Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe tiếng nói của cán bộ cấp cơ sở

Phương Hằng
07:35, 08/09/2023

Cuối tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên ở Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy có cuộc gặp gỡ với bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND 170/170 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Lãnh đạo các xã, phường, thị trấn tham dự buổi gặp gỡ với Bí thư Tỉnh ủy, tháng 8-2023
Lãnh đạo các xã, phường, thị trấn tham dự buổi gặp gỡ với Bí thư Tỉnh ủy, tháng 8-2023. Ảnh: P.HẰNG

Qua buổi gặp gỡ, đội ngũ cán bộ cấp xã đã phản ánh những tâm tư nguyện vọng và khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) Phạm Văn Nam cho biết, Mã Đã được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2017; xã đang tiếp tục thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nhưng quá trình thực hiện nông thôn mới nâng cao đang gặp những khó khăn như các ấp: 3, 4, 5 và 6 của xã Mã Đà thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Vì vậy, xã kiến nghị với tỉnh sớm có quyết định phê duyệt đề án ổn định dân cư tại chỗ đối với các ấp này để người dân ổn định cuộc sống và để địa phương có cơ sở đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Mã Đà có nhiều căn cứ cách mạng, di tích lịch sử, diện tích rừng tự nhiên và diện tích vùng bán ngập hồ Trị An lớn, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Để khai thác lợi thế này, thời gian qua, một số hộ dân đã tổ chức các điểm kinh doanh du lịch, dịch vụ, nhưng việc kinh doanh này chưa đúng quy định nên chính quyền địa phương đã yêu cầu tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ các công trình tiền chế vi phạm.

Hiện nay, người dân trên địa bàn xã mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch tại các xã ven hồ Trị An nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, kiến nghị tỉnh sớm ban hành đề án phát triển du lịch của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Trước những phản ánh, kiến nghị của lãnh đạo cấp xã nói trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tháo gỡ cho cơ sở trên tinh thần thượng tôn pháp luật để thúc đẩy sự phát triển của Đồng Nai trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) Tô Anh Quốc kiến nghị, trên địa bàn xã hiện có những tuyến đường giao thông thuộc tỉnh quản lý, công tác chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ các tuyến đường này chưa được thực hiện thường xuyên. Do đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý, giao phần kinh phí về địa phương để địa phương chủ động trong duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông; cơ quan cấp tỉnh chỉ nên thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý trong sai phạm.

Chủ tịch UBND xã Phú Hội còn kiến nghị, hiện kinh phí hoạt động được phân bổ hàng năm cho các hội, đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã còn thấp, dẫn đến việc tổ chức các hoạt động được giao đối với các hội, đoàn thể còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, UBND tỉnh xem xét, bổ sung cấp kinh phí hoạt động cho địa phương theo hướng tăng lên để các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Đừng để quy hoạch treo, dự án treo

Bí thư Đảng ủy P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) Lê Văn Vân nêu, dự án Khu đô thị, sân golf, thể thao và du lịch sinh thái Long Thành tại 2 phường: Tam Phước, Phước Tân đã được quy hoạch hơn 10 năm và đã có thông báo thu hồi đất, nhưng đến nay dự án chưa triển khai nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Đề nghị tỉnh xem xét, sớm triển khai dự án hoặc bỏ quy hoạch treo để nhân dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Cũng liên quan đến dự án treo, quy hoạch treo, lãnh đạo các xã: Phước Thái, Tân Hiệp, Tam An (H.Long Thành) phản ánh, tình trạng quy hoạch và triển khai dự án Khu dân cư Sunco Thái Dương, xã Phước Thái; Khu đô thị Lake View City, Khu đô thị giáo dục công nghệ cao FPT Đồng Nai... tại xã Tam An được đưa vào quy hoạch từ nhiều nhiệm kỳ, đến nay chưa triển khai thực hiện. Do đó, tỉnh cần có hướng xử lý, không để các dự án cứ dậm chân tại chỗ, gây bức xúc, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân.

Lãnh đạo một số xã thuộc H.Thống Nhất, H.Vĩnh Cửu phản ánh, hiện nay người dân tham gia mua mới bảo hiểm y tế (BHYT) không được cấp thẻ mà chỉ sử dụng căn cước công dân hoặc phần mềm VssID. Tuy nhiên, một số người già và trẻ nhỏ không sử dụng thiết bị điện tử thông minh nên gặp khó khăn trong việc đi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Mặt khác, khi tham gia mới thẻ BHYT, người dân chỉ nhận được tờ biên nhận, không biết khi nào mình có thẻ BHYT, không biết ngày nào đến hạn phải gia hạn... Việc này rất bất lợi cho người dân cũng như đại lý BHYT. Vì thế, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nên cấp thẻ mới cho người dân hoặc nếu không cấp thẻ thì sử dụng tin nhắn để báo cho người dân biết thẻ mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày nào, đến ngày nào.

Hiện nay, số liệu thống kê nhân khẩu ở từng xã cũng khác nhau giữa số liệu của ngành Công an và ngành Thống kê nên bất cập cho địa phương trong việc thực hiện chỉ tiêu về số người tham gia BHYT - một tiêu chí để được công nhận nông thôn mới...

Phương Hằng

Tin xem nhiều