Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành tựu hoạt động đối ngoại 2011

04:01, 19/01/2012

1. THẤT CHẶT QUAN HỆ LÁNG GIỀNG

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nuớc Hồ Cẩm Đào là sự kiện lớn.

1. THẤT CHẶT QUAN HỆ LÁNG GIỀNG   

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh (tháng 10-2011).
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh (tháng 10-2011).

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nuớc Hồ Cẩm Đào là sự kiện lớn. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ niềm vui trước sự phát triển nhanh chóng của hai nước trên tất cả các lĩnh vực, nhấn mạnh sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, khẳng định tình hữu nghị là tài sản quý báu, cần được củng cố, phát triển và truyền lại cho các thế hệ sau. Sáu văn kiện lớn được ký kết trong dịp này, trong đó có: Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng Cộng sản giai đoạn 2011-2015; Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế, thương mại 2012-2016 giữa hai chính phủ; Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước... thuộc những lĩnh vực cốt lõi.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Sayasone tại Hà Nội (tháng 8-2011).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Sayasone tại Hà Nội (tháng 8-2011).

Quan hệ gắn bó giữa ba nước anh em trên bán đảo Đông Dương đem lại thành quả lớn. Sự kiện Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Mặt trận thống nhất… hai nước Việt Nam và Lào, dành chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình trên cương vị mới để đến với nhau, thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, đúng với lời Bác Hồ dạy “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”. Cũng với tình cảm và tinh thần này, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã sang thăm Campuchia, đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia lên đỉnh cao mới trên tất cả các lĩnh vực hợp tác từ thương mại, đầu tư, trao đổi văn hóa, hợp tác giáo dục - đào tạo, y tế, đến an ninh, quốc phòng và hoạt động đối ngoại...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Vương quốc Campuchia (tháng 4-2011).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Vương quốc Campuchia (tháng 4-2011).

2. CHUNG SỨC BẢO VỆ AN NINH BIỂN

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp ở biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)… Quan điểm này được cộng đồng quốc tế đề cao và ủng hộ mạnh mẽ chưa từng có. Hầu hết mọi diễn đàn khu vực và toàn cầu khi bàn về an ninh và phát triển đều khẳng định trách nhiệm mình đối với biển Đông.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN (tháng 11-2011).
Các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN (tháng 11-2011).

Điển hình là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Bali, Indonesia. Mười nước khu vực, tám nước đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Autralia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ) và đại diện Liên hợp quốc nhất trí triển khai việc xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông” (COC) mang tính pháp lý thực thi Tuyên bố DOC. Các văn kiện hội nghị chỉ rõ: Kịch bản về an ninh khu vực là chặt chẽ. ASEAN tự tin trong việc giải quyết mọi bất đồng bằng ngoại giao. Phía nào dùng vũ lực sẽ bị loại khỏi tiến trình này. Tuyên bố của EAS khẳng định nguyên tắc giải quyết mọi tranh chấp dựa trên công pháp quốc tế. Lần đầu dự hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ: Biển Đông gắn với quyền lợi của mọi quốc gia, trong đó có Mỹ. Mỹ hoan nghênh COC và  đặt trọng tâm hoạt động đối ngoại của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng xác định: An ninh biển Đông liên quan đến an ninh toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Indonesia (tháng 11-2011).
Các nhà lãnh đạo dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Indonesia (tháng 11-2011).

“Biển Đông gắn với quyền lợi của mọi quốc gia”, “An ninh biển Đông liên quan đến an ninh toàn cầu”, điều này đã và đang được chứng minh cụ thể. Bởi, biển Đông nằm trên tuyến thông thương huyết mạch của các nước Nam Thái Bình Dương tới Đông Nam Á và Bắc Á; biển Đông nằm trên tuyến chuyên chở dầu lửa và khí đốt của các nước Nam Á và Trung Đông sang Viễn Đông. Biển Đông là một trong những điểm quan trọng trong việc thông thương và gắn kết Âu - Á. Các nước thuộc châu Phi và châu Mỹ cũng chung xu thế này. Lại nữa, biển Đông nằm trên tuyến đường vận chuyển hàng hóa của các nước Đông Bắc Á tới hàng trăm nước. Như ngàn suối đổ vào sông,  ngàn sông hòa vào biển cả, ý chí gìn giữ cho biển Đông yên bình, tránh xảy ra biến cố xấu là ý chí của chung nhân loại.

3. MỞ RỘNG QUAN HỆ QUỐC TẾ

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bên phải) dự Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nền kinh tế  APEC13-11 tại Honolulu, Hawai, Mỹ (tháng 11-2011).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bên phải) dự Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nền kinh tế APEC13-11 tại Honolulu, Hawai, Mỹ (tháng 11-2011).

Năm 2011, Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ hợp tác quốc tế cùng phát triển, gây thêm tiếng vang và uy tín. Điển hình là những đề xuất của chúng ta mang tính cấp thiết trên phạm vi toàn cầu được hội nghị APEC tổ chức tại Honolulu, Hoa Kỳ đưa vào chương trình nghị sự, như: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước; Hỗ trợ các chương trình hợp tác tiểu vùng; Tăng cường các dự án xóa đói giảm nghèo; Nỗ lực chuyển giao công nghệ sản xuất sạch; Hợp tác ứng phó thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu; Quan tâm thỏa đáng đến tính đa dạng và hệ thống pháp luật khác nhau của các thành viên trong việc triển khai các chương trình hợp tác...

Thủ tướng Đức được chào đón nồng nhiệt khi vừa đáp chuyến bay xuống Tân Sơn Nhất  dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức (tháng 10-2011).
Thủ tướng Đức được chào đón nồng nhiệt khi vừa đáp chuyến bay xuống Tân Sơn Nhất dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức (tháng 10-2011).

Trong hoạt động quốc tế, Việt Nam tiếp tục nhận được sự hợp tác vô giá của cộng đồng quốc tế. Các chuyến thăm hữu nghị lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo nước ta và các nước bạn đã và đang làm dày thêm số lượng các dự án hợp tác phát triển. Điểm nổi bật là bên cạnh những lĩnh vực hợp tác song phương và đa phương mang tính phổ cập như đã có, nay xuất hiện thêm nhiều lĩnh vực mới, như sử dụng năng lượng nguyên tử, khám phá vũ trụ, phát triển công nghệ cao, khai thác tài nguyên quý hiếm, đối phó với thảm họa biến đổi khí hậu và nở rộ lĩnh vực hợp tác quốc phòng, từ thiết lập đối thoại, chia sẻ thông tin, tuần tra chung, đến tham quan các cơ sở quân sự, đào tạo sĩ quan chuyên ngành. Điều tốt đẹp nữa là trong mọi cuộc tiếp xúc giữa ta và bạn, nguyện vọng nâng quan hệ hữu nghị lên tầm “Hợp tác toàn diện” hoặc “Đối tác chiến lược” được đề cập (như với Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Srilanka, Ấn Độ, Uzebkistan, Ukraine, Estonia, Luxembourg, Đức, Hà Lan, Belarus, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Canada, Mỹ, Mexico, Paraguay, Chile... Cũng đà này, quan hệ Việt Nam - Israel, Việt Nam - Vatican được tăng cường...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Kinh tế, nông nghiệp và đổi mới Hà Lan  Maxime Verhagen (tháng 9-2011).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Kinh tế, nông nghiệp và đổi mới Hà Lan Maxime Verhagen (tháng 9-2011).

“Chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hoạt động đối ngoại”, điều mà Đại hội lần thứ XI Đảng xác định đã và đang tiếp tục mở đường cho đất nước gặt hái nhiều thành quả, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Dương Quang Minh

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều