Năm 1917, nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik Nga đã giành chính quyền về tay nhân dân lao động, mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển của xã hội loài người.
Lênin - linh hồn của Cách mạng Tháng Mười Nga
Chính từ thành công của cuộc cách mạng vĩ đại này mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo đấu tranh, giành độc lập thành công…
* Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin
GS Trần Văn Giàu cho rằng, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra 5 bước ngoặt lớn của lịch sử Việt Nam, mà bước ngoặt đầu tiên chính là việc ra đi tìm đường cứu nước. Không phải ngẫu nhiên mà chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đi vào miền Nam, không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tất Thành ra đi từ Bến Nhà Rồng, cũng không không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Tất Thành chọn nước Pháp là điểm đến. Chắc hẳn trong suy tư về những bước đường cách mạng, người thanh niên yêu nước ấy đã tính toán kỹ điều này.
Từ hành trình ra đi ở Bến Nhà Rồng ngày 5-6-1911 ấy, Nguyễn Tất Thành đã đi qua đại dương, 4 châu lục và gần 30 nước. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi. Ngày 18-6-1918, Nguyễn Tất Thành vẫn cùng cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường gửi tới Hội nghị Versailles Bản yêu sách của nhân dân An Nam.
Rồi cũng tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp bản sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề về dân tộc và thuộc địa của Lênin để rồi sau đó Người dứt khoát tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin. Rõ ràng, đây lại là một sự ngẫu nhiên của lịch sử bởi Paris khi ấy là nơi giao thương của thế giới, nơi được xem là “kinh đô ánh sáng”, nơi hội tụ các thông tin nhanh nhạy nhất của thế giới.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây chính là phương thức mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang trung thành và kế thừa xứng đáng tư duy sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Nhớ lại sự kiện này, trong bài viết cho Tạp chí Các vấn đề phương Đông của Liên Xô nhân kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh Lênin (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tình tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.
* Vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam
Trong tác phẩm với tên gọi Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Và “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”.
Tháng 7-1920, khi đọc được Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng đến phát khóc lên khi khẳng định đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Thế nhưng, chính Nguyễn Ái Quốc cũng khẳng định rằng, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải phù hợp với đặc điểm cách mạng Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, cả gia đình Sa Hoàng đã bị giết. Thế nhưng, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cựu hoàng Bảo Đại đã được mời làm cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngài còn được giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa I tại đơn vị bầu cử tỉnh Thanh Hóa (quê hương nhà Nguyễn).
Về sáng tạo này của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, TS Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Hàn lâm khoa học Nga khẳng định, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin.
TS Evgeny Kobelev cho rằng, có 3 sai lầm của Đảng Cộng sản Bolshevik mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tránh được gồm: “Một là Đảng Bolshevik đã từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Hồ Chí Minh thì ngược lại, đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này. Hai là, Đảng Bolshevik chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo và do đó đã gây ra nguyên nhân cho một cuộc nội chiến. Hồ Chí Minh thì ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh. Ba là, Chính phủ cách mạng Liên Xô đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II. Hồ Chí Minh ngược lại, không tiêu diệt vua Bảo Đại mà đề nghị Bảo Đại làm Tổng cố vấn (cố vấn tối cao) của Chính phủ cách mạng”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin