Báo Đồng Nai điện tử
En

3 thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam

05:01, 28/01/2022

Mọi sự so sánh giữa các thế hệ cầu thủ là khập khiễng và đôi khi bất công. Tuy nhiên, kể từ khi đất nước thống nhất, hội nhập quốc tế trở lại, bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã ghi nhận 3 thế hệ vàng, được sản sinh theo chu kỳ khoảng 1 thập niên.

Mọi sự so sánh giữa các thế hệ cầu thủ là khập khiễng và đôi khi bất công. Tuy nhiên, kể từ khi đất nước thống nhất, hội nhập quốc tế trở lại, bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã ghi nhận 3 thế hệ vàng, được sản sinh theo chu kỳ khoảng 1 thập niên.

Và thực
Và thực "vàng mười" cùng HLV Park Hang-seo

* Thế hệ vàng… chỉ có bạc

Thể thao Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường khu vực vào năm 1989 tại SEA Games 15 Malaysia, nhưng phải đến SEA Games 16 năm 1991 ở Philippines bóng đá mới tham dự. Sau 2 kỳ đại hội đầu tiên dưới sự dẫn dắt của 2 HLV nội Nguyễn Sỹ Hiển và Trần Bình Sự mang tính thăm dò, BĐVN bắt đầu có sự tự tin. Để chuẩn bị cho SEA Games 18 ở Thái Lan, dưới sự dẫn dắt của HLV ngoại đầu tiên người Đức Karl Heinz Weigang, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) đã có chuyến tập huấn hơn 1 tháng ở châu Âu. Và Chiang Mai 1995 đã đánh dấu lần đầu tiên người dân cả nước xuống đường vì bóng đá.

Rơi vào “bảng tử thần” nhưng ĐTVN đã lần lượt đánh bại Malaysia 2-1, Campuchia 4-0, Indonesia 1-0 để vào bán kết, rồi loại Myanmar trong trận bán kết đầy kịch tính với “bàn thắng vàng” từ cú vô-lê tuyệt kỷ của Trần Minh Chiến. Thua chủ nhà Thái Lan 0-4 ở trận chung kết nhưng đó là tấm huy chương lịch sử đầu tiên của bóng đá nước Việt Nam thống nhất. Những Nguyễn Văn Cường (thủ môn), Mạnh Cường, Hữu Thắng, Đỗ Khải, Công Minh, Hoàng Bửu, Hữu Đang, Quốc Cường, Lư Đình Tuấn, Tấn Thành, Liêm Thanh, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Hồng Sơn (ngày ấy chỉ mới đá dự bị)… trở thành “thế hệ vàng” đầu tiên của BĐVN.

Thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam cùng HLV Weigang và Riedl
Thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam cùng HLV Weigang và Riedl

Một năm sau đó, ở Giải vô địch Đông Nam Á đầu tiên Tiger Cup 1996 tại Singapore, đội hình này tiếp tục giành HCĐ. Sau này có thêm Tiến Anh (thủ môn), Thiện Quang, Mạnh Dũng, Đức Thắng, Triệu Quang Hà, Đỗ Khải, Sỹ Hùng, Văn Sỹ, Việt Hoàng, Minh Hiếu, Tuấn Thành…; ĐTVN thời kỳ này mang về tổng cộng 2 HCB, 1 HCĐ SEA Games cùng 1 chức á quân và 2 lần hạng 3 AFF Cup.

Tuy nhiên, thế hệ vàng đầu tiên này lại chưa một lần cầm vàng, bởi đây là giai đoạn bóng đá Thái Lan gần như vô đối và cả sự thiếu may mắn một cách khó hiểu của BĐVN. Rõ nhất là tại Tiger Cup 1998 trên sân nhà, lần đầu tiên ĐTVN xóa dớp trước Thái Lan, lại thắng tưng bừng 3-0 ở trận bán kết. Tưởng như chiếc cúp đã cầm chắc trong tay khi đối thủ cuối cùng chỉ là Singapore. Thế nhưng, cái lưng của anh chàng trung vệ Sasikumar đã biến bữa đại tiệc ăn mừng đã bày sẵn trở nên đắng nghét. HLV “vua về nhì” A.Riedl - cùng với người khai phá Weigang nay đã là người thiên cổ, để lại câu nói nổi tiếng “BĐVN xây nhà… từ nóc”!

* Chức vô địch đầu tiên

Phải đợi đến tròn 10 năm sau trận chung kết khó nuốt trôi trên sân Hàng Đẫy ấy, BĐVN mới lại vào đến trận cuối cùng của giải đấu Đông Nam Á. Và lần này, những Dương Hồng Sơn (thủ môn), Vũ Như Thành, Lê Phước Tứ, Việt Cường, Quang Thanh, Vũ Phong, Tài Em, Tấn Tài, Minh Phương, Việt Thắng, Công Vinh, Quang Hải, Thành Lương… dưới bàn tay của “phù thủy” người Bồ Đào Nha Henrique Calisto đã trả sòng phẳng món nợ cho thế hệ đàn anh Huỳnh Đức, Hồng Sơn. Có phần chật vật vượt qua vòng bảng AFF Cup 2008, nhưng ĐTVN đã loại Singapore ở bán kết, rồi vượt qua một cách ngoạn mục “ngáo ộp” Thái Lan ở 2 trận chung kết (thắng 2-1 tại chảo lửa Rajamangala và hòa 1-1 ở sân Mỹ Đình).

Thế hệ vàng thứ 2 với chức vô địch đầu tiên cùng HLV Calisto
Thế hệ vàng thứ 2 với chức vô địch đầu tiên cùng HLV Calisto

Lần đầu tiên bóng đá mang đến cho “đất nước trọn niềm vui”! Sau 17 năm hội nhập đấu trường quốc tế, BĐVN mới có danh hiệu vô địch đầu tiên. 1 năm trước đó, thế hệ vàng này cũng lần đầu tiên đưa BĐVN vào tứ kết Cúp châu Á.

* Vàng mười!

Lại phải sau đúng 1 thập kỷ, BĐVN mới sản sinh ra thế hệ vàng thứ 3 và lần này thực sự là vàng mười với lứa cầu thủ “vừa hồng, vừa chuyên”, được đào tạo căn cơ, bài bản. Chức vô địch thứ 2 AFF Cup 2018 là thành quả và sự kết tinh giữa kinh nghiệm của Anh Đức (33 tuổi); Trọng Hoàng (29 tuổi); Văn Quyết (27 tuổi); Đặng Văn Lâm, Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải (25 tuổi) với tài năng tuổi trẻ của 2 lứa cầu thủ vừa làm nên kỳ tích á quân U.23 châu Á vào đầu năm: Xuân Trường, Hồng Duy, Đức Huy, Công Phượng, Tiến Dũng, Văn Toàn cộng với Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Linh, Đức Chinh, Văn Hậu - những gương mặt dự World Cup U.20 năm 2017. Đặc biệt, phải kể đến vai trò của vị HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo khi ông còn giúp thế hệ này lần đầu tiên vào bán kết Asiad 2018, giành tấm HCV SEA Games sau 60 năm và vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022.

Việc đánh rơi danh hiệu tại AFF Cup 2020 như một nốt trầm sau 4 năm thành công rực rỡ của thế hệ vàng thứ 3 BĐVN, nhưng vẫn được người hâm mộ đón nhận với sự bình thản. Hoàn toàn không hề xuất hiện bầu không khí bi quan, chê trách như những lần thất bại trong quá khứ, bởi đây chưa phải là kết thúc của một chu kỳ. Lứa tuyển thủ hiện tại vẫn còn tiềm năng rất lớn khi đa phần mới chỉ 25-27 tuổi, bước vào độ chín và đỉnh cao vẫn ở phía trước. Một khoảng lặng cuối năm cần thiết để BĐVN bước vào năm mới Nhâm Dần 2022 với động lực, khát khao mới.

Vấn đề là sau đây, mùa Xuân nào sẽ xuất hiện thế hệ vàng thứ 4 hiện thực hóa giấc mơ World Cup?

Minh Chung

Tin xem nhiều