Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến tạo chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai

Hoàng Lộc
17:10, 01/02/2024

Sông Đồng Nai là dòng sông nội địa dài nhất cả nước. Khởi nguồn từ cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng), sông chảy qua nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM trước khi ra biển.

Một góc dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng tại xã Long Hưng, TP.Biên Hòa

Ngoài các giá trị nguồn nước, phù sa, thủy sản, cảnh quan và văn hóa, tâm linh, lịch sử, sông Đồng Nai có tiềm năng phát triển đô thị, du lịch, giao thông…

Tiềm năng vẫn như nàng công chúa ngủ quên

Sông Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch tổng thể nên hai bên bờ sông chủ yếu vẫn là nơi sinh sống của các hộ dân, công trình văn hóa, tín ngưỡng và vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đan xen. Một số khu đô thị đã hình thành nhưng chưa thu hút được nhiều người dân đến sinh sống vì có giá bán cao.

Đánh giá về lợi thế của sông Đồng Nai, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, ít tỉnh, thành nào có sông dài, địa hình bằng phẳng, mặt sông rộng và dòng chảy hiền hòa như sông Đồng Nai ở TP.Biên Hòa. Các yếu tố này là điều kiện thuận lợi để bố trí công trình kiến trúc, hạ tầng đô thị dọc sông, phát triển du lịch sinh thái. Lợi thế là vậy, nhưng vùng ven sông hiện chưa có nhiều khu đô thị xứng tầm, du lịch và giao thông vẫn còn ở dạng tiềm năng.

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước tại xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) nhìn từ TP.HCM
Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước tại xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) nhìn từ TP.HCM

Sông Đồng Nai chạy dài qua địa bàn tỉnh và ưu ái cho vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hệ thống các cù lao lớn, nhỏ. Nổi bật trong số đó là cù lao Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) từng là thương cảng sầm uất nhất ở miền Nam, cù lao Đại Phước (H.Nhơn Trạch) ở hạ nguồn chỉ cách bờ TP.HCM hơn 100m, cù lao Ba Xê (TP.Biên Hòa) với các di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh... Các cù lao này nếu được quy hoạch bài bản trong tổng thể sẽ là những “hòn ngọc xanh” hiếm thành phố nào có.

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã khi đi khảo sát tuyến sông nhấn mạnh, sông Đồng Nai là “báu vật” thiên nhiên ban tặng cho TP.Biên Hòa và vùng Đông Nam bộ. Hiện TP.HCM đã có các dự án đô thị, thương mại dọc theo sông, nhưng vẫn còn nhiều lợi thế chưa được khai thác. TP.HCM sẽ hợp tác, chia sẻ thông tin và kết nối với Đồng Nai trong phát triển đô thị, giao thông kết nối.

“Chúng ta sẽ có những đô thị trong mơ nếu có quy hoạch, phương án khai thác hiệu quả gần 100km hai bên sông. Nếu TP.HCM đã có các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại thì Đồng Nai sẽ quy hoạch đô thị nghỉ dưỡng, trường học, thương cảng, điểm du lịch văn hóa và tâm linh. Các bên không đối trọng, mà là những mảnh ghép của nhau” - ông Nhã chia sẻ.

Hiện nay, các đô thị như: TP.HCM, Biên Hòa, Dĩ An, Thuận An đều là đô thị nén, mật độ dân số cao. Trong khi đó, ven sông Đồng Nai còn nhiều dư địa phát triển đô thị. Việc dịch chuyển đô thị ra dọc sông là cách có quỹ đất giải nén cho các đô thị hiện hữu, kiến thiết nên đô thị mới với cảnh quan kiến trúc hài hòa và độc đáo.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai xác định sông Đồng Nai là một trong 6 hành lang, trục phát triển kinh tế - xã hội quan trọng bậc nhất trong tương lai.

Phát triển đô thị ở không gian ven sông

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển hành lang sông, Đồng Nai đã và đang triển khai hàng loạt dự án đô thị như: Khu đô thị sinh thái mở Long Hưng, Khu đô thị sinh thái Đại Phước, sắp tới có dự án Khu đô thị Hiệp Hòa. Dự án hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như: đường ven sông Đồng Nai, đường ven sông Cái, cầu Thống Nhất, cầu Vàm Cái Sứt, cầu Đồng Nai 2, sắp tới là cầu Cát Lái, cầu Thủ Biên. Các dự án kết nối liên vùng như: đường vành đai 3, đường cao tốc Bến lức - Long Thành, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đề xuất mở rộng. Bên cạnh đó, đầu tư mới cảng biển nước sâu Phước An, mở rộng cảng Đồng Nai.

Toàn cảnh khu vực quảng trường và bến du thuyền trong khuôn viên Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng tại xã Long Hưng (TP.Biên Hòa)

Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan và môi trường sinh thái, tỉnh chủ động xin bỏ ra khỏi quy hoạch và quyết định chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để thực hiện dự án khu trung tâm hành chính mới; di dời hàng ngàn cơ sở chăn nuôi ra xa nguồn nước. Cùng với đó, thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên nhằm ổn định dòng chảy, giảm hạn hán và lũ lụt.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho rằng, sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa chiều dài khoảng 4km là tài sản quý giá để kiến tạo đô thị sông nước. Không những thế, dọc bờ sông còn có kho tàng văn hóa và di tích lịch sử. Những “tài sản” này bản sắc văn hóa độc đáo, nối liền quá khứ với hiện tại. Trong quy hoạch chung xây dựng kỳ này, thành phố sẽ khai thác tối đa lợi thế không gian cây xanh, mặt nước và các giá trị văn hóa, lịch sử nhằm tạo ra không gian phát triển mới, môi trường sống thịnh vượng cho người dân.

Dãy nhà phố bên sông trong “siêu dự án” Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng tại xã Long Hưng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hoàng Lộc

Trên thế giới có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ thành công trong việc tận dụng không gian ven sông để phát triển đô thị. Điển hình như: New York (Mỹ) bên sông Hudson, Paris (Pháp) nằm bên bờ sông Seine, London (Anh) bên bờ sông Thames, Hàn Quốc phát triển bên bờ sông Hàn… Khu vực Đông Nam Á cũng có những thành phố bên dòng sông như: Bangkok (Thái Lan) bên dòng sông Chao Phraya... Tin rằng, trong tương lai gần, Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu; Thủ Đức, Cần Giờ; Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên… cũng là những đô thị ven sông hiện đại, có bản sắc riêng.

Để hình thành chuỗi đô thị ven sông xứng tầm, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM cần triển khai xây dựng nhanh các cầu kết nối hai bên bờ và trục đường ven sông. Khi đã có cầu, đường tất yếu sẽ có khu đô thị, có người dân đến sinh sống. Các tiềm năng về thương cảng, du lịch đường sông, dịch vụ trên mặt nước và hai bên bờ sẽ được “đánh thức”. Vẻ đẹp nên thơ và hiền hòa tự nhiên vốn có của dòng sông kết hợp với thiết kế và quản lý tốt cảnh quan hai bên bờ sẽ giúp dòng Đồng Nai trở thành điểm đến ấn tượng, nơi hội tụ giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh và thương mại.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều