25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn đoàn kết, vượt khó, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ, xây đắp và tô thắm truyền thống: “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”.
Đoàn Trinh sát số 2 (Cảnh sát biển Việt Nam) tặng quà cho học sinh hoàn cảnh khó khăn tại H.Nhơn Trạch nhân dịp tổng kết năm học 2022-2023. Ảnh: N.HÀ |
Các đơn vị thuộc Cảnh sát biển Việt Nam luôn tự hào truyền thống 16 chữ vàng và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, đoàn kết, thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, thực thi và giữ nghiêm pháp luật trên biển.
Khắc tinh của tội phạm trên biển
Đoàn Trinh sát số 2 (Cảnh sát biển Việt Nam) là đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát biển có nhiệm vụ nắm, đánh giá tình hình liên quan vùng biển được giao quản lý từ cù lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến TP.Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) bao gồm cả quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1…
Thượng tá Phan Nhân Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đoàn Trinh sát số 2 cho hay, với nhiệm vụ được giao, CBCS đơn vị luôn chủ động nắm chắc tình hình, bám sát vùng biển được giao quản lý, kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm pháp luật trên biển.
25 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Cảnh sát biển Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng huân, huy chương các loại cùng nhiều phần thưởng xứng đáng.
“Chỉ riêng đợt thi đua mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, đơn vị đã chủ động và phối hợp cùng các lực lượng chức năng bắt giữ 8 vụ với 10 tàu vi phạm trên biển, dẫn giải về các vùng cảnh sát biển 3, 4 củng cố hồ sơ, xử lý vi phạm” - thượng tá Phan Nhân Hậu nhấn mạnh.
Có thể kể đến một vài vụ tiêu biểu như tổ công tác của đơn vị bắt giữ tàu vỏ gỗ có số hiệu KG-095945 TS, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Nguyễn Minh Thạnh (sinh năm 1982, trú tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, theo lời khai của thuyền trưởng Nguyễn Minh Thạnh trên tàu đang vận chuyển khoảng 50 ngàn lít dầu DO nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tổ đã lập biên bản và dẫn giải về Cảng hải đội 401/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (tỉnh Kiên Giang), củng cố hồ sơ ban đầu và tiến hành các thủ tục bàn giao, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổ công tác Đoàn Trinh sát số 2 cũng đã phát hiện hành vi khả nghi của tàu cá và kiểm tra tàu vỏ gỗ có số hiệu TG 94448 TS. Trên tàu có 4 thuyền viên do ông Lê Văn Hoàn (sinh năm 1974, trú tại tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng vào ngày 30-5-2023. Trên tàu đang chở khoảng 39 ngàn lít dầu DO không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa vận chuyển trên tàu, thuyền viên không đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Tổ công tác đã lập biên bản, dẫn giải về cảng của Vùng Cảnh sát biển 3 củng cố hồ sơ, xử lý ban đầu…
CBCS của Đoàn Trinh sát số 2, Cảnh sát biển Việt Nam cùng Phòng Trinh sát, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và các lực lượng chấp pháp trên biển đã và đang trở thành “khắc tinh” của tội phạm trên biển, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa được giao quản lý.
Hiệu quả các chương trình
Đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc vai trò thực thi pháp luật trên biển, các đơn vị thuộc Cảnh sát biển Việt Nam còn triển khai hiệu quả các chương trình do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam chỉ đạo, như “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển”; “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”; “Cảnh sát biển đỡ đầu con ngư dân khó khăn”…
Theo đại tá Lê Văn Tú, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, thực hiện hiệu quả các chương trình này góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam về dân vận vào thực tiễn.
“Hiệu quả từ các chương trình mà cảnh sát biển nói chung, Bộ Tư lệnh Vùng 3 nói riêng thực hiện thời gian qua đóng góp quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên biển. Qua đó, huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, an toàn trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc từ hướng biển” - đại tá Lê Văn Tú khẳng định.
Theo Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cảnh sát biển là một trong những lực lượng được xác định tiến thẳng hiện đại nên Đảng ủy, Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo tập trung xây dựng cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, “tinh, gọn, mạnh”, thực sự là lực lượng “nòng cốt” bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển…
Thượng tá Phan Nhân Hậu cho rằng, từ những chương trình thành công vừa giúp nhân dân nhận thức tốt hơn về vai trò của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, vừa giúp CBCS cảnh sát biển có thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
“Chính thế trận lòng dân vững chắc trên biển thực sự trở thành tai, mắt giúp CBCS cảnh sát biển nói riêng, lực lượng chấp pháp trên biển nói chung kịp thời có nguồn thông tin quý để đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ an ninh, an toàn trên biển” - thượng tá Phan Nhân Hậu nhấn mạnh.
Thực tế các chương trình mà Cảnh sát biển Việt Nam triển khai trong cả nước thời gian qua đã và đang tạo uy tín, khẳng định vai trò là lực lượng “nòng cốt” thực thi pháp luật, an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Thượng tá Phạm Mạnh Ngân, Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2 bộc bạch: “Với ngư dân các tỉnh có biển thì đây là lực lượng tai mắt, cánh tay nối dài giúp cho cảnh sát biển kịp thời nắm chắc thông tin, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật”.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin