Cách đây tròn 3 năm, trên Báo Đồng Nai có đăng tải loạt bài phóng sự phản ảnh cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn ở ấp vùng sâu Bàu Lùng hay còn gọi là “ấp 4 không” thuộc xã Bình An, Long Thành. Sở dĩ có tên gọi như trên là vì ấp có 4 cái không: không điện, không đường, không trường, không trạm xá. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm, có dịp trở lại với Bàu Lùng, chúng tôi hết sức bất ngờ vì sự đổi thay nhanh chóng đang diễn ra ở đây. Khái niệm “ấp 4 không” ngày trước giờ đã trở nên lạc hậu, thay vào đó là cụm từ “ấp 5 có” đầy kiêu hãnh...
Cách đây tròn 3 năm, trên Báo Đồng Nai có đăng tải loạt bài phóng sự phản ảnh cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn ở ấp vùng sâu Bàu Lùng hay còn gọi là “ấp 4 không” thuộc xã Bình An, Long Thành. Sở dĩ có tên gọi như trên là vì ấp có 4 cái không: không điện, không đường, không trường, không trạm xá. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm, có dịp trở lại với Bàu Lùng, chúng tôi hết sức bất ngờ vì sự đổi thay nhanh chóng đang diễn ra ở đây. Khái niệm “ấp 4 không” ngày trước giờ đã trở nên lạc hậu, thay vào đó là cụm từ “ấp 5 có” đầy kiêu hãnh...
Bỏ lại sau lưng quá khứ buồn
Trên đường đưa chúng tôi đến thăm ấp Bàu Lùng vào một ngày đầu xuân mới, vừa lái xe chạy bon bon trên con đường nhựa phẳng lì trong ấp mới được Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng, anh Nguyễn Bá Nhơn, Chánh văn phòng UBND xã Bình An bày tỏ niềm phấn khởi: “Chỉ sau 3 năm có sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực không mệt mỏi của người dân, Bàu Lùng đã vượt qua được khó khăn. Số hộ nghèo trong toàn ấp đã giảm xuống gần 70%, hiện chỉ còn 7 hộ so với 16 hộ như cách đây 3 năm, trên 95% hộ có nhà xây, trên 90% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, đường giao thông chính đi lại trong ấp được nhựa hóa 100%, ấp đã có trường mẫu giáo đảm bảo đủ chỗ học tập cho con em người dân trong ấp khi đến tuổi ra lớp.
Thu hoạch dứa tây tại hộ anh Nguyễn Kim Long. |
Cũng nhờ có điện lưới quốc gia, các hộ dân trong ấp đã khoan được giếng để lấy nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất mà không phải lệ thuộc vào nguồn nước trời”. Câu chuyện của anh Nhơn đã làm cho chúng tôi - những người đã từng chứng kiến cảnh sống hụt hơi của người dân ấp Bàu Lùng khi còn là “ấp 4 không” phải tâm phục, khẩu phục trước sự đổi thay quá nhanh chóng ở nơi này. Trong ký ức của chúng tôi, ngày ấy Bàu Lùng là ấp vùng sâu khó khăn nhất của xã Bình An, người dân ở đây chưa bao giờ được tiếp cận những thứ dịch vụ văn minh của xã hội. Do sống trong cảnh “thiếu đủ thứ” nên mọi sinh hoạt của người dân theo đó cũng khá nhọc nhằn. Việc đi lại, học hành, ăn ở, sinh hoạt, sản xuất của bà con và các cháu học sinh hết sức vất vả, cơ cực. Thời ấy, học sinh trong ấp muốn đến trường học phải vượt qua con đường đất dài nhiều cây số, mùa mưa thì lầy lội, trơn trợt bùn đất, mùa nắng thì đầy bụi đỏ với nhiều ổ voi, ổ gà. Có em không may trợt chân té ngã thì chỉ còn cách bỏ học để quay về nhà vì quần áo đã nhuốm đầy bùn đất. Và cũng do sống trong cảnh không điện nên bà con không có cơ hội để mở mang sản xuất, trồng trọt, làm dịch vụ, được nghe và xem phim ảnh, tin tức thời sự trên các phương tiện thông tin đại chúng để mở rộng tầm nhìn, đêm về phải đi ngủ sớm vì không có điện. Học sinh muốn học bài thì phải thắp đèn dầu. Cảnh vỡ kế hoạch từ chuyện sinh nở trong từng đôi vợ chồng trong ấp cứ thế kéo dài theo từng năm tháng...
Đổi đời nhờ 135
Đưa tay chỉ cho chúng tôi thấy những ngôi nhà mới xây tươm tất nằm ven hai bên con đường nhựa chạy dọc theo chiều dài của ấp, ông Huỳnh Văn Chí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, cho biết: “Giờ thì Bàu Lùng đã văn minh rồi! Nhà ai cũng sắm được phương tiện nghe nhìn, điện đóm sáng lòa, karaoke xập xình thâu đêm”. Để giúp chúng tôi hình dung rõ vấn đề, ông Chí còn cho biết, lúc ấy, cảm thông với nỗi khổ của người dân trong ấp theo nội dung bài báo đã nêu, nên ngay sau đó Huyện ủy, UBND huyện Long Thành đã cùng với các cơ quan chức năng trong huyện tổ chức đợt kiểm tra thực tế. Nhận thấy những nỗi khốn khổ của người dân ở đây, huyện đã nhanh chóng lập kế hoạch và ưu tiên dành nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi ở Bàu Lùng, từng bước nâng dần chất lượng cuộc sống của người dân trong ấp. Dựa vào nguồn kinh phí của Chương trình 135, Huyện ủy, UBND huyện đã ráo riết chỉ đạo các ngành liên quan tập trung giải quyết những cái thiếu mà ấp Bàu Lùng đang phải đối diện. Trước hết, huyện đã đầu tư mở rộng, nâng cấp và tráng nhựa con đường chính trong ấp dài hơn 4,5km để thuận tiện cho người dân đi lại. Cùng thời điểm này, lưới điện quốc gia cũng đã được kéo về ấp để phục vụ người dân, đồng thời xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân trong ấp có chỗ sinh hoạt, hội họp cũng được gấp rút xây dựng. Mới đây thôi, vào tháng 10-2011, ngôi trường mẫu giáo của ấp cũng được khánh thành, đưa vào sử dụng và đã đón gần 20 cháu đầu tiên vào năm học mới 2011-2012. Nhờ có điện, có đường, cuộc sống của người dân trong ấp Bàu Lùng đã đổi thay nhanh chóng - ông Nguyễn Kim Hòa, Bí thư chi bộ ấp Bàu Lùng góp chuyện. Ông Hòa còn cho biết thêm, từ khi trong ấp có đường thảm nhựa và điện lưới quốc gia, rất nhiều hộ gia đình trong ấp đã đồng loạt đầu tư kinh phí để xây dựng lại nhà cửa và dời ra gần đường để sinh sống cho tiện việc sinh hoạt, buôn bán giao thương với bên ngoài, từng bước biến cái ấp nghèo “4 không” ngày nào thành một nơi có cuộc sống sung túc, ổn định. Góp thêm câu chuyện với người bí thư chi bộ ấp, anh Huỳnh Văn Thọ, một người dân cư ngụ ở tổ 3, phấn khởi nói: “Kể từ khi có điện, có đường, cuộc sống của gia đình tôi nói riêng và người dân trong ấp được nâng lên thấy rõ. Nhiều hộ đã có điều kiện mở rộng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, có hộ đã nuôi hàng trăm con heo, hàng ngàn con gà với mức thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi vụ”. Đến thăm gia đình anh Nguyễn Tấn Dũng ở ấp 2 trong lúc anh cùng với các thành viên trong gia đình đang chăm sóc vườn khoai môn vụ Tết, nghe chúng tôi hỏi chuyện làm ăn, anh Dũng bày tỏ sự phấn khởi. “Trước đây, do không có điện nên bà con muốn khoan giếng để lấy nước trồng rau màu nhưng đành phải bó tay. Giờ đây có điện rồi, nhờ có giếng khoan, bà con chủ động bơm được nước tưới nên ai cũng tận dụng hết năng lực của đất để sản xuất, nhờ vậy mà có đồng ra đồng vào, cuộc sống thêm phần ổn định”.
Băn khoăn còn lại
Buổi trưa, ngồi trong ngôi nhà mới xây khá khang trang của anh Nguyễn Kim Long, tổ trưởng tổ nhân dân số 3 để uống chén rượu xuân cùng bà con trong tổ, chúng tôi còn được bà con cung cấp nhiều thông tin khá thú vị từ cuộc vượt qua đói nghèo khá ngoạn mục của người dân ở ấp Bàu Lùng.
Lớp mẫu giáo đầu tiên ở Bàu Lùng. |
Có ý kiến cho rằng, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước dành cho ấp nghèo Bàu Lùng là khá kịp thời và hiệu quả. Nhờ sự đầu tư này mà công việc làm ăn của bà con ngày một thêm khá hơn. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và giàu lên nhờ tăng gia sản xuất, có hộ mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào sản xuất, chuyên canh rau màu theo hướng hàng hóa hoặc chăn nuôi gà heo theo quy mô công nghiệp. Tới đây, theo dự kiến, bà con trong ấp sẽ liên kết lại để thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn để đưa sản phẩm rau sạch của Bàu Lùng ra thị trường phục vụ cho nhu cầu của người dân. Công việc này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của cơ quan chức năng huyện Long Thành, đặc biệt là ngành điện lực. Theo ông Nguyễn Kim Hòa, Bí thư chi bộ ấp, dù ấp đã có điện lưới quốc gia, song hiện tại vẫn còn hơn chục hộ dân ở cuối ấp thuộc tổ 3 sống trong cảnh điện phập phù. Do điện chưa được hạ thế nên số hộ này phải xài tạm điện của những hộ đầu nguồn, vì vậy điện rất yếu, không đảm bảo việc bơm nước tưới cho rau màu. Trong khi đó, tổ nhân dân số 3 là vùng đất khá thuận lợi để sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa.
Đức Việt