Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới công tác thông tin cơ sở

Hồ Thảo
07:35, 25/09/2023

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin cơ sở. Hoạt động thông tin cơ sở ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, nâng cao về chất lượng và hiệu quả theo xu hướng phát triển công nghệ thông tin và truyền thông.

Đội ngũ tuyên truyền viên tại ấp 6, xã An Phước (H.Long Thành) sử dụng hình thức loa tuyên truyền lưu động để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong nhân dân
Đội ngũ tuyên truyền viên tại ấp 6, xã An Phước (H.Long Thành) sử dụng hình thức loa tuyên truyền lưu động để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong nhân dân. Ảnh: H.THẢO

Qua đó, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, phục vụ hiệu quả cho công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Tăng cường nội dung, đa dạng hình thức thông tin

Theo Sở TT-TT, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều loại hình thông tin cơ sở như: Đài truyền thanh cấp huyện và đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; cổng/trang thông tin điện tử, bản tin của cơ quan, đơn vị cơ sở; điểm bưu điện - văn hóa xã; nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng; thư viện; hoạt động cổ động trực quan; hoạt động báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV)…

Là tổ trưởng tổ nhân dân tại xã Sông Trầu (H.Trảng Bom), cũng là một người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, ông Chu Văn Phú nhận thức rất rõ vai trò của các loại hình thông tin cơ sở và tích cực tận dụng, kết hợp nhiều loại hình khác nhau trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.

Theo Kế hoạch 214 về thực hiện chiến lược phát triển thông tin cơ sở đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật, kỹ năng biên soạn, biên tập tin bài...

Ông Phú cho biết: “Qua nhiều kênh thông tin cơ sở, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương đã kịp thời đến với người dân. Qua đó, giúp người dân nắm rõ và tích cực chung sức cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11/11 huyện, thành phố có đài truyền thanh (trực thuộc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện) và 170 đài truyền thanh cấp xã phục vụ công tác thông tin tuyên truyền của địa phương. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 16 bản tin nội bộ của các sở, ban, ngành và địa phương; 11/11 đơn vị cấp huyện có trang thông tin điện tử cùng 168 trang thông tin điện tử cấp xã. Đội ngũ BCV, TTV trong toàn tỉnh cũng thường xuyên được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn Đảng bộ tỉnh có hơn 4,9 ngàn BCV các cấp và TTV cơ sở.

Hiện đại, đồng bộ và thống nhất

 TP.Biên Hòa hiện có nhiều công trình trọng điểm đang được triển khai. Hầu hết các công trình trọng điểm đều có quy mô rất lớn cả về diện tích đất thu hồi và số hộ dân bị ảnh hưởng. Do nhiều nguyên nhân khách quan, việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố thực tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Biên Hòa Ngô Chí Thức cho hay, để giúp người dân hiểu rõ và đồng thuận trong triển khai các dự án, thành phố đã kết hợp nhiều kênh thông tin tuyên truyền khác như: hệ thống đài truyền thanh thành phố và phường, xã; trang thông tin điện tử thành phố; tuyên truyền cổ động trực quan; tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi bộ, tổ, hội;  tổ chức các tổ đi đến từng hộ dân để tuyên truyền...

Bên cạnh đó, thành phố còn huy động lực lượng BCV, TTV từ thành phố đến cơ sở, nhất là lực lượng ở địa bàn khu dân cư để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ hơn lợi ích thiết thực từ các dự án mang lại cho nhân dân và đồng thuận trong triển khai.

Theo Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga, thời gian qua, hoạt động thông tin cơ sở được chú trọng tăng cường nội dung và đa dạng hình thức thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Đặc biệt là việc chú trọng cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông; tăng cường sử dụng các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube...) để thông tin, tuyên truyền đưa thông tin đến người dân một cách nhanh chóng, chính xác nhất.

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 214 ngày 5-9-2023 về thực hiện chiến lược phát triển thông tin cơ sở đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm tiếp tục phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, phường, thị trấn; đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân và phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến ấp, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% xã, phường, thị trấn có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân. Cấp huyện đến năm 2025 có 100% các huyện, thành phố có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD), được kết nối với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều