Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động nắm bắt cơ hội trong công tác đào tạo nghề

Minh Ngọc
08:11, 21/10/2023

9 tháng của năm 2023, Đồng Nai giải quyết việc làm cho trên 63 ngàn lượt người (đạt 78,84% kế hoạch năm). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới, đào tạo cho 8.760 học viên (đạt 87,74% kế hoạch năm, tăng 1,95% so với năm 2022). Đây là tín hiệu vui, cho thấy công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong năm 2023 dù còn nhiều khó khăn nhưng có những tín hiệu khả quan.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đồng Nai trong giai đoạn 2020-2025 là đào tạo lực lượng lao động tay nghề cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia và khu vực. Trong đó, riêng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ cần tới gần 14 ngàn người. Vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị kịp thời, Đồng Nai rất dễ bị thua ngay trên sân nhà vì cơ hội việc làm cho lao động rộng mở nhưng lại không có được nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu.

Theo Sở LĐ-TBXH, hiện tham gia vào hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành hàng không có một số trường đại học như: Học viện Hàng không Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường đại học Giao thông vận tải (Hà Nội) cùng một số trung tâm khác. Mới đây, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đã ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành Hàng không. Đây là sự chuẩn bị quan trọng để Đồng Nai chủ động  nắm bắt cơ hội khi sân bay đi vào hoạt động.

Ngày 17-10, tại buổi làm việc với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đánh giá cao mô hình đào tạo nhân lực của trường. Điều này vừa thể hiện sự chủ động trong đào tạo những ngành nghề phù hợp với yêu cầu thực tế mà xã hội đang cần, nhất là với một dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phát triển của Đồng Nai hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khi trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai từng cho rằng, một trong những thách thức của Đồng Nai là làm sao tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề, có tri thức để phục vụ các dự án có hàm lượng chất xám cao. Bởi Đồng Nai hiện có hơn 1 triệu lao động nhưng hơn 50% là lao động phổ thông không qua đào tạo, chủ yếu là gia công, lắp ráp đơn giản, chỉ biết làm một công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Do đó, vấn đề đặt ra là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp cận với những dự án có hàm lượng chất xám cao, đáp ứng yêu cầu tay nghề chuyên sâu của doanh nghiệp.

Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội trong công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhưng có nắm bắt được những cơ hội đó hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự chủ động, quyết liệt của các ngành, đơn vị có liên quan, đặc biệt là những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều