Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi và ông đồ

05:01, 28/01/2022

Khoảng 1 năm trước khi kết thúc thế kỷ XX, tôi là giáo viên thỉnh giảng đang dạy tại Trường cao đẳng Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Trong giờ ra chơi, một nữ sinh mang đến tặng tôi cuộn giấy đỏ và nói: "Chuẩn bị đón năm mới, em viết mấy chữ tặng thầy, chúc thầy vui vẻ và hạnh phúc". Nói xong, cô gái mở giấy ra để tôi đọc dòng chữ "Cung chúc tân Xuân" được viết mực đen trên khổ A4.

Khoảng 1 năm trước khi kết thúc thế kỷ XX, tôi là giáo viên thỉnh giảng đang dạy tại Trường cao đẳng Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Trong giờ ra chơi, một nữ sinh mang đến tặng tôi cuộn giấy đỏ và nói: “Chuẩn bị đón năm mới, em viết mấy chữ tặng thầy, chúc thầy vui vẻ và hạnh phúc”. Nói xong, cô gái mở giấy ra để tôi đọc dòng chữ “Cung chúc tân Xuân” được viết mực đen trên khổ A4.

Ông đồ trong chương trình Nét Xuân HTV7 cho chữ đạo diễn, trợ lý đạo diễn và các văn nghệ sĩ
Ông đồ trong chương trình Nét Xuân HTV7 cho chữ đạo diễn, trợ lý đạo diễn và các văn nghệ sĩ

Nhìn nét chữ Việt nhưng lại có nét uốn lượn, nét đậm nét thanh khác nhau, tôi đã rất vui nói với em: “Vậy là các ông đồ của ngày xưa có thể tái hiện trong khuôn mặt mới “Thư pháp chữ Việt”. Nghe nói vậy, cô nữ sinh đã vội khoe: “Em đang theo học lớp thư pháp Việt ở Nhà văn hóa Thanh Niên đó thầy, học ở đó em được mở ra nhiều điều mới lạ xung quanh những mẩu chuyện về con chữ thầy ạ”…

Về nhà đem món quà nhỏ này khoe với bà xã, ngắm nhìn kỹ dòng chữ viết tặng của cô học trò, bà xã tôi bỗng nhớ lại một câu thơ cũ và khẽ đọc: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”.

Đọc xong 2 câu kết trong bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên và nói: “Những ông đồ trong nền văn hóa Hán học, Nho học đã biến mất gần một thế kỷ rồi, nhưng rất có thể những năm cuối thế kỷ thứ XX ông đồ lại quay về trong hình hài và trang phục cũ, nhưng nét chữ sẽ là chữ Việt ngày nay. Và biết đâu đó, trong số những ông đồ mới sẽ có sự góp mặt của ông xã tôi thì sao?”.

Thế rồi, kể từ ngày ấy, cứ mỗi lần về TP.HCM giảng dạy tôi đều dành thời gian ghé qua những tiệm bán tranh và đồ lưu niệm tìm nơi nào có treo tranh thư pháp, tôi đứng ngắm và học từng nét chữ. Cuối cùng, tôi đã đến Nhà văn hóa Phú Nhuận chọn nhà thư pháp Lê Quốc Phong xin làm đệ tử.

Theo thầy Phong học thư pháp được 2 tháng, sau đó nhà trường xếp thời khóa biểu mới cho tôi về dạy các lớp liên kết đào tạo với các tỉnh: Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, vì thế tôi không có thời gian theo học thầy Phong nữa. Nhưng khi đi dạy nơi đâu, tôi cũng không quên mang theo mực tàu, bút lông và giấy báo để mỗi khi rảnh rỗi còn đem ra luyện chữ.

Tôi tham gia vào đội ngũ các ông đồ viết thư pháp giữa Hội chợ hoa xuân tại Trung tâm Hôi nghị và tổ chức sự kiện tỉnh (TP.Biên Hòa) ngay từ những ngày Tết đầu tiên của thế kỷ XXI. Có thể nói, gian hàng thư pháp của tôi từ ngày đầu tiên mở cửa khai trương cho đến những năm kế tiếp đều rất đông khách. Và cũng giống như những ông đồ ngày xưa, tôi chỉ ra cho chữ bá tánh vào những dịp Tết Nguyên đán.

Cho chữ là hoạt động trang trọng và cao quý đối với người cho và nhận chữ. Những con chữ được cho là sự hàm chứa tấm lòng của người viết, thể hiện tình cảm trân trọng của người nhận chữ. Người được nhận chữ không chỉ phải trọng thầy, mến thầy mà còn phải là người hiếu học, biết trọng chữ nghĩa mới được thầy đồ cho chữ.  Phong tục cho chữ là văn hóa chỉ dành cho những người chuộng chữ nghĩa, yêu thích cái đẹp, hâm nóng thêm một nét nhân văn trong văn hóa Việt.

Năm 2003 là năm đầu tiên tôi được Đài PT-TH Đồng Nai trực tiếp phỏng vấn về suy nghĩ của tôi với thư pháp chữ Việt.

Ngày ấy, biên tập viên Vân Anh, cô phóng viên trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo biên tập viên truyền hình từ Hà Nội mới về nhận công tác tại Đồng Nai. Buổi làm việc với những phóng viên trẻ này diễn ra trong không khí hết sức cởi mở, trên tinh thần bổ sung cho nhau những hiểu biết, những suy nghĩ về thư pháp, và vai trò của ông đồ trong những lễ hội đón xuân.

Ngày xưa, ông đồ ngồi ở gốc đa hay đầu chợ để đón khách, các bà, các cô đi chợ xuân đều ngang qua dặn trước chữ mình cần xin như: Phước, Lộc, Thọ hoặc cặp câu đối viết để thờ, nhớ, tổ tiên, ông bà, cha mẹ…

Ông đồ - Ảnh của nhà báo Phan Dẫu chụp tặng
Ông đồ - Ảnh của nhà báo Phan Dẫu chụp tặng

Ngày nay, làm ông đồ giữa hội hoa xuân vẫn trang phục khăn đóng, áo dài, vẫn bút nghiên bày biện nhưng ngồi cho chữ giữa một rừng trí thức trong xã hội hiện đại. Khách hàng luôn muốn vươn đến đỉnh cao của cái đẹp, vì thế để có một tấm thư pháp vừa ý, trước hết họ phải được lựa chọn chất liệu giấy tốt nhất, khung hình đẹp nhất và chữ viết của ông đồ phải hợp theo ý họ.

Đầu năm 2016, nhà thơ Trương Nam Hương từ TP.HCM gọi điện báo cho tôi biết là anh đang biên tập một chương trình thơ đón mừng Tết Nguyên đán, sẽ được Đài Truyền hình TP.HCM (HTV7) dàn dựng với chủ đề Nét Xuân. Nhà thơ muốn tôi gửi đến Nét Xuân bài thơ Ông đồ giữa hội hoa xuân do tôi sáng tác thay cho bài Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên đã dùng liên tục trong nhiều năm rồi.

Ngày HTV7 bấm máy ghi hình, tôi được mời trong vai ông đồ để minh họa cho chương trình này. Kết thúc chương trình Nét Xuân, trường quay đã dành riêng một không gian để ông đồ cho chữ mọi người tham gia trong chương trình. Tôi rất vinh dự được biểu diễn viết và tặng chữ cho tất cả mọi người trong phim trường. Từ anh đạo diễn, cô trợ lý đạo diễn, cô MC Xuân Mai đến các nhà thơ, các anh chị rất vui khi đón nhận được thư pháp của tôi viết tặng. Cùng chụp chung những tấm hình đẹp để nhớ mãi những khoảnh khắc đáng nhớ này.

Mùa xuân năm 2017, nhóm phóng viên của Đài PT-TH Đồng Nai gọi điện hẹn tôi sẽ đến nhà làm một phóng sự mini nhân dịp tôi vừa ra mắt tập thơ mới Lời ru dòng sông. Vẫn là biên tập viên Vân Anh và anh Nguyễn Hà, mà tôi đã quen biết từ nhiều năm nay. Sau buổi làm việc và ghi hình tại nhà, bỗng nhiên biên tập viên Vân Anh sực nhớ về một khoảnh khắc thời gian nên hỏi tôi: “Chú Nguyễn còn nhớ buổi làm việc và ghi hình đầu tiên với chú cách đây 15 năm trong chương trình Thơ và thư pháp không? Thời gian trôi nhanh thật phải không chú. Gần Tết rồi, bây giờ chúng cháu muốn ghi hình ông đồ giữa TP.Biên Hòa được không chú?”. Tôi chỉ tay về phía tòa nhà cao tầng Pegasus gần nhà vừa xây dựng xong, thống nhất được địa điểm ghi hình và nhanh chóng mang đồ nghề ra tác nghiệp.

Sau khi bày biện xong, ông đồ bắt đầu công việc của mình, bằng việc viết những tấm liễn chào xuân treo vào vị trí trang trọng để mọi người tìm đến. Vừa kịp lúc các cô gái xinh đẹp trong những tấm áo dài tha thướt đủ màu sắc đến vây quanh ông đồ xin chữ. Không hẹn trước nhưng có được những khung hình đẹp như thế này không phải là khó tìm trong dịp đón Xuân ở TP.Biên Hòa. Nhiều bạn trẻ đang tìm cảnh đẹp chụp hình không ngờ gặp ông đồ cho chữ và được chụp hình chung với ông đồ, đó là khoảnh khắc hạnh phúc bất ngờ.

Trong lúc các bạn trẻ đang chờ đợi đến lượt mình xin chữ, cô Vân Anh đã tranh thủ phỏng vấn, nhiều người trong số họ đã phải thốt lên đây là lần đầu tiên được gặp ông đồ cho chữ giữa phố đông. Tất cả những người được nhận chữ đều cảm ơn và mong ước những hình ảnh đẹp này mãi xuyên suốt cả mùa xuân...        

Hoàng Đình Nguyễn

Tin xem nhiều