Báo Đồng Nai điện tử
En

Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số trong thanh niên

Nguyễn Tuyết
09:09, 17/10/2023

Sau gần 1 tuần diễn ra, Lễ hội Thanh niên Đồng Nai đã chính thức khép lại. Ngoài việc kết nối, tạo ra không gian vui chơi, giải trí cho thanh niên, lễ hội còn có chuỗi hoạt động góp phần lan tỏa tinh thần chuyển đổi số (CĐS) trong thanh niên.

Đoàn viên, hội viên thanh niên trao đổi với báo cáo viên làm rõ thêm nội dung liên quan đến năng lực số. Ảnh: N.Sơn
Đoàn viên, hội viên thanh niên trao đổi với báo cáo viên làm rõ thêm nội dung liên quan đến năng lực số. Ảnh: N.Sơn

Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động, diễn đàn nâng cao năng lực số cho đoàn viên, hội viên thanh niên.

* Nâng cao năng lực số cho thanh niên

Tại Diễn đàn nâng cao năng lực số được tổ chức sau khai mạc Lễ hội Thanh niên Đồng Nai, đoàn viên, hội viên thanh niên đã được nghe báo cáo viên chia sẻ về CĐS, giá trị CĐS mang lại, làm rõ năng lực số và chỉ ra 5 nhóm năng lực số cơ bản gồm: năng lực sử dụng thiết bị, phần mềm; khai thác dữ liệu thông minh đảm bảo an toàn; năng lực giao tiếp; năng lực học tập, lao động và phát triển; năng lực đổi mới sáng tạo trên môi trường số.

Bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN MINH KIÊN bày tỏ hy vọng sau cuộc thi, 9 dự án tham gia vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm giải pháp CĐS sẽ được các thí sinh hoàn thiện và triển khai thành mô hình, giải pháp cụ thể trong thực tiễn.

Anh Hoàng Văn Nam, sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho biết, diễn đàn nâng cao năng lực số rất bổ ích. Thông qua nội dung chia sẻ của báo cáo viên, anh nhận thức được CĐS là xu thế tất yếu và mỗi người muốn tồn tại và phát triển trong môi trường số không thể không có năng lực số. Đồng thời, anh nhận thấy năng lực số của mình tới đâu, cần bổ sung những gì. Cá nhân anh cũng biết được cách thức để nâng cao năng lực số cho bản thân. Đó là tăng cường tham gia các chương trình, hội thi liên quan đến công nghệ thông tin, CĐS; chủ động trong việc học tập, khai thác dữ liệu ở các nguồn đáng tin cậy…

Trước thực trạng thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng đến nhận thức của người tiếp nhận; tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức khác nhau khiến người dùng mạng xã hội bất an, Tỉnh đoàn, Sở TT-TT đã phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề về mạng xã hội. Hội thảo đã quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, truyền thông mạng xã hội tham gia. Trong đó, các chuyên gia đã chia sẻ về thực trạng lừa đảo tại Việt Nam; các hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng; các phương thức tấn công của kẻ lừa đảo… Qua đó, giúp đoàn viên, hội viên thanh niên hiểu được tầm quan trọng của việc trang bị “vaccine số” trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của internet, mạng xã hội trong cuộc sống, học tập, lao động…

* Tạo cơ hội để thanh niên hiến kế CĐS

Bên cạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực số cho thanh niên, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở TT-TT tổ chức cuộc thi Tìm kiếm giải pháp CĐS.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn thông qua cuộc thi nhằm tìm kiếm những giải pháp CĐS sáng tạo, hiệu quả có khả năng ứng dụng vào thực tiễn nhằm góp phần thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh.

Các nhóm thí sinh tham gia cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số
được nghe thêm các ý kiến đóng góp từ Ban giám khảo và Ban cố vấn
Các nhóm thí sinh tham gia cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số được nghe thêm các ý kiến đóng góp từ Ban giám khảo và Ban cố vấn

Sau hơn 1 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút 20 dự án tham gia. Ban tổ chức đã mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý dự án, CĐS thẩm định và lựa chọn 9 dự án xuất sắc vào vòng chung kết. Hầu hết các dự án đều hướng đến việc cải thiện những vấn đề tồn tại, bất cập đang diễn ra trong đời sống hoặc góp phần thúc đẩy sự phát triển một lĩnh vực nào đó của địa phương.

Trong đó có thể kể đến giải pháp xây dựng phần mềm gợi ý du lịch thông minh dựa trên Chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT của nhóm thí sinh đến từ Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Anh Từ Nhật Phương, Trưởng nhóm cho biết, giải pháp du lịch thông minh thông qua ứng dụng DongNai Smart Guide sẽ cung cấp cho du khách thông tin về các địa điểm, đường đến điểm du lịch; hỗ trợ thuyết minh một số địa điểm bằng giọng đọc hoặc bài viết. Đặc biệt là ứng dụng sẽ hỗ trợ người dùng tạo lịch trình, lên kế hoạch du lịch. Điểm mới của ứng dụng chính là tích hợp AI hỗ trợ người dùng tạo lịch trình, kế hoạch đi du lịch và sử dụng công nghệ AI chuyển văn bản thành giọng nói để thuyết trình thông tin về địa điểm du lịch.

Không chỉ thu hút các thí sinh trong tỉnh tham gia, cuộc thi còn thu hút nhóm Envi Whisper đến từ Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với giải pháp ứng dụng công nghệ AI và IoT vào việc theo dõi chất lượng không khí tại Việt Nam.

Chia sẻ về giải pháp này, chị Võ Ngọc Minh Anh (đại diện nhóm Envi Whisper) cho biết, từ dữ liệu đo chất lượng không khí được cung cấp từ các nguồn uy tín sẽ được số hóa trên mạng xã hội và website giúp người dùng dễ dàng truy cập. Người dùng cũng có thể tìm kiếm chất lượng không khí xung quanh dựa trên vị trí hiện tại. Từ đó, ứng dụng đưa ra cảnh báo về chất lượng không khí và đề xuất các giải pháp giúp người dùng bảo vệ sức khỏe… Qua đó, giúp người dùng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường nói chung, chất lượng không khí nói riêng.

Điểm đặc biệt của vòng chung kết, sau khi thí sinh trình bày sẽ nhận được những ý kiến góp ý, phản biện của Ban tư vấn để tiếp tục hoàn thiện dự án.

Nguyễn Tuyết

Tin xem nhiều