Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản vật hồn quê

03:01, 19/01/2012

Cơn lốc đô thị hóa với hàng loạt… đã mang đến cho người dân quê nhiều cơ hội học hành, làm việc… nhưng cũng “lấy” đi không ít thứ. Đó là những cảnh quê, vườn cây, bóng dừa, ao cá… hay giản dị nhất là làn khói trắng bốc lên từ những mái nhà. Song, “lục lọi” ở vài vùng đất, vẫn thấy đây đó thứ mùi vị nhà quê thân thuộc, đặc biệt qua những món ăn quê mùa ngon nức tiếng.

Cơn lốc đô thị hóa với hàng loạt… đã mang đến cho người dân quê nhiều cơ hội học hành, làm việc… nhưng cũng “lấy” đi không ít thứ. Đó là những cảnh quê, vườn cây, bóng dừa, ao cá… hay giản dị nhất là làn khói trắng bốc lên từ những mái nhà. Song, “lục lọi” ở vài vùng đất, vẫn thấy đây đó thứ mùi vị nhà quê thân thuộc, đặc biệt qua những món ăn quê mùa ngon nức tiếng.

Làng quê Phú Hội
Làng quê Phú Hội

Ai đến Phú Hội, Nhơn Trạch nhiều lần, hỏi những cụ già quê sẽ phần nào lý giải được vì sao vùng đất này trù phú đến vậy với hàng loạt món đặc sản: trà Phú Hội, khoai môn Phú Hội, cau, trầu, bòn bon, sầu riêng, chôm chôm… mà thứ nào cũng ngọt ngon, thơm thảo. Ngoài những sản vật tự nhiên, Phú Hội cũng nổi danh với những món ăn ngon từ bàn tay khéo léo, tảo tần của người Phú Hội.

Giếng Mạch Bà, trà Phú Hội

Bà Nguyễn Thị Nhạn, 81 tuổi đã mấy đời ở đất Phú Hội này và cũng chừng ấy thế hệ phụ nữ trong gia đình bà gắn với nghề làm bún. Theo một chị cán bộ phụ nữ nơi đây, bún do gia đình bà Nhạn làm ngon nhất xứ này. Những người phụ nữ trong gia đình bà Nhạn mười mấy tuổi đã giỏi làm bún. Học nghề từ mẹ, cả đời bà gắn với việc làm bún và nay người con gái trên 50 tuổi của bà vẫn giữ cái nghiệp này. Bà Nhạn chia sẻ, cái nghề này vất vả lắm, nhất là thời mọi công đoạn đều làm bằng thủ công, từ khâu xay, giã đến nhồi bột. Giờ phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn, có bếp gas, nồi inox, không còn lọ mọ củi lửa như xưa nhưng công việc này vẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù nên thường do phụ nữ làm.

Làm bún ở nhà bà Nhạn.
Làm bún ở nhà bà Nhạn.

Bánh bèo Phú Hội do bà Nguyễn Thị Phúc làm cũng ngon nổi tiếng ở miệt này. Bà Phúc đã gắn với nghề đổ bánh bèo hơn 20 năm. Giờ, hầu như ngày nào cũng có khách đặt bánh, bà thường nhận làm 30 - 50 kg bánh/ngày. Nhiều người từ Bình Dương, Tây Ninh, Củ Chi cũng đặt bánh của bà. Nhiều người có con đi du học nước ngoài cũng đặt bánh ở đây mang đi vì bánh bèo là món ăn hương vị quê nhà ai đi xa cũng nhớ. Bà Phúc từng tham gia hội chợ giới thiệu món bánh bèo Phú Hội với khách phương xa, nhiều đoàn khách nước ngoài tìm đến tận nhà chỉ để thưởng thức món đặc sản miền quê này. Để món bánh ngon, người làm phải tỉ mỉ, khéo léo, lọc kỹ để bánh sạch sẽ, ngon mắt. Bánh bèo không sử dụng chất hàn the hay loại phụ gia nào khác nhưng miếng bánh vẫn mỏng, dai và để lâu vẫn giữ được mùi vị thơm ngon.

Bánh bèo mắm xắt, mắm bằm là món ăn gắn với văn hóa ẩm thực của người Phú Hội từ xưa đến giờ. Đám hỏi luôn có món bánh bèo; đám giỗ cũng không thể thiếu; bánh bèo chay thì thường được các bà, các thím mang lên cúng chùa hoặc tham gia các kỳ lễ hội tại địa phương. Thời xưa, những người phụ nữ ở Phú Hội đều biết đổ bánh bèo. Bà Phúc cũng học cách làm bánh từ mẹ của mình.

Vùng quê Phú Hội qua mấy mươi năm, nhiều nơi đã lên phố, nhà bà Phúc cũng xây biệt thự nhưng vẫn giữ nếp sống của người nhà quê. Bà vẫn giữ đất vườn bao quanh nhà, trồng đủ cây rau màu, hoa trái, từ dây bầu, dây bí đến cây ớt, vườn rau. Nhiều đoàn khách du lịch đến nhà, bà ra vườn cắt rổ rau, đổ bánh bèo đãi khách. Ta còn tìm thấy chất quê hồn hậu ở những con người nơi đây với cách sống chí thú mần ăn, thảnh thơi về tinh thần, sống chan hòa với bà con lối xóm. Gần nửa cuộc đời gắn với việc chạy chợ nhưng bà Phúc vẫn giữ được nét chân chất, dễ gần của người phụ nữ nông thôn. Bà biết làm rất nhiều món ăn đặc sản Phú Hội. Món cơm rượu bà nấu bằng nếp cái hoa vàng, viên nếp không bị bở, nước rượu trong veo. Khách đến nhà, người phụ nữ nông thôn ấy xởi lởi giới thiệu món môn sáp luộc trồng tại vườn nhà, giống khoai hiếm, nổi tiếng ngon của đất Phú Hội giờ không còn tìm thấy trên thị trường.

Khách du lịch thưởng thức bánh bèo mắm xắt Phú Hội.
Khách du lịch thưởng thức bánh bèo mắm xắt Phú Hội.

Kể về những đặc sản miền quê nơi này, bà Phúc miên man không dứt: Phú Hội nổi tiếng về trầu cau, nhiều loại trái cây ngon… Nói về vùng quê này, ai cũng biết “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội”. Trà Phú Hội thanh mát, hương thơm đặc trưng vì được nấu bằng 3 loại lá: ngoài trà xanh còn có hai loại trà phật và lá ren - “đặc sản” chỉ thấy ở vùng Phú Hội. Tuy cách chế biến cũng khá công phu nhưng ngày nay nhiều hộ dân nơi đây vẫn tự trồng trà, hái lá phơi khô làm trà uống. Giờ, sản vật ở vùng đất trù phú này không còn dồi dào như xưa nhưng nhiều hộ nông dân vẫn gìn giữ được một số đặc sản: trà nhà chị Bé, vườn bòn bon nhà ông Sáu Ren, sầu riêng rẫy ông Tư Nô… Và từ giếng Mạch Bà, dòng nước trong mát vẫn len lỏi chảy khắp các thửa vườn Phú Hội, góp phần gìn giữ nét quê, làm nên những sản vật thiên nhiên nức tiếng xa gần. 

Một mai bánh tráng…

Cứ mỗi tháng chạp về, làng bánh tráng ở ấp 3, xóm Miễu, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, lại rộn ràng không khí làm bánh Tết. Bình thường, cả xóm chỉ có khoảng gần chục lò bánh nổi lửa thường xuyên, nhưng đến tháng chạp âm lịch, mọi người đi làm ở khắp nơi lại tập trung về xóm, đắp lò tráng bánh bán Tết. Đây cũng là thời điểm thu hoạch lúa mùa, loại lúa 6 tháng thu hoạch cho ra thứ gạo mới, dùng để tráng bánh rất ngon, khác hẳn những loại gạo ngắn ngày. Bánh tráng Thạnh Phú được nhiều nơi biết tiếng không những vì đây là loại bánh tráng làm hoàn toàn từ bột gạo theo cách làm thủ công truyền thống mà còn ở kỹ thuật tráng bánh, phơi bánh. Dụng cụ làm bánh tráng dù chỉ có một món “hiện đại” là máy xay bột, còn lại đều là những dụng cụ lâu đời của dân Thạnh Phú như vỉ phơi bánh, nồi, thau, lò đun và bao đời nay, người dân xóm này vẫn tráng bánh bằng bếp lò đun bằng vỏ trấu.

Tráng bánh ở xóm Miễu, Thạnh Phú.
Tráng bánh ở xóm Miễu, Thạnh Phú.

Khoảng 4 giờ sáng, người làm bánh đã phải thức dậy chuẩn bị mọi thứ và khoảng 5 giờ nổi lửa tráng bánh, đến tầm trưa là hoàn tất công việc, phơi nắng đến chiều là bán được. Anh chị Bảy Tấn, một trong những lò tráng bánh lâu đời ở đây, cho biết mỗi ngày một lò bánh tráng khoảng 10kg gạo, cho ra khoảng 600 - 700 bánh, lò cũng chỉ nổi lửa nửa buổi là xong. Những tháng khác trong năm, ở đây chỉ có khoảng 10 lò tráng bánh, nhưng một tháng trước Tết, cả xóm tăng lên khoảng 20 lò, liên tục hoạt động. Một người tráng bánh lâu năm nhận định, hiện nay nghề tráng bánh cũng ít nhiều bị mai một, chỉ một số hộ còn theo nghề, chứ trước đây xóm có bao nhiêu nóc nhà là có bấy nhiêu lò tráng bánh đỏ lửa thường xuyên. Không chỉ con gái xứ này giỏi làm bánh tráng, mà con gái xứ khác về làm dâu xóm Miễu cũng đều phải học nghề.

Phơi bánh ở xóm Miễu, Thạnh Phú
Phơi bánh ở xóm Miễu, Thạnh Phú

Bánh tráng Thạnh Phú giờ được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, qua cả Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bà Hồ Thị Tho cho biết, làm nghề bây giờ không được như thời trước, chỉ dựa vào lò bánh, nhiều gia đình có thể nuôi 4 - 5 người con ăn học nên người. Bây giờ, khu công nghiệp mọc ra nhiều, thanh niên đi làm công nhân hoặc đi làm tứ xứ, chứ ít ai chịu theo nghề vì làm bánh tráng gặp khó khăn về đầu ra. Lớn tuổi, vợ chồng bà Tho đã ngừng tráng bánh. Nhưng hễ Tết về, nhớ nghề ông bà lại nổi lửa, một người tráng, một người phơi. Và như một cái duyên, bánh phơi nắng tháng chạp là hợp nhất, như “gái sắc” gặp “trai tài”.

Vi Lâm - Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều