Báo Đồng Nai điện tử
En

Với Đồng Nai

03:01, 17/01/2009

Tôi không nhớ lần đầu đến Đồng Nai khi nào, nhưng trong ý niệm của mình Đồng Nai là một trục lộ đi từ thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Đông và có một đường rẽ lên Đà Lạt, một đường rẽ ra biển Vũng Tàu. Đó là thành phố Biên Hòa đông đúc và những khu công nghiệp ngày càng quy mô nêm dọc con đường quốc lộ xen với những vạt rừng cao su xanh rì bò dần lên Tây nguyên...

Tôi không nhớ lần đầu đến Đồng Nai khi nào, nhưng trong ý niệm của mình Đồng Nai là một trục lộ đi từ thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Đông và có một đường rẽ lên Đà Lạt, một đường rẽ ra biển Vũng Tàu. Đó là thành phố Biên Hòa đông đúc và những khu công nghiệp ngày càng quy mô nêm dọc con đường quốc lộ xen với những vạt rừng cao su xanh rì bò dần lên Tây nguyên...

Tóm lại, với tôi khi đó Đồng Nai chỉ là môt trục đường của kẻ vãng lai. Thế rồi ấn tượng đầu tiên đến với tôi lại chính là ứng xử của con người Đồng Nai đối với mảnh đất của mình. Tôi được mời vào để tư vấn cho việc hoàn thiện công trình Văn miếu Trấn Biên trong bối cảnh cả nước chuẩn bị cho lễ hội 300 năm Nam bộ minh định vào lãnh thổ Đại Việt (1698-1998).

Dâng lễ vật cúng các bậc tiền hiền được thờ tại Văn miếu Trấn Biên.

Thành thật mà nói, đó cũng là lần đầu tiên tôi "tạt" vào thành phố Biên Hòa. Quy mô và những ý tưởng lớn của lãnh đạo tỉnh gửi gắm vào công trình Văn miếu Trấn Biên vào thời điểm đó làm tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về vùng đất này để nhận thức sâu sắc hơn những gì đã được viết trong sử sách. Về một vùng đất đã được coi là trái tim của công cuộc mở mang vùng đất phương Nam mà sự định vị của một thiết chế văn hóa luôn có vị thế quan trọng trong xã hội truyền thống. Đó là Văn miếu Trấn Biên. Điều có thể hình dung được là chính từ nguồn lực Đồng Nai (vượt khỏi giới hạn của một không gian hành chính hiện tại) mà Gia Định - Sài Gòn nổi lên để cùng với thời gian, nó trở thành một trung tâm mang tính đô thị của thời cận và hiện đại, phát triển cho đến hôm nay.

Cách đây không lâu, một cuộc hội thảo khoa học về di chỉ khảo cổ học Nam Cát Tiên tổ chức ở Lâm Đồng. Một khu thánh địa khá hoành tráng đã được khai quật gợi lên sự tiềm ẩn trên không gian bên kia sông nay thuộc địa phận Tân Phú, Đồng Nai nhiều dấu tích về một nền văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa từ trước các quốc gia cổ như Phù Nam, Thủy Chân Lạp, lại là sự bổ sung và tiếp nối của các nền văn hóa đã được định danh như Óc Eo hay Sa Huỳnh... Những vấn đề khoa học như chủ nhân của nó là ai rồi định vị niên đại ra sao... có thể còn bàn luận tiếp, nhưng sự nhất trí của những người tham gia hội thảo đều hướng về mối liên hệ giữa di chỉ này với không gian của vùng đất Đồng Nai thời tiền sử và sơ sử. Và nhiều người còn liên hệ đến một cái địa danh đã từng tồn tại đến thời cận đại đó là tên gọi "Đồng Nai Thượng"...

Rồi duyên nợ sao mà từ 7 năm nay, tôi lại gắn bó với mảnh đất này như một đại biểu của Đồng Nai. Có người hỏi vì sao mà tôi lại gắn với Đồng Nai? Câu trả lời đơn giản khi tôi viết vào bản đăng ký lựa chọn nơi ra ứng cử. Chính Văn miếu Trấn Biên hút tôi đến sự lựa chọn ấy. Và, những gì tôi trải nghiệm trong 7 năm qua 2 nhiệm kỳ càng làm sâu sắc hơn cái cảm nhận của tôi về Đồng Nai, miền đất chứa đựng một sức sống mạnh mẽ. Sức sống ấy không chỉ thể hiện trong GDP, trong những không gian của một công trường xây dựng sôi động. Sức sống ấy còn thể hiện ngay cả những nghịch lý, những mâu thuẫn bộc lộ mặt trái của phát triển với ô nhiễm môi trường thiên nhiên và cả môi trường xã hội; của phân hóa giàu nghèo, của những tấm gương phấn đấu và những tiêu cực xã hội, của những không gian phát triển và những không gian suy thoái v.v... Và, chính từ cái hiện thực chứa đựng nhiều nghịch lý ấy, mà công cuộc xây dựng, phát triển cũng gắn với cuộc đấu tranh hướng tới những mục tiêu tiến bộ và tốt đẹp hơn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (ngồi đầu tiên bên phải) tại Lễ an vị tượng Nguyễn Tri Phương tại TP. Biên Hòa.

Mùa Xuân này, tôi may mắn được tham dự một đêm trong Tuần hội kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai phấn đấu và phát triển. Tôi vinh dự có mặt trong sự kiện yên vị bức tượng vị lão tướng anh hùng Nguyễn Tri Phương, người đã chỉ huy phòng thủ trên đất Đồng Nai để đương đầu với chủ nghĩa thực dân xâm lược nước ta ở giữa thế kỷ XIX vào ngôi đền thờ Ngài bên bờ sông Đồng Nai giữa thành phố Biên Hòa. Và trước đó, một bức tượng bán thân của một chiến sĩ cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống xâm lược ở thế kỷ XX - Đại tá Trần Công An, con người bằng xương bằng thịt mà mình đã có cơ hội tiếp xúc được trang trọng đặt trong Bảo tàng Đồng Nai...

Bước vào mùa Xuân mới, nghĩ về Đồng Nai là nghĩ đến một niềm tự hào và cũng là nghĩ đến những bổn phận của mình đối với mảnh đất mà mình đã gắn bó.

Xuân Kỷ Sửu

Dương Trung Quốc

Tin xem nhiều