Hàng năm vào dịp cuối năm, các cấp ủy, tổ chức Đảng đều tiến hành kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh khen thưởng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu năm 2022 |
Trước đây, việc đánh giá, xếp loại được thực hiện theo Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị, nay thực hiện theo Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Nhiều điểm mới
Quy định 124 có 4 chương, 19 điều (giảm 1 điều so với Quy định 132) và có nhiều điểm mới.
Một trong những điểm mới đó là, về nội dung kiểm điểm, thay vì quy định chung nội dung kiểm điểm tất cả các đảng viên trong toàn Đảng (trừ đối tượng không phải kiểm điểm như Quy định 132-QĐ/TW) thì tại Khoản 2, Điều 6, Quy định 124 đã tách riêng việc kiểm điểm đảng viên thành 2 đối tượng cụ thể: cá nhân không phải lãnh đạo, quản lý và cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương TRƯƠNG THỊ MAI đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng nghiên cứu quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định, hướng dẫn mới của Trung ương về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hàng năm đối với các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị để tạo chuyển biến tích cực trong kiểm điểm, phân loại cuối năm, tiến tới chuẩn bị thật tốt nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Về cách thức kiểm điểm, Khoản 2, Điều 7, Quy định 124 bổ sung nơi kiểm điểm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, về cơ bản, cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ thực hiện kiểm điểm ở 2 nơi là chi bộ nơi sinh hoạt và tập thể lãnh đạo, quản lý nơi làm việc. Ngoài ra, quy định còn bổ sung việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên tại chi bộ và đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở nơi giữ chức vụ cao nhất. Đồng thời, bổ sung nơi kiểm điểm của cấp ủy là cấp ủy ở cấp nào thì thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp đó.
Trong Quy định không còn quy định việc kết hợp kiểm điểm tập thể lãnh đạo, quản lý tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị với tập thể, cá nhân thành viên ban cán sự Đảng, Đảng đoàn.
Về trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm điểm, tại Khoản 2, Điều 8, Quy định 124-QĐ/TW không chỉ nêu trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu trong kiểm điểm mà còn bổ sung trách nhiệm của cá nhân đảng viên. Cá nhân đảng viên phải nêu cao trách nhiệm, sự gương mẫu trong kiểm điểm, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình; phải kiểm điểm một cách khách quan, thẳng thắn, trung thực, thực chất.
Quy định 124 còn bổ sung nhiều nội dung về khung tiêu chí đánh giá; về đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân trong trường hợp sau khi bị xử lý kỷ luật.
Khi thực hiện tự đánh giá hàng năm, đảng viên xác định mức độ đạt được của từng tiêu chí theo 4 cấp độ: xuất sắc, tốt, trung bình, kém.
Cấp có thẩm quyền sẽ dựa vào khung tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức xếp loại chất lượng được quy định của từng tập thể, áp dụng cho từng đối tượng của cơ quan và ý kiến của các cơ quan liên quan để quyết định mức đánh giá, xếp loại phù hợp.
Tập thể, cá nhân đã được xếp loại chất lượng nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm, không bảo đảm tiêu chuẩn của mức xếp loại thì cấp có thẩm quyền xem xét hủy bỏ và xếp loại lại.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
Tại hội nghị triển khai các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng vừa được Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 132-QĐ/TW về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hàng năm đối với các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, góp phần đưa công tác cán bộ đi vào nền nếp, hiệu quả, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng nhận thấy tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình chưa cao; việc đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên một số nơi chưa thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, còn cảm tính, nể nang và hình thức.
Vì thế, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, nhằm “khép kín” các vấn đề liên quan đến công tác này, trong đó có Quy định 124 nhằm khắc phục những hạn chế khi thực hiện Quy định 132.
Về phạm vi, đối tượng áp dụng, Quy định 124 xác định rõ dành riêng cho cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân trong hệ thống Đảng; còn hệ thống Nhà nước thì theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, Quy định 124 đặt ra yêu cầu cao về tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, hướng tới đánh giá cán bộ, đảng viên thực chất, chú trọng phẩm chất lối sống và hiệu quả sản phẩm công việc cụ thể của cán bộ, đảng viên.
Quy định 124 có nhiều điểm mới so với Quy định 132; trong đó người đứng đầu cấp ủy phải kiểm điểm nhiều nội dung, như khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ, xử lý những vấn đề khó, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Ngoài ra, người đứng đầu phải kiểm điểm làm rõ sự gương mẫu của vợ/chồng, con trong thực hiện pháp luật của Nhà nước; làm rõ trách nhiệm khi có dấu hiệu để xảy ra những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin