Chưa ai thống kê được trong cuộc đời của mỗi người, họ đã có bao nhiêu lần không ngủ được và trải lòng mình cùng thời gian. Chỉ biết rằng có những cột mốc khiến ta buộc phải nhớ, phải thao thức cùng đêm khuya. Với chị cũng không là ngoại lệ. Chuyện cưới vợ cho con là một điều đáng nhớ.
Chưa ai thống kê được trong cuộc đời của mỗi người, họ đã có bao nhiêu lần không ngủ được và trải lòng mình cùng thời gian. Chỉ biết rằng có những cột mốc khiến ta buộc phải nhớ, phải thao thức cùng đêm khuya. Với chị cũng không là ngoại lệ. Chuyện cưới vợ cho con là một điều đáng nhớ.
Thao thức lần thứ nhất
- Ba mẹ thấy bạn gái của con thế nào?
Nghe con trai cất tiếng hỏi sau buổi ra mắt đầu tiên của cô người yêu, chị chợt thấy lúng túng. Trong lòng chị diễn ra bao điều ngổn ngang. Biết chị còn những điều phân vân, khó nói nên chồng chị đã lên tiếng để giải tỏa niềm trông chờ đau đáu của con trai:
- Nói chung là được, nghề nghiệp ổn định rồi diện mạo cũng dễ thương.
Nhìn ánh mắt đang tràn ngập niềm vui của con trai, chị không nỡ lên tiếng. Chờ khi con lên phòng riêng rồi, chị mới được dịp tuôn xả tất cả nỗi lòng của mình:
- Anh nghĩ sao mà nói được vậy hả? Con gái gì mà cắt tóc tém, nói năng thì cứ như nó đi coi mắt mình không bằng.
- Thì nó là nhà báo mà, giao tiếp với bao nhiêu người trong xã hội rồi thì phải năng động chứ. Em đã từng thích những đứa nhanh nhẹn, hoạt bát mà. Cái chính là nó vẫn rất lễ phép, khiêm tốn chứ không hề tỏ vẻ kiêu ngạo mặc dù nó đã từng đạt giải thưởng này nọ rồi. Còn tóc tai thì có quan trọng gì. Nó mới đi công tác ở Trường Sa về. Nghe nói ngoài đó nước khan hiếm nên nó mới cắt ngắn cho tiện công việc thôi mà.
Minh họa: Nguyễn Xuân Tâm |
- Sao chưa gì mà anh bênh nó hoài vậy? Nhà báo là người của công việc. Rồi đây nó đi công tác triền miên, con cái, nhà cửa lại giao cho vợ chồng già này hết cho mà coi. Chưa hết, anh nghe con trai nói tuổi của nó chưa? Tuổi Dần nha anh. Con gái tuổi Dần là dữ dằn lắm, lại là nhà báo nữa. Chừng nữa nó ăn tươi nuốt sống con trai mình rồi ăn hiếp cả tụi mình cho mà coi. Đó, nhìn con gái chị hai đi. Tính tình hung dữ, có chồng rồi cũng ly dị nữa đó.
- Nói như em thì con gái tuổi Dần ế chồng hết à. Em mới chỉ nhìn gần mà chưa nhìn xa, trông rộng. Con chị hai đâu phải đại diện cho tất cả những đứa con gái tuổi Dần đâu. Mà đâu phải tất cả những đứa con gái sinh vào những năm Quý Hợi hay Quý Mão đều sung sướng hết đâu.
- Em không biết nhưng em muốn có một cô con dâu hiền lành, nết na, thùy mị và không mang tuổi Dần.
- Cái quan trọng là con mình thích và cảm thấy hợp với cô bé này. Nó lấy vợ cho nó và ăn đời ở kiếp với nhau chứ có phải lấy vợ về để sống với mẹ chồng đâu. Em mà khó khăn quá, con nó sợ không dám lấy vợ thì lúc đó ngồi mà rầu rĩ nha.
Nhìn theo chồng bước lên lầu như một cách chấm dứt cuộc tranh cãi, chị bực bội nằm phịch xuống bộ salon, vắt tay lên trán. Chồng với con đúng là cái nợ mà. Đã bao lần chị nói với con về ý nguyện của mình rồi bạn bè giới thiệu bao cô gái thùy mị mà nó không chịu, nay dẫn về cô người yêu đối lập hoàn toàn nữa. Bất giác nước mắt chị ứa ra lặng lẽ. Bao vất vả nuôi con khôn lớn, chỉ có nguyện vọng muốn con được hạnh phúc mà nó không theo ý mình. Mà lần này không chịu nữa thì sẽ ra sao đây..
Tiếng kim đồng hồ lặng lẽ chuyển dịch theo vòng quay của thời gian. Màn đêm tĩnh mịch khiến chị nghe được cả tiếng tắc lưỡi của con tắc kè ở đâu đó trong khu vườn. Lại một đêm mất ngủ...
Thao thức lần thứ hai
- Dịch bệnh còn kéo dài không biết đến khi nào mà ngày cưới của tụi nó sắp tới rồi, tính sao anh?
- Thì nãy anh chị sui cũng điện hỏi. Mình không thể dời ngày cưới mãi được. Thôi, hay là mình cứ làm mâm cơm trình lên ông bà, tổ tiên xin rước dâu. Mà bây giờ cũng không được tụ tập đông quá mười người nữa. Mình làm gọn gọn trong gia đình, họ hàng thôi. Chừng hết dịch thì đãi sau vậy.
- Ai lại làm thế. Em muốn tổ chức đám cưới lớn cho con rồi mình còn đãi đằng bà con, bạn bè nữa. Mình đi dự bao nhiêu đám cưới của con cái bạn bè, bây giờ đến con mình làm như vậy người ta cười cho. Người ta lại tưởng tụi nó ăn cơm trước kẻng nên mới làm gấp như vậy.
- Em chỉ khéo lo xa, cười cái gì chứ. Thời buổi dịch bệnh đang căng thẳng như vậy, ai cho đãi đằng lớn mà làm. Em muốn mọi người đi dự đám cưới về rồi mấy hôm sau nghe thông báo bị nhiễm Covid à. Mà em có muốn làm lớn cũng không ai cho và không ai dám đi dự đám cưới đâu.
- Thì anh lên phường, lên quận xin thử coi. Anh có quen biết mà…
- Em lên mà xin đi...
Lại là giọng điệu đầy thách thức và kết thúc là chuyện ông chồng bỏ lên phòng. Còn lại chị với bao suy nghĩ ngổn ngang. Khi nghe hai gia đình bàn tính và chọn được ngày lành tháng tốt rồi, chị đã từng lên bao kế hoạch cho ngày trọng đại của con. Áo dài đã may, tóc đã uốn, áo quần của chồng con và cả nhà hàng lẫn món ăn đã được chị bỏ bao tâm huyết chọn lựa. Thế mà bây giờ mọi chuyện lại chuyển sang một hướng khác. Không biết bạn bè chị có ai nghĩ nhà chị phải cưới gấp vì tụi nó có con trước không nhỉ? Bạn chị cũng từng nói, bây giờ mọi thứ đều thay đổi. Ngày xưa, cô dâu có bầu trước là phải đi cửa sau, phải chịu bao ánh mắt giễu cợt của mọi người. Câu nói của bạn đã từng khiến chị phải suy nghĩ “Tao không khuyến khích chuyện có bầu trước nhưng vì chuyện ấy mà những bà mẹ chồng không cưới thì không nên. Bỏ đi một sinh linh lại là con cháu của mình là có tội hơn nữa bây giờ nhiều đứa còn không thể có con hoặc không muốn có con nữa đó”.
Chị lại thao thức không sao ngủ được. Bao điều băn khoăn cứ ngổn ngang trong lòng. Đúng là nuôi con mới biết nỗi lòng của cha mẹ. Chắc ngày xưa, cha mẹ chị cũng từng lo lắng như thế mà chị đâu có hay...
Thao thức lần thứ ba
Từ khi có con dâu, mọi sinh hoạt trong gia đình chị dường như xáo trộn. Từ việc đi chợ cho đến việc sử dụng thức ăn hằng ngày đều thay đổi. Nhà chị thích ăn thịt nhưng con dâu lại hay mua cá với lý do cá tốt cho sức khỏe. Chỉ có việc nhà là không thay đổi. Sáng sáng chị vẫn dậy sớm, quét nhà, đi chợ, nấu cơm như thường lệ trong khi con dâu vẫn đang say giấc nồng. Bữa trưa vẫn hai vợ chồng già ăn cơm cùng nhau, còn con trai và con dâu tối mới về. Có khi chúng lại ghé tiệm nào đó cùng ăn rồi dẫn nhau đi coi phim, coi ca nhạc gì đó. Chúng cũng từng mời anh chị đi cùng nhưng cái gu nhạc trẻ ấy, anh chị không thể cảm được. Đó là chưa kể những lần con dâu đi công tác cả tuần rồi bận bù đầu vào bài vở, tin tức cho kịp chương trình. Thì cũng đúng như dự đoán ban đầu của chị. Có con dâu là nhà báo lại tuổi Dần nữa, kể như chị làm dâu ngược lại thôi mà…
Trong mùa dịch, chị cứ như có thêm bà mẹ chồng thứ hai vậy. Con dâu đòi đi chợ thay chị nhưng những món đồ nó mua về, chị không vừa ý. Biết vậy nên nó chở chị đi siêu thị, mua đồ ăn cho nguyên cả tuần. Chị đã quen với việc đi chợ mỗi ngày với thức ăn tươi ngon nay sử dụng đồ cấp đông, chị cảm thấy mất đi thú vui nấu nướng. Nhưng cuối cùng thì cũng phải chấp nhận vì dịch bệnh ngày càng căng thẳng, chợ truyền thống đóng cửa. Cho đến khi việc đi siêu thị cũng bị hạn chế, chị mới thấy tác dụng của những món đồ mà con dâu đã mua về trữ đông trong tủ lạnh. Rồi đến khi bộ đội và tổ dân phố đi chợ hộ với những món đồ thiếu trước hụt sau thì con dâu lại có giấy ưu tiên được ra đường làm nhiệm vụ. Đến lúc ấy, chị mới thấy sự xốc vác của nó. Con dâu tranh thủ mua những món đồ nhà đang thiếu và kệ nệ đem về như một shipper chuyên nghiệp. Nghe chị trách sao không mua nhiều để dự trữ thì nó cười hồn nhiên: “Dạ, nhà mình cứ xài hết con lại mua. Con chừa hàng cho người khác mua nữa ạ”. Bất chợt, chị cảm thấy xấu hổ trước tấm lòng của con bé. Có những khi đặt mua hàng qua mạng, nó dặn dò khiến chị tự ái: “Mẹ nhớ đeo khẩu trang rồi mới ra nhận hàng nhé. Khi người ta thối tiền thì mẹ nhớ xịt khuẩn rồi để ở ngoài một thời gian hãy đem vào nhà. Mấy chai xịt khuẩn, con mua để sẵn ở ngoài rồi đó mẹ”. Khi nhìn thấy vẻ mặt không vui của chị, con dâu chỉ nhẹ nhàng nói “Con đi làm phóng sự, thấy nhiều trường hợp người lớn tuổi chỉ ở trong nhà mà cũng bị nhiễm bệnh đó mẹ. Ba mẹ lớn tuổi lại có bệnh nền nữa nên con lo lắm”.
- Ủa, con đi đâu về mà có sữa lỉnh kỉnh vậy?
- Dạ, con đi hiến máu. Sữa này là chế độ bồi dưỡng cho người hiến máu đó mẹ.
Nhìn con dâu với dáng người mảnh dẻ, chị đã tính la con bé nhưng nhìn nó mở mấy tờ giấy chứng nhận đã hiến máu lần trước với đôi mắt lấp lánh niềm vui, chị lại không nỡ. Vẫn biết hiến máu là cách để làm cho máu khỏe hơn cũng là để cứu người nhất là trong mùa dịch này nhưng nhìn con cứ tất bật với bao công việc, bất giác chị lại thấy xót. Người thì mảnh khảnh mà đã hiến máu đến 4-5 lần rồi. Mỗi lần các con ra khỏi cửa đi làm trong mùa dịch bệnh, chị lại lo lắng đến thắt cả ruột gan. Đầu trên xóm dưới có nhiều nhà giăng dây vì bị “mắc dịch” rồi nghe nghe tin một số người quen ra đi vì dịch, chị lại càng âu lo. Nhưng các con là nhà báo, là những người ở tuyến đầu, nếu không kịp thời đưa tin thì mọi người không thể biết được diễn biến dịch bệnh thế nào. Anh cũng từng động viên chị đừng lo nhiều quá. Các con đều đã được chích ngừa và có kiến thức để bảo vệ mình. Rồi còn bao y, bác sĩ đang ngày đêm tiếp xúc với nguy hiểm để cứu chữa bệnh nhân. Coi những thước phim phóng sự của con dâu và các đồng nghiệp đã làm, chị đã khóc. Các y, bác sĩ vất vả, nguy hiểm bao nhiêu thì con dâu và các đồng nghiệp ở phía sau ống kính cũng vất vả như thế. Mỗi ngày con dâu đi về lại chia sẻ với anh chị những điều nó đang làm. Có khi là những mảnh đời đau thương, bất hạnh khiến con khóc sưng cả mắt, rồi bỏ cả ăn. Có khi là những sự sẻ chia, đùm bọc của những tấm lòng thiện nguyện lại giúp cho anh chị thấy cuộc sống còn bao người tốt mà tin yêu hơn cuộc đời này.
Chị giục con thay đồ, ăn cơm nhưng thấy con bé lại mở máy rồi ngồi thừ ra, mắt ngấn nước khiến chị hốt hoảng:
- Sao vậy con? Có chuyện gì không vui à?
Con dâu quay màn hình lại cho chị coi những hình ảnh hôm nay nó đi quay về. Người thanh niên xăm mình, to lớn đầy bặm trợn đang bật khóc nức nở khi trả lời phỏng vấn. Hóa ra đây là chương trình đi thăm những trẻ mồ côi sau đại dịch. Giọng người thanh niên nức nở, nghẹn ngào:
- Lúc trước, em ít về nhà vì công việc của em là bảo vệ. Lúc nghe em gái gọi báo tin cha mẹ đều bị nhiễm Covid và đưa đi cách ly, em cũng không thể về được. Em chỉ kịp gọi điện động viên cha mẹ. Ai ngờ đâu, đó là lần cuối cùng được nghe giọng nói của cha mẹ em. Bây giờ chỉ còn hai hũ tro cốt trên bàn thờ kia thôi. Em còn nợ mẹ em một nàng dâu chị ơi. Lúc sống, mẹ em chỉ mong mỏi em có đôi có lứa, em em được học hành. Bây giờ có bạn gái dẫn về thì không còn mẹ nữa. Em tự trách mình sao không về thăm nhà thường xuyên hơn. Bây giờ về thì còn ai nữa đâu chị ơi...
Bất giác chị cũng rơi nước mắt khi nhìn hai anh em côi cút nương tựa vào nhau trong căn nhà trọ chật hẹp. Rồi cảnh đứa bé một mình bên bàn thờ với mấy hũ tro cốt xếp trên đó. Hỏi cha mẹ, ông bà đâu, cô bé đều chỉ tay lên bàn thờ. Cũng may là có các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ... Nếu không có các nhà báo như con dâu thì làm sao lan tỏa được những điều yêu thương của đồng bào mình trong đại dịch.
- Con cảm ơn mẹ đã yêu thương chăm chút cho con và cả gia đình. Đi quay như thế mới thấu hiểu những điều bình dị mà quý giá. Như hai anh em kia mãi mãi không còn được ăn bữa cơm mẹ nấu nữa. Muốn gọi tiếng cha mẹ cũng không còn cơ hội nữa. Con yêu mẹ.
Lần đầu tiên được nghe con dâu nói tiếng cảm ơn với đôi mắt ngấn lệ, chị bỗng thấy ngỡ ngàng. Hóa ra bên trong vỏ bọc cứng rắn của cô gái tuổi Dần lại là một trái tim dễ rung động và giàu lòng trắc ẩn đến vậy. Chị lại nhớ những tấm bánh, ly chè mà con dâu mua về hợp với sở thích của chị. Đi công tác xa, gọi điện về lại líu lo bao điều mới lạ. Những câu nói của con dâu khiến chị bật cười:
- Hết dịch, cả nhà mình đi du lịch nha mẹ. Chỗ con đang công tác đẹp lắm nhưng mẹ phải ăn uống giữ sức khỏe mới đi được nha mẹ.
Đêm nay, chị lại thao thức cùng bước chân của mùa xuân đang tới. Dịch bệnh chưa lui nhưng cuộc sống đang bước vào giai đoạn bình thường mới. Chị hiểu hơn về công việc nhiều khó khăn và cao quý của con cái, muốn tổ chức đám cưới cho hai con như ước mơ mà chị chưa làm được vì dịch bệnh. Cũng may là đã kịp rước con dâu về trong mùa dịch với lễ nghi gọn nhẹ, còn đám cưới thì phải lùi lại chờ dịch bệnh bị đẩy lui. Và bây giờ là lúc chị thực hiện ước mơ vun vén cho hạnh phúc của các con. Chị mở tủ, lấy chiếc áo dài đã chuẩn bị cho đám cưới của con từ mấy tháng trước ướm lên mình. Lần này bước lên sân khấu chẳng còn những âu lo, băn khoăn về cô con dâu tuổi Dần nữa. Bất chợt chị mỉm cười đón những luồng gió mát lành của mùa xuân đang tới. Cuộc sống vẫn đang chuyển động theo vòng quay vô tình của nó nhưng qua đại dịch với bao mất mát, đau thương, con người bỗng nhận ra những điều bình dị mà quý giá đến vô ngần. Hóa ra, những điều bên ngoài và cả những định kiến không quyết định giá trị của con người. Chị chợt thấy lòng mình rộn rã khi lắng nghe bước chân của mùa xuân đang đến thật gần...
Truyện ngắn của Hoàng Mai Quyên