Báo Đồng Nai điện tử
En

Hình tượng “con rồng” trên di sản văn hóa Đồng Nai

10:01, 18/01/2012

Con rồng là một trong bốn “vật linh”, gồm: long, lân, quy, phụng. Từ lâu, con rồng được xem là biểu tượng của uy quyền hay quyền lực của nhà vua trong chế độ quân chủ phong kiến. Hình ảnh rồng tượng trưng cho vua, là “thiên tử” con trời. Những màu sắc gắn liền với con rồng thường là màu vàng (rồng vàng) là màu tượng trưng cho uy quyền của vua chúa…

Con rồng là một trong bốn “vật linh”, gồm: long, lân, quy, phụng. Từ lâu, con rồng được xem là biểu tượng của uy quyền hay quyền lực của nhà vua trong chế độ quân chủ phong kiến. Hình ảnh rồng tượng trưng cho vua, là “thiên tử” con trời. Những màu sắc gắn liền với con rồng thường là màu vàng (rồng vàng) là màu tượng trưng cho uy quyền của vua chúa…

Long trụ tiền đình và nóc mái trang trí “lưỡng long chầu pháp lam” đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.
Long trụ tiền đình và nóc mái trang trí “lưỡng long chầu pháp lam” đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong kho tàng di sản văn hóa Đồng Nai, hình ảnh “con rồng” được thể hiện trên các công trình cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, như: đình, đền, chùa, miếu… Bên cạnh đó, hình tượng “con rồng” còn được biết đến với những đề tài trang trí trên các di vật, cổ vật có giá trị hiện nay.

“Rồng” trên di tích kiến trúc

Đình làng là cơ sở tín ngưỡng dân gian thờ thần Thành Hoàng, có chức năng sinh hoạt hành chính, tín ngưỡng và văn hóa - văn nghệ của người Việt. Thế kỷ XVI -XVIII, trang trí đình làng ở miền Bắc mang đậm nghệ thuật dân gian với những đề tài, hình ảnh gần gũi với cuộc sống thực của người nông dân… Nhưng từ thế kỷ XIX trở đi, điêu khắc đình làng hầu như không còn cảnh sinh hoạt dân gian, mà chỉ trang trí hoa lá và phổ biến là đề tài “tứ linh”.

Sắc thần Tự Đức ngũ niên (1852) trang trí hình rồng đình Bình Thới, xã Bình Hòa, Vĩnh Cửu.
Sắc thần Tự Đức ngũ niên (1852) trang trí hình rồng đình Bình Thới, xã Bình Hòa, Vĩnh Cửu.

Đình làng ở Nam bộ có từ thế kỷ XVII-XVIII. Trang trí ở đình làng Nam bộ thường là đề tài tứ linh, trong đó hình ảnh “rồng” rất phổ biến. Bên trong chánh điện thường có bốn cột được trang trí với hình rồng đắp nổi uốn quanh được gọi là “long trụ”. Ngoài long trụ, đình Nam bộ còn trang trí các bao lam trước điện thờ được chạm trổ hết sức tinh vi với đề tài: tứ linh, cá hóa long, rồng, mây, hổ, hạc, long ẩn vân… Các bao lam này thường được sơn son thếp vàng rực rỡ và đôi khi có những tấm bình phong điêu khắc rất công phu. Ngoài ra, hình ảnh “rồng” còn được trang trí trên các bức hoành phi, liễn đối bên trong chánh điện với hình ảnh “lưỡng long chầu nhật” hay “lưỡng long tranh châu”, rồng và dây lá cúc cách điệu xen lẫn hoa văn hình học… được sơn son thếp vàng rất lộng lẫy.

Mặt tiền đình làng, đôi khi cũng có kiến trúc kiểu “long trụ” hoặc trang trí ở nhà võ ca trước đình tạo cho kiến trúc vừa uy nghi, chắc chắn nhưng cũng không kém phần mỹ thuật của cơ sở tín ngưỡng dân gian.

Những hạng mục trang trí hình ảnh rồng còn phải kể đến đó là cụm mỹ thuật “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long chầu nhật” hay “lưỡng long chầu pháp lam” được gắn trên các đỉnh nóc mái của các đình, chùa, miếu ở Đồng Nai và ở Nam bộ. Đặc biệt, trên một số đình, miếu của người Hoa có những tượng gốm mỹ nghệ trang trí trên mặt tiền hoặc đỉnh mái với các đề tài: cá hóa long, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nhật… Đó là những tác phẩm nghệ thuật gốm rất độc đáo, thể hiện tài năng khéo léo của thợ gốm địa phương và ý nghĩa của mỹ thuật truyền thống Trung Hoa trên các di tích kiến trúc nghệ thuật ở Đồng Nai.

  “Rồng” trang trí trên di vật, cổ vật          

“Rồng” trang trí trên cổ vật gốm

Trong kho tàng cổ vật gốm tùy táng của các dân tộc bản địa Đồng Nai có một sưu tập đồ gốm Nam Trung Hoa có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX. Trên các tô, chén gốm trang trí hình ảnh “con rồng” rất phong phú và đặc trưng. Đề tài “rồng” được thể hiện qua các họa tiết: Long ẩn vân, long triều ngọc, mây rồng…

Chén gốm hoa văn “Long ẩn vân”.
Chén gốm hoa văn “Long ẩn vân”.

“Long triều ngọc” với hoa văn con rồng ẩn dưới tán mây, đầu chầu về viên ngọc hình giọt nước lồng trong vòng tròn trên có tán mây. “Long ẩn vân” với những họa tiết rồng ẩn hiện giữa những đụn mây bay. Đặc biệt, rồng năm móng, thân rồng ẩn dưới những cuộn mây vẽ xéo song song vành ngoài chén.

Cũng đề tài “Long ẩn vân” với họa tiết rồng bốn móng ẩn sau những cụm mây hình lá đề, trang trí rất tinh xảo, đầy vẻ mỹ thuật. Xen lẫn với các cụm mây lá đề là hình rồng lộ đầu, mình, chân và đuôi. Mặt rồng trông có vẻ dữ tợn, nét vẽ tinh xảo, chân rồng có ba cựa và bốn móng. Hoặc đề tài “Long ẩn vân” nhưng ở sản phẩm khác lại được thể hiện dưới dạng hoa văn rồng ẩn trong các đám mây hình bông hoa cánh tròn, cạnh chân đế trang trí hoa văn hình vảy cá (hay vảy rồng).

Chén gốm hoa văn “Long ẩn vân”.
Chén gốm hoa văn “Long ẩn vân”.

Đặc biệt, đề tài “rồng” nhưng được trang trí khá độc đáo với đầu rồng vẽ nét đơn trong lòng chén (họa tiết phân bố dày đặc), còn mình ở bên ngoài vành chén. Bên ngoài còn trang trí nét vẽ đơn họa tiết lá mỏng mềm mại giống hình đuôi cá vàng dài, bố trí 2/3 vành ngoài chén.

“Rồng” trang trí trên gốm mỹ nghệ Biên Hòa

Trên đồ gốm mỹ nghệ Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX, nghệ nhân tài ba của xứ Biên Hòa cũng đã sáng tạo trên nền nghệ thuật điêu khắc chìm với nhiều họa tiết trang trí như: lịch sử, sinh hoạt, phong cảnh, mỹ thuật… Đặc biệt, ở từng thể loại sản phẩm (bình, ché, đôn, chậu), hình tượng “rồng” cũng được nghệ nhân Biên Hòa thể hiện với nhiều đề tài phong phú, như: rồng lá cổ cách điệu, rồng mây, lưỡng long tranh châu…

Bao lam và cột trang trí “rồng” đình Bình Thiền.
Bao lam và cột trang trí “rồng” đình Bình Thiền.

Ở bình gốm, “rồng” được thể hiện ở kỹ thuật khắc chìm hoặc vẽ dưới men và trên men với màu men xanh trắng hoặc da lươn. Trên đôn và chậu, “rồng” được thể hiện với kỹ thuật đắp nổi làm nổi bật họa tiết trang trí trên sản phẩm. Trên đôn và chân đèn, hình ảnh “rồng mây” được thể hiện với kỹ thuật chạm lộng tạo nên những mảng sáng tối và những mảng điêu khắc gốm chạm thủng theo từng đoạn thân uốn lượn của rồng và cụm mây. Men màu thể hiện thường là màu trắng.

Trang trí ở một số sản phẩm bình, bầu đèn của gốm Biên Hòa xưa lại có hình ảnh “rồng lá cổ” với họa tiết đầu rồng cách điệu hình lá, còn thân cách điệu với lá cúc rất mềm mại nhưng cũng không kém phần mỹ thuật và kỹ thuật biểu đạt ở trình độ thẩm mỹ cao.

Trên chóe gốm, hình ảnh “rồng” được thể hiện bằng kỹ thuật đắp nổi ở phần vai và thân chóe. Hình ảnh “rồng” uốn lượn vòng quanh trên vai chóe hoặc khắc chìm họa tiết giữa thân với màu men da lươn rất phổ biến. Những chóe gốm được coi là tài sản quý giá được đồng bào bản địa Chơro, Mạ, S'Tiêng, Kơho đựng rượu cần trong các dịp lễ hội cổ truyền mừng lúa mới, lễ đâm trâu, mừng nhà mới...

“Rồng” trang trí trên sắc thần

Sắc thần được xem là văn bản hành chính của nhà nước phong kiến về việc công nhận các ngôi đình thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh ở làng xã cổ truyền của người Việt. Đối với các đình làng ở Nam bộ, sắc thần được phong từ thời nhà Nguyễn cách nay khoảng hơn 200 năm.

Long trụ chánh điện chùa Sức Tứ
Long trụ chánh điện chùa Sức Tứ

Những ngôi đình ở Đồng Nai được các triều đại nhà Nguyễn gia phong sắc thần vào năm: Minh Mệnh nhị niên (1822), Thiệu Trị nhị niên (1844), Tự Đức ngũ niên (1852) và Khải Định nhị niên (1918). Hiện có 37 đình làng ở Đồng Nai còn lưu giữ được sắc thần (đa số ở TP. Biên Hòa). Sắc thần là một bản giấy súc mỏng màu vàng, chiều dài từ 1,2 - 1,5m, chiều rộng từ 0,5 - 0,6m. Trên mặt giấy có in chìm bằng dụ ngân họa tiết “long ẩn vân” với hình ảnh con rồng ẩn hiện trong đám mây. Xung quanh bản giấy có khung hoa văn gọi là giấy kim tiên, mặt sau có vẽ bạc hoa văn cuốn thư, hai chữ “Thọ”  hình vuông và dây lá.

Bình phong hình rồng và long trụ đình Tân Mỹ.
Bình phong hình rồng và long trụ đình Tân Mỹ.

Nội dung mỗi sắc thần thường thể hiện từ 5 - 11 hàng chữ Hán viết dọc từ trên xuống dưới, đọc theo chiều từ phải qua trái (lối đọc chữ Hán). Dòng cuối cùng đề niên hiệu vua và ngày tháng cấp sắc phong. Giá trị pháp lý của sắc thần là có ấn của vua màu đỏ đóng chồng lên hàng chữ đề niên hiệu, ngay vị trí hoa văn đầu rồng in chìm bên dưới. Ấn hình vuông có bốn chữ Hán viết theo lối triện “Sắc Mệnh Chi Bảo” . Mỗi triều đại vua lại phong sắc thần khác biệt nhau chút ít.

Đặc điểm của sắc thần là giấy màu vàng kim với hoa văn “long ẩn vân” in chìm với màu bạc làm tăng vẻ sang trọng và uy quyền của nhà nước phong kiến đối với văn bản do triều đình sắc phong. Sắc thần cũng tạo uy tín và danh tiếng cho ngôi đình và vị thần Thành Hoàng nhằm củng cố niềm tin vào đối tượng thờ trong tín ngưỡng dân gian. 

Ngoài các di sản văn hóa vật thể, kho tàng văn hóa dân gian của người Đồng Nai cũng có hình ảnh của “con rồng” trong ca dao tục ngữ quen thuộc như “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai” cho thấy người Đồng Nai cũng chịu ảnh hưởng khá sâu đậm về hình tượng con rồng trong đời sống văn hóa tinh thần.

 Có thể nói, hình tượng “rồng” ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong di sản văn hóa dân gian của người Đồng Nai ở vùng đất mới Nam bộ từ hơn 300 năm qua.

Nguyễn Thơ

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều