Ăngghen (1820-1895) là nhà lý luận chính trị, triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Các Mác đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.
Bằng trí tuệ thiên tài của mình, Ăngghen đã có những đóng góp vĩ đại cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.
* Sẻ chia với giai cấp cần lao
Ăngghen sinh ngày 28-1-1820, ở TP.Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ, trong một gia đình có cha là chủ xưởng dệt và mẹ xuất thân từ gia đình trí thức. Khi ấy, vương quốc Phổ nói riêng, tỉnh Rhein là vùng phát triển công nghiệp mạnh. Sống trong môi trường ấy, với thành phần xuất thân của gia đình giàu có nhưng bằng mẫn cảm và tinh thần sẻ chia với giai cấp cần lao, Ăngghen đã nhìn thấy tình cảnh bần cùng không lối thoát của những người lao động khi ấy.
Là con của một gia đình giàu có, Ăngghen được theo học ở những ngôi trường tốt nhất của nước Phổ thời bấy giờ. Khi còn đang theo học trung học, theo yêu cầu của người cha, năm 1837, Ăngghen rời trường học để bắt đầu công việc buôn bán ở văn phòng của người cha. Tận dụng thời gian này, Ăngghen tự học để làm giàu thêm vốn kiến thức của mình trên các lĩnh vực khác nhau.
Cuối năm 1839, Ăngghen bắt tay vào nghiên cứu các tác phẩm của Hegel để rồi sau đó Ăngghen quyết định không trở thành thương gia như mong muốn của người cha mà dấn thân cho một sự nghiệp khác cao cả hơn.
Tháng 9-1841, Ăngghen đến Berlin và gia nhập binh đoàn pháo binh. Khoảng thời gian quý giá này đã giúp ông không chỉ được huấn luyện về quân sự mà còn thêm hiểu biết về lý luận quân sự. Mùa Xuân năm 1842, Ăngghen bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung (nhật báo tỉnh Rhein), đây là tờ báo có nhiều người theo phái Hegel tham gia. Ngày 8-10-1842, Engels mãn hạn phục vụ trong quân đội và sau đó lên đường sang nước Anh thực tập tại một nhà máy do cha ông là đồng chủ nhân. Trên đường sang Anh, Ăngghen đã ghé trụ sở báo ở Koln và lần đầu tiên ông gặp Mác, Tổng biên tập tờ báo.
Tháng 8-1844, trên đường về Tổ quốc, Ăngghen ghé lại Paris gặp Mác. Bắt đầu từ đây họ trở thành 2 người bạn thân thiết và viết nên câu chuyện đẹp về tình bạn vĩ đại. Những tác phẩm đầu tay của 2 ông là Gia đình thần thánh (2-1845), Hệ tư tưởng Đức (1845 -1846) và đặc biệt là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). 2 ông đã lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử làm thế giới quan của đảng vô sản...
Lenin khẳng định: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen" |
Sau khi Các Mác qua đời (1883), Ăngghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, hoàn thiện bản thảo và chuẩn bị cho in tập II và III của bộ Tư bản mà Mác chưa kịp hoàn thành. Đánh giá về công lao này của Ăngghen, Lênin đã viết: “Với công trình này, Ăngghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Ăngghen cũng không ngờ đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được”.
Ăngghen viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời như: Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và nhà nước (1884), Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1866); Biện chứng tự nhiên; Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894). Những tác phẩm này của Engels không chỉ nhằm tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt giá trị lý luận và thực tiễn cao, đồng thời làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác.
Ăngghen mất ngày 5-8-1895 ở nước Anh. Thi hài ông sau đó được hỏa táng và thủy táng xuống biển.
* Cống hiến cho phong trào công nhân quốc tế
Thời gian ở nước Anh 2 năm (1842-1844) đã giúp ông có cái nhìn đầy đủ hơn về xã hội tư bản Anh khi ấy, đặc biệt là đời sống của người công nhân. Chính trong giai đoạn này, Ăngghen đã viết bài báo nổi tiếng Tình cảnh giai cấp công nhân Anh. Đây là một tác phẩm được đánh giá là quan trọng nhất của Ăngghen. Tác phẩm đã miêu tả chân thực đời sống khốn khổ của giai cấp công nhân ở Anh và đưa ra nhận định rằng giai cấp công nhân không chỉ là những con người cùng cực nhất trong xã hội tư bản mà còn mang sứ mệnh tự giải phóng cho giai cấp mình cũng như dẹp bỏ xiềng xích cho nhân loại.
Thông qua việc phân tích, mổ xẻ chủ nghĩa tư bản, Mác và Ăngghen đã phát hiện ra những quy luật vận động và phát triển của nó, trên cơ sở đó dựa vào sự phát triển của xã hội tương lai, chỉ ra lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân phải tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp.
Từ phát hiện và những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong các công trình nghiên cứu của Ăngghen đã gợi mở và giúp Mác một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn về xã hội tư bản, hướng nghiên cứu chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị học để rồi từ đó Mác đã phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản - quy luật giá trị thặng dư.
Đánh giá về những cống hiến vĩ đại của Ăngghen, lãnh tụ Lênin đã viết: “Sau bạn ông là Các Mác, Ăngghen là nhà bác học và là người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác và Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của 2 người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên, muốn hiểu Ph.Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.
Hồng Phúc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin