Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi thông huyết mạch giao thông, mở động lực phát triển

Quỳnh Nhi
14:01, 02/02/2024

Năm 2023 đã chứng kiến cuộc “khơi thông” những “huyết mạch” giao thông, mở tương lai phát triển trên địa bàn tỉnh khi nhiều tuyến đường cao tốc, đường vành đai được đưa vào khai thác và khởi công xây dựng mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành các dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây tại nút giao Phan Thiết (xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) vào cuối tháng 4-2023

Cùng với đó, hàng loạt tuyến đường cao tốc, đường vành đai khác cũng đang chờ ngày được bấm nút khởi công.

Đồng Nai có thêm hơn 50km đường cao tốc

Cuối tháng 4-2023, sau hơn 2 năm thi công, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài khoảng 99km, trong đó có hơn 51km đi qua địa bàn tỉnh chính thức được khánh thành và đưa vào khai thác tuyến chính. Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, hiện đại nhất Việt Nam, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Đây cũng là sự kiến đánh dấu sau hơn 7 năm, Đồng Nai lại có thêm những km đường cao tốc tiếp theo sau những km đầu tiên của tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác trong năm 2015.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây Đặng Hùng Thái cho biết: “Đường cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Phan Thiết, trước đây khoảng 4 giờ, bây giờ còn khoảng 2-2,5 giờ”.

Thi công dự án Thành phần 1 dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1
Thi công dự án Thành phần 1 dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ đánh giá, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác đã giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ cũng như từ Bắc vào Nam. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến.

Trong chiến lược phát triển của đất nước cũng như của từng địa phương, hạ tầng giao thông được xem như “mạch máu” của nền kinh tế. Đường đi đến đâu là kinh tế phát triển đến đó, đường đi đến đâu là văn minh lan tỏa đến đó. Chính vì vậy, việc đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác cũng đã mở ra những cơ hội phát triển mới.

Địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên chia sẻ, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến chính có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ giúp giảm tải áp lực ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn đóng vai trò là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của H.Xuân Lộc.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối tháng 4-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị UBND các tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai cần tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, Đồng Nai nằm ở vị trí cửa ngõ của đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM, đồng thời cũng là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tỉnh. Năm 2023, nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Điều này góp phần tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.

Sẽ có thêm nhiều “đại lộ” mới thúc đẩy phát triển

Cùng với việc đưa vào khai thác đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn đón nhận thêm “cú hích” khi 2 dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và Đường vành đai 3 - TP.HCM cũng chính thức được khởi công xây dựng vào giữa năm 2023. Hơn một năm sau ngày Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư, 2 dự án giao thông quan trọng này đã chính thức được khởi động thực hiện.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ nối thông 2 địa phương phát triển năng động của vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong tương lai, đây cũng sẽ là trục kết nối chính giữa cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Năm 2023, dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã chính thức “tái” khởi động sau một thời gian tạm ngưng thi công do gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo yêu cầu của Chính phủ, dự án phải hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác trong tháng 9-2025.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có vai trò góp phần giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 51; rút ngắn thời gian đi lại từ TP.Biên Hòa đến TP.Vũng Tàu. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch trong kết nối giao thông giữa các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, tạo động lực liên kết, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Trong khi đó, đường vành đai 3 - TP.HCM lại là tuyến giao thông mang tính kết nối cho vùng Đông Nam bộ nói riêng và liên vùng giữa vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ nói chung. Tuyến đường này cũng mang trên mình “sứ mệnh” kết nối hàng loạt địa phương có nền công nghiệp phát triển như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, đường vành đai 3 - TP.HCM khi được “khép kín” sẽ nâng cao tính kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ và góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm TP.HCM.

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2024
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2024

Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với Đồng Nai, ngoài các dự án đã hoàn thành cũng như khởi công xây dựng mới trong năm 2023, thời gian tới, nhiều trục giao thông huyết mạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng như các tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc; đường vành đai 4 - TP.HCM.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều
Nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam