chất vấn này, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đề nghị, trong thời gian tới, Sở Công thương cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu thêm về lợi ích khi xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn, truy xuất về nguồn gốc sản phẩm nhằm khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia; chú trọng đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất sản phẩm thiết yếu, giúp người dân dân an tâm khi sử dụng sản phẩm thiết yếu.

Hồ Thảo - Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều