Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tình trạng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không chủ động, sáng tạo trong công việc thời gian qua diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, ảnh hưởng không nhỏ đế
08:08, 07/10/2023

Tình trạng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không chủ động, sáng tạo trong công việc thời gian qua diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực thi chức trách nhiệm vụ được giao. Thậm chí, tư tưởng "đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" khá phổ biến, khiến công việc ngưng trệ, không tạo được chuyển biến. Ngay cả những cán bộ tâm huyết cũng có tâm lý e ngại, lo sợ mình sẽ cô độc khi “dám nghĩ, dám làm”.

Thực tế, hành lang pháp lý để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm của nước ta chưa hoàn thiện. Ranh giới giữa đúng - sai, vi phạm và không vi phạm nhiều lúc khá mong manh; nếu cán bộ không được bảo vệ sẽ rất khó phát huy trí tuệ, khả năng, tinh thần dấn thân, cống hiến cho sự phát triển chung.

Tuy nhiên, nhiều quy định, nghị định của Đảng, Chính phủ ra đời gần đây đã tạo điểm tựa cho những cán bộ năng động, sáng tạo. Ngày 28-7-2021, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Quy định 22 dành điều riêng quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát. Trong đó, điểm mới đáng chú ý là quy định rõ công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời, phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng.

Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Bộ Chính trị yêu cầu xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Mới đây nhất, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghị định chỉ rõ những biện pháp khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm; trường hợp cán bộ được bảo vệ; biện pháp bảo vệ… Đây được xem là bước tiến mới rất quan trọng, là hành lang pháp lý để đội ngũ cán bộ có cơ sở, niềm tin để vượt lên chính mình, thỏa sức cống hiến vì lợi ích chung.

Nguyễn Phượng

 

Tin xem nhiều