Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người làm đẹp các ngôi đình

02:01, 17/01/2009

Công việc mưu sinh thường ngày của họ là làm thợ hồ, thợ sơn, thợ mộc, vẽ tranh... nhưng khi đã vào đình Tân Lân làm công quả thì tất cả được gọi chung là thợ đình. Ngoài tay nghề giỏi, đã là thợ đình thì phải rèn thêm sự tỉ mỉ, lòng nhiệt tâm và không được nghĩ đến... tiền thù lao.

Công việc mưu sinh thường ngày của họ là làm thợ hồ, thợ sơn, thợ mộc, vẽ tranh... nhưng khi đã vào đình Tân Lân làm công quả thì tất cả được gọi chung là thợ đình. Ngoài tay nghề giỏi, đã là thợ đình thì phải rèn thêm sự tỉ mỉ, lòng nhiệt tâm và không được nghĩ đến... tiền thù lao.

* Người họa sĩ ở đình

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lưu Minh Hồng (Hai Hồng) cứ lập cà, lập cập. Nhiều lúc ông cứ nói tới, nói lui một câu chuyện, hoặc liên tục nhắc chúng tôi bí danh của ông là Lưu Hồng chứ không phải Hai Hồng. Cái tên Hai Hồng chỉ mới "nổi" lên, khi ông mượn đình Tân Lân làm nhà. Thế nhưng, khi Hai Hồng đã ngồi vào bàn làm việc, thì mắt như dán vào pho tượng, tay run run chấm, quẹt... lặng thầm như pho tượng, hỏi gì cũng không trả lời.

Ông Hai Hồng đang tô lại bức tượng Quan Âm.

Có lẽ vì cuộc đời của ông Hai Hồng quá lận đận, 4 lần lấy vợ và đã có vài đứa con, nhưng cuối đời vẫn phải thui thủi, nương đình Tân Lân vẽ, sơn tượng để kiếm sống. Ông kể: “Khi cải lương và chiếu phim màn ảnh rộng ăn khách, công việc của tôi là vẽ pa-nô để giới thiệu tuồng, nội dung phim, diễn viên, kép hát cho các rạp như: Khánh Hưng, Nam Hà, Thanh Bình... Khi các rạp hát ế ểm, thì tôi chuyển sang vẽ pa-nô, áp-phích, bảng hiệu cho các hàng quán, trụ sở. Rồi công nghệ vi tính và dán đề-can đánh h?ng nồi cơm của tôi. Nay thì hết ai cạnh tranh với tôi. Cứ đủng đỉnh bám nó, tôi cũng đủ sống một mình".

Nghĩ suy một hồi lâu, rồi ông Hai Hồng giãi bày thêm: "Huy hoàng một thời, giờ nghĩ lại thêm thấm thía. Đời tôi hết bị vợ chê, lại bị đệ tử phản, may mà còn cửa đình làm chốn nương thân".

* Thợ đình

Anh Nguyễn Minh Đoàn, thành viên Ban tế lễ đình Tân Lân cho biết: "Những người tham gia tu sửa đình Tân Lân được chia theo 3 nhóm nghề: nhóm thợ sơn quét (thợ hồ và thợ sơn), nhóm thợ mộc và nhóm thợ trang trí tượng, tranh ảnh. Chúng tôi không chỉ làm đẹp cho riêng đình Tân Lân mà sẵn sàng đi làm công quả giúp các đình, chùa, miếu khác khi họ yêu cầu".

Còn anh Lý Kim Hoàng, thì cho biết thêm: "Tất cả anh em thợ đình đều phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc, không được làm cẩu thả hay làm qua quýt cho xong việc. Tuy làm không công, nhưng anh em ai nấy đều vui vẻ và hãnh diện khi được bá tánh viếng đình, khen đẹp”.

Điều lạ là, tất cả thợ đình đều là người có tuổi, thấp nhất cũng trên 45, còn lại đều 60 tuổi trở lên. Ông Ba Lộc, thành viên tổ thợ sơn quét đình Tân Lân, nói: "Chúng tôi làm công việc này chủ yếu là phát tâm, tích thiện cho con cháu. Cũng là thợ hồ, thợ sơn nhưng sơn, tô đình thì đâu phải ai cũng làm được. Phải có tâm, thì đường sơn mới thẳng, mới có hồn".

Ông Sáu Thạnh chỉ vào vết mối mọt đục đã được phục chế.

"Tất cả bàn ghế ở đây đều do bàn tay chúng tôi đóng. Nhóm thợ mộc chúng tôi có 3 người, nhiệm vụ chỉ là trùng tu những hư hỏng nhỏ như: phục hồi cánh cửa, đắp lại chân cột bị mối mọt, thay rui mè đơn giản. Khi đình cần sửa chữa lớn thì đã có thợ Huế, thợ Bắc làm" - thợ đình Lê Văn Thạnh (Sáu Thạnh) - nhóm mộc cho biết.

* Thương hiệu thợ đình Tân Lân

Nói đến tay nghề thợ đình Tân Lân, thì "họa sĩ" Hai Hồng là người xuất sắc nhất. Ông thường được các đình, chùa, miếu mời về tô rồng, tô phụng, đắp phong cảnh, tô tượng và vẽ lại chữ Hán, chữ Nôm. Chính nhờ công việc này mà Hai Hồng còn đất để dụng võ và sống, lại có tiền mua radio để bầu bạn khi một mình cô quạnh ngồi trong đình tô rồng, vẽ phượng. Đáng lẽ, với tay nghề “độc nhất vô nhị” ở Đồng Nai, Hai Hồng có quyền kê giá cao, nhưng nay ông đã thấm thía: "Làm cho cá nhân thì tôi chỉ lấy tiền công tượng trưng, còn làm cho đình, chùa, miếu thì tùy tâm. Họ cho bao nhiêu, lấy bấy nhiêu. Tôi đâu dám đòi hỏi như thuở chưa ở đình".

Nghe Hai Hồng nói vậy, anh Lý Kim Hoàng cũng xen vào: "Thợ đình thường là dạng "sống lâu lên lão làng". Tôi làm riết cũng quen tay, quen mắt. Tuy không biết chữ Hán, chữ Nôm nhưng tô trật một nét là tôi biết ngay. Do nhóm thợ đình Tân Lân làm việc cẩn thận, có tay nghề, nên các chùa, đình bạn thường nhờ anh em chúng tôi đến hỗ trợ".

Riêng ông Đinh Đăng, tổ sơn quét đình Tân Lân, cho biết thêm: "Nhiều khi không cần họ mời, miễn thấy đình, miếu nào lâu ngày chưa sơn quét thì chúng tôi đến “xin” được làm công quả. Họ rất mừng vì được thợ “chiến” đình Tân Lân đến giúp sức”.

Kết thúc lễ hội 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai, thợ đình Tân Lân lại bắt tay vào trang hoàng nơi thờ tự, khuôn viên để đón Tết Kỷ Sửu và lễ cúng Đức ông Trần Thượng Xuyên (8-1 Âm lịch). Tuy vậy, ông Hai Hồng vẫn có thời gian để mưu sinh và luyện nghề.

ĐOÀN PHÚ

Tin xem nhiều