Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống khai thác bất hợp pháp trên biển

Nguyệt Hà
07:45, 15/09/2023

Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” đặt ra nhiệm vụ trọng tâm, phải ưu tiên, cấp bách là tập trung gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC)… tạo thuận lợi để xuất khẩu hải sản Việt Nam sang thị trường châu Âu.

Thủ trưởng Vùng Cảnh sát biển 3 tặng quà cho người dân sau khi thông tin về tình hình biển đảo, phòng chống IUU tại vùng biển được giao quản lý
Thủ trưởng Vùng Cảnh sát biển 3 tặng quà cho người dân sau khi thông tin về tình hình biển đảo, phòng chống IUU tại vùng biển được giao quản lý. Ảnh: N.HÀ

Theo Bộ NN-PTNT, hiện các nước đang cạnh tranh xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu tiếp tục gây sức ép với EC đề nghị nâng cảnh báo “thẻ đỏ” cho Việt Nam khi tàu cá Việt Nam tiếp tục vi phạm IUU. Vì vậy, cả hệ thống chính trị và các lực lượng chấp pháp trên biển mà nòng cốt là Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã và đang nỗ lực với nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực nhằm đạt kết quả tốt nhất cho nhiệm vụ quan trọng này.

Nói không với vi phạm IUU

Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng CSB 3 cho hay, đơn vị thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và các quy định về chống khai thác IUU.

“Với quyết tâm cao, nói không với vi phạm, cấp ủy, chỉ huy các cấp trực thuộc Vùng CSB 3 đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng, nhân dân, ngư dân và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả” - đại tá Nguyễn Minh Khánh nhấn mạnh.

Cũng theo đại tá Nguyễn Minh Khánh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, bảo đảm nhiệm vụ này có hiệu quả thực chất; hướng trọng tâm vào các chủ tàu, thuyền trưởng, nhất là chủ tàu có nguy cơ cao buộc phải ký cam kết không vi phạm IUU. Duy trì thường xuyên hoạt động phối hợp giữa lực lượng CSB với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng có liên quan như: hải quân, biên phòng, chi cục thủy sản, kiểm ngư, công an… để theo dõi, giám sát việc thực hiện cam kết của các chủ tàu và thuyền trưởng các tàu cá.

Theo Bộ NN-PTNT, từ nay đến trước thời điểm EC thanh tra lần thứ 4 (tháng 10-2023), Ban Chỉ đạo phòng chống IUU quốc gia tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ 28 tỉnh, thành ven biển, nhất là các tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm) để xử lý nghiêm nhằm sàng lọc, phân loại, kiên quyết cho việc gỡ thẻ vàng sắp tới.

Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 tổ chức ký kết chương trình phối hợp với UBND 9 tỉnh, thành phố về các lĩnh vực liên quan đến thủy sản; phối hợp các cơ quan chức năng; cơ quan báo chí trung ương, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chống khai thác IUU gắn với thực hiện Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”. Định kỳ 6 tháng/lần, các lực lượng chức năng cần cập nhật đầy đủ các thông tin về chủ tàu (họ tên, số điện thoại, hộ khẩu thường trú…) để thuận lợi trong việc quản lý, giám sát.

“Với nhiều giải pháp như trên, đã giúp đơn vị kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm IUU, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây môi giới đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép” - đại tá Nguyễn Minh Khánh nhấn mạnh.

Theo Vùng CSB 3, 5 năm trở lại đây, Vùng CSB3 trực tiếp bắt giữ, tiếp nhận, điều tra, xử lý 67 vụ với 67 phương tiện; thu xử phạt vi phạm hành chính trên 5,2 tỷ đồng, tổng trị giá hàng hóa tịch thu, phát mại sung công quỹ nhà nước trên 258 tỷ đồng. Quá trình tuần tra kiểm soát trên biển, đã xử phạt trên 300 tàu, thu phạt vi phạm hành chính gần 1,8 tỷ đồng…

Với quyết tâm cao “nói không với vi phạm IUU”, từ đầu tháng 7 đến nay, không còn phát hiện tàu cá vi phạm trên các vùng biển do Vùng CSB 3 được giao quản lý. Đây là một trong những nỗ lực lớn để cùng các lực lượng chấp pháp và cả hệ thống chính trị có thể gỡ thẻ vàng trong thời gian tới.

Đến từng nhà, rà từng tàu

Theo thiếu tướng Lê Đình Cường, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng CSB Việt Nam, qua những vụ vi phạm đã bị CSB và các lực lượng chấp pháp phát hiện, xử lý cho thấy, vì sinh kế nhiều ngư dân đã vượt biên giới biển vi phạm IUU. Ban Chỉ đạo IUU của Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng chức năng, trong đó CSB được coi là lực lượng nòng cốt đấu tranh ngăn chặn vi phạm IUU, nhất là vùng biển giáp ranh, đặc biệt là vùng chồng lấn giữa vùng biển Việt Nam - Malaysia và Việt Nam -
Thái Lan.

Thiếu tướng Lê Đình Cường cho biết thêm, thời gian qua, CSB phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức hàng ngàn lượt tuyên truyền, thông tin về những nội dung, hành vi bị coi là vi phạm IUU. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là ngư dân, các chủ tàu cá, thuyền trưởng đánh cá nhằm giúp họ tuân thủ và ngăn chặn việc khai thác IUU.

Thiếu tướng Lê Đình Cường nhấn mạnh: “Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo Cục Chính trị biên soạn tài liệu 12 hành vi vi phạm cần tiếp tục được đẩy mạnh tuyên truyền. Qua đó, tiếp tục cung cấp thông tin cho nhân dân, nhất là ngư dân, các chủ tàu, thuyền khai thác trên biển, góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân khi khai thác hải sản trên biển”.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn vi phạm IUU, CSB còn hỗ trợ ngư dân trong tổ chức sản xuất, an toàn trên biển hoặc hỗ trợ khi có sự cố trên tàu, khi gặp thiên tai, sóng gió. Quá trình tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ CSB cũng phải nỗ lực đến từng nhà, rà từng tàu và dự báo những vùng biển khả năng có nhiều điểm nóng IUU để tập trung đấu tranh ngăn chặn.

Bên cạnh đó, lực lượng CSB phối hợp với các lực lượng: hải quân, biên phòng, phòng không không quân để sử dụng máy bay khi cần thiết hỗ trợ ngư dân. Một khó khăn nữa theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ khi CSB bắt được tàu cá vi phạm phải dẫn giải về các địa phương xử lý nên gặp không ít khó khăn, bất cập.

Trong chương trình tuyên truyền biển đảo khu vực phía Nam của Tổng cục Chính trị mới đây, thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó tư lệnh Pháp luật CSB Việt Nam nhấn mạnh: “Đấu tranh phòng chống, ngăn chặn IUU là một trong những yếu tố mũi nhọn, trọng điểm để bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế biển, xây dựng phát triển lực lượng tàu cá ngư dân của ta ngày đêm vươn khơi bám biển. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật”.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều