“Dân ta phải biết sử ta” - lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là lời nhắc nhở mỗi người dân cần quan tâm tìm hiểu sâu sắc, đầy đủ về lịch sử dân tộc, để qua đó bồi đắp, củng cố hơn niềm tin yêu và lòng tự hào dân tộc, không dễ lung lay trước những luận điệu xuyên tạc thâm độc của các thế lực thù địch.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tìm hiểu về thủy triều và nghiên cứu các luống cọc để đánh quân Mông - Nguyên. Ảnh chụp từ sách Trần Hưng Đạo, Lịch sử Việt Nam bằng tranh, NXB Trẻ |
Trước những luận điệu cổ súy sức mạnh quân sự mới, sức mạnh của vũ khí công nghệ cao, những người không vững vàng về lập trường tư tưởng chính trị, không am hiểu về quân sự cũng như truyền thống lịch sử sẽ lo sợ, suy giảm niềm tin về sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của quân đội ta.
* Tự hào truyền thống hào hùng
Việt Nam là nước nhỏ, lại là một dân tộc yêu chuộng và khao khát hòa bình, nhưng do nằm ở vị trí chiến lược nên nhiều nước luôn lăm le xâm chiếm nước ta. Suốt mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải vừa dựng nước và giữ nước, nên cha ông ta có nhiều bài học quý giá về đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Do đó, tư tưởng dựng nước luôn phải đi đôi với giữ nước được xem như là quy luật sinh tồn của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.
Trước các thế lực ngoại xâm hùng mạnh hơn ta gấp nhiều lần, cha ông ta đã nhiều lần đánh thắng địch, khiến cho địch “hồn bay phách lạc”, “tim đập chân run” bằng nghệ thuật đánh giặc tài tình. Đó là tư tưởng tích cực, chủ động tiến công địch; đó là mưu kế đánh giặc; nghệ thuật chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh cả nước để đánh giặc; đó là nghệ thuật lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh; nghệ thuật kết hợp đấu tranh giữa các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao và binh vận; nghệ thuật tổ chức và thực hành các trận đánh lớn…
Trong lịch sử nước nhà còn ghi những trận đánh oanh liệt, những chiến công hiển hách của cha ông ta. Mở đầu cho kỷ nguyên độc lập tự chủ của dân tộc sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc là trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán hùng mạnh vào năm 938.
Ngoài ra, một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc ta là 3 lần nhà Trần đánh đuổi giặc Mông - Nguyên có sức mạnh như nước, như lửa, từng chinh phục khắp nơi. Theo đó, giặc Mông - Nguyên xâm lược nước ta lần thứ nhất vào năm 1258 mang theo 3 vạn quân, lần 2 vào năm 1285 là 60 vạn quân, lần 3 vào năm 1287-1288 là 50 vạn quân, trong khi quân đội nhà Trần chỉ có 15 vạn quân. Nhà Trần đã tránh đối đầu khi địch mạnh, tạo cảnh vườn không nhà trống, làm tiêu hao sinh lực địch và tạo thế, thời cơ để phản công. Kết quả, lần thứ nhất cha ông ta quét sạch giặc Mông - Nguyên sau 9 ngày địch vào Thăng Long, lần thứ hai sau 5 tháng, lần thứ ba sau 3 tháng.
Hay như mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, đội quân của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chủ động tiến công thực hiện cuộc hành quân thần tốc, bất ngờ, táo bạo tiêu diệt 29 vạn quân Mãn Thanh có binh hùng - tướng mạnh xâm lược nước ta.
Kế thừa, phát triển nghệ thuật đánh giặc của cha ông, đồng thời vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không ngừng phát triển, với biểu hiện cụ thể, thuyết phục nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ vốn có tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ hơn ta gấp nhiều lần.
* Bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ
Đành rằng quy luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua, nhưng qua thực tế lịch sử cho thấy, sức mạnh trong chiến tranh của quân đội ta là tổng hợp nhiều yếu tố, của nghệ thuật đánh giặc, của sức mạnh của bản lĩnh, trí tuệ, của yếu tố chính trị tinh thần…, chứ không đơn thuần ở việc cân đo đong đếm, so sánh hơn thua về vũ khí, quân số của mỗi bên. Những dấu ấn, bài học lịch sử là niềm kiêu hãnh, niềm tự hào dân tộc ta. Đó cũng là bằng chứng đanh thép cho thấy sự nông cạn trong tư duy, kiến thức của các thế lực thù địch khi cổ súy một bề sức mạnh vũ khí công nghệ mới. Những luận điệu bịa đặt đó chỉ có thể “hù dọa”, làm lung lay ý chí, niềm tin của những người chưa hiểu rõ, chưa hiểu đầy đủ về truyền thống, quan điểm, chủ trương, đường lối của Việt Nam về quân sự, quốc phòng.
Phát biểu tại buổi họp mặt các tướng lĩnh, cán bộ cấp cao quân đội nghỉ hưu do Tỉnh ủy - HĐND- UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức vào ngày 22-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh: “Trong niềm tự hào về các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai mong muốn và tin tưởng trong thời gian tới các anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống: “Miền Đông gian lao mà anh dũng” và giữ vững phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” để thấm sâu, để lan tỏa, để tiếp tục và mãi mãi là tấm gương sáng cho tuổi trẻ Đồng Nai phấn đấu học tập, noi theo, là chỗ dựa vững chắc, là cầu nối chặt chẽ giữa các cấp ủy cơ sở với nhân dân, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển, quyết tâm giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân tỉnh nhà. Đặc biệt là tích cực tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, bản chất truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cho thế hệ trẻ, nhằm phát huy truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, cống hiến sức lực, trí tuệ chung sức xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Thực vậy, niềm tin về sự tất thắng trên lĩnh vực quân sự quốc phòng nói riêng và trên tất cả lĩnh vực khác của Việt Nam nói chung chỉ có thể được hun đúc trên cơ sở của lòng yêu nước, cũng như sự am hiểu đầy đủ, đúng đắn về truyền thống, bản sắc văn hóa ngàn đời của dân tộc, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó cũng là liều vaccine hữu hiệu đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc chống phá nước ta từ các thế lực chống phá cách mạng.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin