Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảng, Bác Hồ và những quyết định lịch sử

11:02, 10/02/2010

Lịch sử 80 năm qua của dân tộc Việt Nam cùng những thành quả vĩ đại mà nhân dân ta đạt được luôn gắn chặt với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn chặt với tên tuổi của một con người vĩ đại: Hồ Chí Minh. Trong chặng đường gian lao thử thách nhưng đầy vinh quang ấy, đặc biệt là những thời khắc cam go của lịch sử dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những quyết định đúng đắn biến những thách thức cam go thành thời cơ thuận lợi để dân tộc ta vượt lên và đi tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lịch sử 80 năm qua của dân tộc Việt Nam cùng những thành quả vĩ đại mà nhân dân ta đạt được luôn gắn chặt với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn chặt với tên tuổi của một con người vĩ đại: Hồ Chí Minh. Trong chặng đường gian lao thử thách nhưng đầy vinh quang ấy, đặc biệt là những thời khắc cam go của lịch sử dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những quyết định đúng đắn biến những thách thức cam go thành thời cơ thuận lợi để dân tộc ta vượt lên và đi tới.

 

Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc lãnh đạo phong trào cách mạng vào ngày 28-1-1941, nhiều quyết định lịch sử của Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh đã có tác động trực tiếp, quyết định đến những thành công của cách mạng Việt Nam.

 

Năm 1941, chiến tranh thế giới lần thứ 2 lan rộng, cả châu Âu tràn ngập khói lửa chiến tranh. Tháng 9-1940, phát xít Nhật mở cuộc xâm lược Việt Nam. Chẳng những không bảo vệ nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp ở Đông Dương còn câu kết với phát xít Nhật thống trị và đàn áp nhân dân ta; đặt nhân dân ta vào tình cảnh “một cổ hai tròng”. Lúc này, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với phát xít, thực dân trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

 

Trên cơ sở nhận định khả năng diễn biến của chiến tranh thế giới lần thứ hai và căn cứ vào tình hình cụ thể trong nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đã họp Hội nghị lần thứ 8 (tháng 5-1941) và quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tất cả các mục tiêu, lợi ích khác đều phải phục vụ cho mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc; quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp tất cả các lực lượng, giai tầng đoàn kết bên nhau cứu nước, cứu giống nòi. Quyết định xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và xem đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta.

 

Tất cả những quyết sách đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân ấy đã thúc đẩy mạnh mẽ cao trào giải phóng dân tộc để khi thời cơ đến vào năm 1945, cả dân tộc Việt Nam theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đã vùng lên với sức mạnh “chuyển núi, dời sông”, đập tan xích xiềng của hơn 80 năm nô lệ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của chính mình, là người chủ thật sự của đất nước.

 

Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách đó là nạn đói, nạn dốt, ngân quỹ trống rỗng, nền độc lập chưa được các nước công nhận...; thù trong, giặc ngoài. Đặc biệt, 20 vạn quân Quốc Dân đảng Trung Hoa với danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật tràn vào miền Bắc nhưng thực chất là để lật đổ chính quyền non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu lập chính quyền tay sai bù nhìn để cai trị dân ta. Ở miền Nam, được quân Anh hậu thuẫn, thực dân Pháp nổ súng quay trở lại xâm lược nước ta sau khi đồng bào ở miền Nam mới được hưởng độc lập vỏn vẹn 21 ngày.

 

Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”; Hồ Chủ tịch cùng Chính phủ và Trung ương Đảng ta đã kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn: diệt giặc dốt, giặc đói; huy động tổng thể sức mạnh của nhân dân chống xâm lược. Để tập trung lực lượng đánh đuổi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tiếp ký các điều khoản tạm thời nhân nhượng khi thì với quân Tưởng, khi với Pháp để bảo vệ độc lập dân tộc. Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài bủa vây bốn phía, bằng thiên tài lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền độc lập của dân tộc đã được giữ vững. Ngày 6-1-1946, trước họng súng của quân thù, cử tri cả nước đã tham gia bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên và sau đó là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định đầy đủ cơ sở pháp lý của chính quyền dân chủ nhân dân. Những quyết sách đúng đắn đó đã bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức bước vào giai đoạn cách mạng mới với kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, giải phóng nửa nước, đưa miền Bắc tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược sau này.

 

Trước khi thực dân Pháp buộc phải ký kết hiệp định Geneve (21-7- 1954) về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương thì từ ngày 15-7-1954, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam là đế quốc Mỹ “Mỹ là kẻ thù chính của hòa bình thế giới, ta phải tập trung lực lượng chống đế quốc Mỹ”.

 

Thực tế diễn ra không ngoài tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đế quốc Mỹ phá hoại hiệp định Geneve, hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai tàn bạo ở miền Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình cảnh đồng bào và chiến sĩ ở miền Nam phải sống trong cảnh kìm kẹp, khủng bố gắt gao của chế độ phát xít bù nhìn; Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ yêu cầu bức thiết của cách mạng miền Nam là phải tiến hành đấu tranh vũ trang chống lại sự đàn áp của kẻ thù. Trước tình hình ấy, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) năm 1959 về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam. Nghị quyết này là một bộ phận hữu cơ trong đường lối cách mạng, đường lối chống Mỹ cứu nước của Đảng ta được thông qua tại Đại hội lần thứ 3 năm 1960. Đây là một tháo gỡ quan trọng nhất tìm hướng đi đúng đắn nhất, phù hợp nhất cho cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 đã chuyển chiến lược từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù, chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động tấn công, tạo nên bước tiến nhảy vọt cho cách mạng miền Nam đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng.

 

Ngày 30-4-1975, Quân giải phóng chiếm Dinh Độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng. 

Vào những năm giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX, Đảng ta đã nhận ra những bất cập, hạn chế của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nên đã khởi xướng và lãnh đạo kiên trì công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đưa đất nước vượt qua những thử thách gay gắt nhất và thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Bằng thiên tài lãnh đạo của mình, Đảng ta xác định con đường đi phù hợp với cách mạng Việt Nam đó là đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế và từng bước đổi mới về chính trị. Từ một nền kinh tế bên bờ vực thẳm với lạm phát trên 700%; nông nghiệp, công nghiệp kiệt quệ, là nước nhân dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm; sau hơn 23 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế tăng trưởng cao nhiều năm liền, bước đầu đã hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ một nước nhập khẩu lương thực “kinh niên”, Việt Nam đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng lãnh đạo ngày càng được củng cố và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã trở thành hình mẫu tiêu biểu về xóa đói, giảm nghèo, về phát triển kinh tế được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao với sự kiện năm 2007 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - cơ quan quyền lực nhất của tổ chức này; đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN v.v...

 

Cầu Ghềnh về đêm. (Ảnh: Vũ Duy Thông)

Nhìn lại lịch sử dân tộc suốt chặng đường từ khi có Đảng, điểm lại những thành quả vĩ đại mà dân tộc ta đạt được trong đấu tranh giải phóng đất nước cũng như xây dựng đất nước trong hòa bình đều mang những dấu ấn của những quyết sách trên tầm tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Những quyết sách ấy mãi mãi là bài học sâu sắc đối với Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 

Vũ Trung Kiên

 

 

 

Tin xem nhiều