Gần đây, để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam, các thế lực thù địch lại lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc; đặc biệt là họ kích động tinh thần dân tộc cực đoan của một bộ phận người Khmer khi cho rằng người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long với người Khmer ở Campuchia là cùng Tổ quốc. Mục đích của họ là kích động thù hằn dân tộc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ta.
Đồng bào Khmer tổ chức tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023. Ảnh: TTXVN |
* Thực tế có phải như vậy hay không?
Câu trả lời là không! Đó là sự ngộ nhận.
Vì sao như vậy?
Trên dải đất Việt Nam hiện nay, sau quá trình lịch sử lâu dài hình thành các cộng đồng dân cư và lãnh thổ, có một nước Việt Nam thống nhất về địa lý từ Bắc chí Nam. Cùng với quá trình hình thành lãnh thổ, vì nhiều điều kiện lịch sử khác nhau mà trên đất nước Việt Nam hiện nay có 54 dân tộc cùng chung sống, trong đó có người Khmer. Cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đều cùng chung một Tổ quốc, một lãnh thổ, đó là Việt Nam. Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chính sự đa dạng của các dân tộc này kéo theo sự đa dạng của văn hóa các dân tộc, làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng lại mang dấu ấn đậm nét về văn hóa của các dân tộc khác, trong đó có người Khmer.
Nhìn rộng ra thế giới, chúng ta thấy rằng rất nhiều nước trên thế giới cũng có những đặc điểm giống Việt Nam. Chẳng hạn ở Trung Quốc có rất đông người Mông Cổ sinh sống. Đương nhiên, họ cùng một dân tộc với dân tộc Mông Cổ, song đã từ lâu đời họ sống trên vùng lãnh thổ dưới sự quản lý của chính quyền Trung Quốc được luật pháp quốc tế công nhận. Vậy là, những người Mông này là dân tộc Mông Cổ, song họ không phải công dân của nước Mông Cổ mà là công dân của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Cũng vậy, tại Trung Quốc hiện nay, có 56 dân tộc được công nhận, trong đó có người Kinh. Số người Kinh ở Trung Quốc vẫn giữ nét văn hóa của người Việt, nhất là nói tiếng Việt, ăn trầu, múa hát… Họ là người Việt, họ có chung dân tộc với người Việt đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, song họ không phải công dân Việt Nam, họ là công dân của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Ngài Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ là Joe Biden mới thăm Việt Nam vào tháng 9-2023. Ngài Joe Biden là người gốc Ireland và từ đời ông cố đã chuyển tới Hoa Kỳ sinh sống. Đương nhiên ngài ấy vẫn là người Ireland nhưng chắc chắn ngài ấy phải là công dân của Hoa Kỳ, chứ không thể gọi là công dân của Ireland. Cũng vậy, rất nhiều người Hoa Kỳ, người Australia… hiện nay vốn là người Anh, nhưng nếu họ có quốc tịch của Australia thì họ là công dân của Australia, nếu ai có quốc tịch Hoa Kỳ thì đương nhiên họ sẽ là công dân của Hoa Kỳ. Nhiều người ở Brasil hiện nay vốn là người Bồ Đào Nha, song nếu họ mang quốc tịch Brasil thì họ là công dân của Brasil, chứ không phải là công dân Bồ Đào Nha…
* Phân biệt rõ dân tộc và công dân
Đồng bào Khmer, cũng như các dân tộc khác có quyền và được đối xử bình đẳng về chính trị. |
Vậy thì, rõ ràng cần phải phân biệt rõ dân tộc và công dân.
Dân tộc (tộc người, ethnic) là hình thái đặc thù của một tập đoàn người, xuất hiện trong quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội, được phân biệt bởi 3 đặc trưng cơ bản là: ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác về cộng đồng, mang tính bền vững qua hàng ngàn năm lịch sử. Ví dụ: dân tộc (hay tộc người) Việt, dân tộc (hay tộc người) Tày, dân tộc (hay tộc người) Khmer...
Công dân là cá nhân, con người cụ thể có năng lực pháp lý và năng lực hành vi, có các quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật của một quốc gia. Căn cứ pháp lý để xác định công dân của một quốc gia nhất định là quốc tịch của người đó. Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, cho dù là người Tày, người Thái, người Mỹ, người Anh, người Trung Quốc, người Khmer nhưng có quốc tịch Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam thì đó là công dân Việt Nam.
Các quốc gia khác trên thế giới, dù có thể có những quy định khác nhau song về cơ bản đều thống nhất ở điểm này. Chẳng hạn, ở Mỹ hiện nay có cộng đồng người Việt rất đông đảo lên tới hàng triệu người, tất cả người Việt ở Mỹ có quốc tịch Mỹ thì là công dân của nước Mỹ, dù họ vẫn là người Việt Nam.
Tất cả các quốc gia đều phải có trách nhiệm bảo hộ công dân của mình. Vì vậy, nếu một người là người Hy Lạp nhưng mang quốc tịch Việt Nam sống ở Hy Lạp nếu không may vướng vào vấn đề pháp lý thì Nhà nước Việt Nam phải có trách nhiệm có các biện pháp cần thiết để bảo hộ công dân của mình. Cũng vậy, một người Khmer ở Trà Vinh, mang quốc tịch Việt Nam gặp các vấn đề về pháp lý ở Trung Quốc thì Chính phủ Việt Nam phải thực hiện các biện pháp để bảo hộ công dân của mình chứ không phải Chính phủ Campuchia, vì người này đâu phải là công dân của Campuchia.
Tất cả mọi công dân của các quốc gia đều có các quyền căn bản được hiến định trong hiến pháp. Đương nhiên, công dân đã có các quyền thì phải có nghĩa vụ và các nghĩa vụ này cũng được quy định trong hiến pháp. Nghĩa vụ công dân là việc Nhà nước đòi hỏi công dân phải thực hiện những hành vi cần thiết khi Nhà nước yêu cầu, nếu không thực hiện thì Nhà nước buộc phải áp dụng bằng mọi biện pháp từ giáo dục, thuyết phục đến cưỡng chế. Nghĩa vụ công dân tương ứng với quyền của Nhà nước có thể đưa ra những quy định bắt buộc đối với công dân phải thực hiện các hành vi cần thiết.
Vì người Khmer là một cộng đồng trong số 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nên có đầy đủ các quyền được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam xem người Khmer như tất cả các dân tộc khác, vì vậy đều có các chủ trương, chính sách chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer. Có thể nhìn thấy rất rõ, đồng bào Khmer được đối xử bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Bản sắc văn hóa dân tộc Khmer được bảo tồn, phát huy và được tôn trọng. Các tôn giáo, tín ngưỡng được tôn trọng và phát triển.
Trung Kiên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin