Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thủ lĩnh" của hội phụ nữ trong chuyển đổi số

Nguyễn Tuyết
07:35, 20/10/2023

Chuyển đổi số (CĐS) là cơ hội lớn để phụ nữ tiếp cận thông tin, nắm bắt các cơ hội và tạo ra giá trị mới… Vì vậy, việc thúc đẩy CĐS trong công tác hội phụ nữ, trong mỗi cá nhân cán bộ, hội viên phụ nữ là nhiệm vụ mới được các cấp hội trong tỉnh tập trung thực hiện.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh hướng dẫn cán bộ hội phụ nữ cơ sở cập nhật thông tin lên các phần mềm
Cán bộ Hội LHPN tỉnh hướng dẫn cán bộ hội phụ nữ cơ sở cập nhật thông tin lên các phần mềm. Ảnh: N.SƠN

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS, cán bộ hội phụ nữ các cấp ở Đồng Nai, trong đó có cán bộ hội phụ nữ cơ sở đã nỗ lực tự học, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Tự nâng cấp bản thân mỗi ngày

Đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội LHPN P.Xuân Lập (TP.Long Khánh) ở độ tuổi 31 nên chị Nguyễn Thị Thanh Huyền là cán bộ hội trẻ, khá nhạy bén với những cái mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong công tác hội.

Theo chị Thanh Huyền, việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS vào công tác hội và phong trào phụ nữ có rất nhiều ý nghĩa. Điển hình là giảm tải được sổ sách, việc tra cứu thông tin thuận tiện hơn là tìm văn bản giấy; công tác quản lý thông tin hội viên phụ nữ chặt chẽ hơn. Nhận thức được điều này, chị Thanh Huyền đã tự đăng ký tham gia các lớp học thêm kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; đồng thời, chủ động tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CĐS do tổ chức hội cấp trên tổ chức. Trong quá trình làm việc, kỹ năng nào chưa biết, chị mạnh dạn hỏi bạn bè, đồng nghiệp…

Tại hội thi Chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi mới đây, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức vòng thi kỹ năng thiết kế nội dung tuyên truyền bằng PowerPoint trên máy tính. Hoạt động này góp phần thúc đẩy tinh thần tự học, tự trang bị kiến thức, kỹ năng của cán bộ hội cơ sở.

Với kiến thức, kỹ năng hiện có, trong quá trình tổ chức hội nghị, chị đã tích hợp tài liệu bằng QR-Code. Cán bộ, hội viên phụ nữ khi tham gia hội nghị, chương trình, chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể xem tài liệu trên điện thoại. Để đổi mới phương thức tuyên truyền cho hội viên phụ nữ, chị đã thiết kế các bài thuyết trình bằng PowerPoint có chèn thêm hình ảnh, video clip…, giúp cho bài tuyên truyền sinh động hơn.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) Phan Thị Hồng Huyền cho hay, các thiết bị thông minh, internet và mạng xã hội ngày càng phổ biến và trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người. Trên địa bàn xã Hố Nai 3 có những chi hội trưởng chi hội phụ nữ năm nay đã 70 tuổi nhưng sử dụng thiết bị thông minh, mạng xã hội thành thạo, nắm bắt thông tin rất nhanh. Để không bị lạc hậu trong bối cảnh CĐS, chị đã học liên thông đại học, học thêm chứng chỉ B tin học và tự tìm hiểu trên mạng để cập nhật các ứng dụng mới phục vụ công việc…

Nhờ đó, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Hồng Huyền lập fanpage của Hội LHPN xã Hố Nai 3 để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch; cập nhật lịch tiêm vaccine; tiếp nhận thông tin người dân gặp khó khăn để hỗ trợ kịp thời… Bên cạnh đó, chị còn khuyến khích các chi, tổ hội ngoài các buổi sinh hoạt trực tiếp có thể tổ chức sinh hoạt trực tuyến, tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin chính thống qua các trang mạng xã hội để từng bước nâng cao kỹ năng cho hội viên.

Không để ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại số

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, để cán bộ hội phụ nữ cơ sở có kỹ năng sử dụng máy vi tính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, từ năm 2010, Hội LHPN tỉnh đã ký kết với Sở KH-CN hàng năm phối hợp tổ chức hội thi Phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin giỏi giai đoạn 2010-2020. Thông qua các phần thi kiến thức, thực hành kỹ năng trên máy vi tính đã góp phần thúc đẩy tinh thần tự học, tự trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho hội viên phụ nữ, giúp cán bộ hội đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ năm 2021, nhằm số hóa nhiệm vụ công tác hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai thực hiện các phần mềm: quản lý cán bộ, hội viên; báo cáo thống kê thi đua - khen thưởng; quản lý văn bản trong hệ thống hội. Để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn trực tuyến, chỉ đạo các cấp hội tổ chức hướng dẫn cán bộ hội cơ sở thực hành trực tiếp với phần mềm cho tới khi thuần thục.

Đồng thời, để khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, Hội LHPN tỉnh tăng cường tổ chức các cuộc thi trực tuyến thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Chẳng hạn như cuộc thi trực tuyến Phụ nữ tìm hiểu kiến thức về chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2022 thu hút trên 9 ngàn lượt hội viên phụ nữ tham gia; cuộc thi Tìm hiểu nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 thu hút trên 5,2 ngàn người tham gia…

Gần đây nhất, tại hội nghị báo cáo viên được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (đợt 2) được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã mời báo cáo viên chia sẻ kiến thức cơ bản về CĐS, những lợi ích mà CĐS mang lại; những khó khăn, thách thức trong quá trình CĐS…

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Hồng Thắm cho hay, qua phần chia sẻ của báo cáo viên đã giúp chị nắm được các vấn đề cốt lõi của CĐS, những giá trị mà CĐS mang lại trong cuộc sống, công việc của mỗi người.

"Với vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã, tôi thấy trách nhiệm của mình cần phải lan tỏa thông điệp này đến hội viên phụ nữ trên địa bàn để không ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại số" - chị Thắm nói.

Nguyễn Tuyết

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích