Báo Đồng Nai điện tử
En

Lối sống ân tình với cây cỏ

04:01, 24/01/2019

Hàn Quốc là quốc gia mà địa hình chủ yếu là đồi núi (chiếm đến 70%). Phải chăng vì thế mà họ có văn hóa ứng xử rất đặc biệt với thiên nhiên cây cỏ?

Hàn Quốc là quốc gia mà địa hình chủ yếu là đồi núi (chiếm đến 70%). Phải chăng vì thế mà họ có văn hóa ứng xử rất đặc biệt với thiên nhiên cây cỏ?

Công viên Yeouido bên bờ sông Hàn là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở Seoul để thưởng thức mùa hoa anh đào
Công viên Yeouido bên bờ sông Hàn là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở Seoul để thưởng thức mùa hoa anh đào

Với một địa hình bao bọc bởi đồi núi như vậy, mùa xuân và mùa thu là hai mùa gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong năm. Nếu mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, khắp nơi bừng lên một sức sống mãnh liệt, hồi sinh sau mùa đông dài băng giá thì mùa thu, cây lá lần lượt chuyển màu rồi thi nhau rụng để dồn tinh lực nuôi cây qua mùa đông băng giá ấy. Hai mùa, hai sắc thái trái ngược nhau nhưng đều đem lại cho đất trời và con người những bức tranh tuyệt sắc.

Như một món quà kỳ diệu của tạo hóa, mùa xuân đã làm vạn vật hồi sinh sau mùa đông dài khắc nghiệt. Có thể đã trải qua bao nhiêu mùa xuân tươi đẹp trong đời nhưng chắn chắn bạn chưa cảm nhận được ý nghĩa thực sự của mùa xuân khi chưa tận hưởng tất cả những thanh âm và sắc màu, chưa chứng kiến cảnh sắc đổi thay trong từng nốt nhạc của mùa xuân ở xứ Hàn. Đâu đâu cũng ngời lên một vẻ đẹp và một sức sống mãnh liệt làm ngây ngất lòng người. 

Mùa thu là mùa cao điểm du lịch ở Hàn Quốc, khi những rặng cây ngả màu vàng đỏ, tạo nên khung cảnh nên thơ, lãng mạn, mỗi năm chỉ có một lần
Mùa thu là mùa cao điểm du lịch ở Hàn Quốc, khi những rặng cây ngả màu vàng đỏ, tạo nên khung cảnh nên thơ, lãng mạn, mỗi năm chỉ có một lần

Bắt đầu là những thoáng mưa xuân. Mưa xuân đã thêm hương vị để cho những nụ hoa mộc liên tinh khôi, hoa anh đào kiêu sa, hoa tulip mơ màng, hoa anh túc mỏng manh; hoa tử đằng tím mơ phai... thôi không e ấp nữa mà trải khắp nơi nụ cười rạng rỡ; để cho những thân cây xù xì, rắn rỏi qua mùa đông tuyết trắng, hồ hởi nảy lộc đâm chồi; để cho các loài hoa từ dại đến khôn, cùng hưởng ân huệ của đất trời mà rộn ràng khoe sắc. Như hiểu được “thiên mệnh” của mình, các loài hoa đến thời thì khai nở, không ngại ngùng, không dè sẻn, sống hết mình cho một đời hoa để dâng tặng tất cả vẻ đẹp và sự tinh khiết nhất cho đời; để cho người người dập dìu lễ hội. Và quan trọng hơn, mưa xuân đã tưới tắm cho những tâm hồn lữ khách cô đơn, cho họ cơ hội tuyệt vời để thoát kén cô đơn mà trải nghiệm và tận hưởng những hương sắc của đất trời…

Nhưng có ai biết được, để có một mùa xuân xanh tươi, tràn đầy sức sống và rạng rỡ với muôn hoa như vậy, người Hàn đã ân tình với cây cỏ đến nhường nào.

Từ đầu mùa thu, trong cái rộn ràng chờ ngắm những hàng ngân hạnh đều tăm tắp trổ vàng, những cây phong tán xòe đỏ rực, đẹp đến ngất ngây, người dân Hàn Quốc đã chuẩn bị cho cây chống chọi với mùa đông băng giá. Nếu thiên nhiên như hiểu nỗi khát khao của con người (được chiêm ngưỡng vẻ đẹp u buồn nhưng lãng mạn của mùa thu trong độ tàn phai) mà sẵn sàng hy sinh, toát lên vẻ đẹp huy hoàng của đời mình trước khi rụng xuống thì con người cũng hiểu nỗi lòng của cây cỏ mà sống trọn ân tình. Khi những cơn gió lạnh ùa về và những chiếc lá bắt đầu ngả màu, những chiếc xe cẩu của các công ty cây xanh đã bắt đầu rảo theo từng con phố để cắt tỉa cành nhánh cho cây, hạn chế tối đa sự “tiêu hao năng lượng”, để cây tập trung sinh lực mà vượt qua mùa đông khắc nghiệt. Và ấm áp biết bao khi dọc những con phố lớn - nơi có những hàng ngân hạnh, những gốc phong vừa phô diễn vẻ đẹp ngất ngây cho khách thập phương - người ta cẩn thận làm những liếp rơm để ủ ấm cho cây. Cảm động hơn khi trong các công viên hay các khuôn viên của công ty, bệnh viện, trường học hay dọc các con đường, người ta dùng vải bố bó cẩn thận từng gốc cây lớn nhỏ. Đó là cách vừa ủ ấm cho cây vừa để diệt những loài côn trùng đục phá cây trong suốt hai tháng mùa đông lạnh giá để cây vẫn đủ tinh lực bừng tỉnh vào mùa xuân. Nhìn những hình ảnh nhân văn ấy, chắc chắn người Việt chúng ta sẽ không tránh khỏi xúc động và cảm thấy chạnh lòng.

Với môi trường, nhìn cách họ giữ gìn sạch sẽ từng góc phố, từng lối đi, chúng ta cũng sẽ chạnh lòng và không thôi mơ ước. Vào cuối thu, lá rụng ở khắp nơi mọi chốn, lá chồng nhau lên kết thành những tấm thảm vàng tuyệt diệu trên những đồi cỏ còn xanh; lá như rải thảm trên những cội thông già; lá bay lả tả trên đường, im lìm trên các lối đi… Chỉ qua một đêm hay chỉ cần một cơn gió thoảng là những con đường đã phủ đầy những sắc màu vàng đỏ với những hình dạng lá khác nhau. Nhưng điều kỳ diệu là mỗi buổi sáng, những con đường vẫn sạch sẽ tinh tươm đón chào ngày mới như chưa hề biết đến mùa thu.

Mùa thu trên công viên Bầu Trời với cánh đồng cỏ bông lau tràn ngập những bông lau phất phơ trong gió, để lại nhiều ấn tượng với du khách.
Mùa thu trên công viên Bầu Trời với cánh đồng cỏ bông lau tràn ngập những bông lau phất phơ trong gió, để lại nhiều ấn tượng với du khách.

Chính đội ngũ những người đi quét lá thu đã làm nên điều kỳ diệu đó. Từ sáng sớm, trong cái lạnh buốt của những cơn gió thu, có ngày xuống âm 5OC, đã nghe tiếng chổi khua xào xạc, khuấy động không gian yên tĩnh của những bác lao công. Có khi, thay vì vung những nhát chổi thô bạo lên những thảm cỏ xanh, họ dùng máy để thổi bay những chiếc lá vàng trong sự ngỡ ngàng của khách.

Bao giờ  cũng vậy, tôi thường lặng đi trước những dáng điệu cần mẫn, thân thương ấy và lòng không thôi tự hỏi: Không biết khi đưa những nhát chổi quét đi những chiếc lá vàng kia, họ có quét theo cả những nỗi niềm? Và những nỗi niềm nào không thể quét đi?

Như vậy, bất kể sự khắc nghiệt của thời tiết, những con người này lúc nào cũng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách cần mẫn, đầy trách nhiệm. Mùa đông quét tuyết; mùa thu ủ ấm cho cây, di dời cây đến chỗ ấm áp hơn và dọn lá vàng; mùa xuân trồng cây, thay hoa theo từng độ. Cứ thế, cứ thế, họ lặng lẽ góp nên vẻ đẹp văn hóa cho dân tộc mình qua hàng ngàn năm...

Mùa thu trên hồ Jusanji ở Vườn Quốc gia
Mùa thu trên hồ Jusanji ở Vườn Quốc gia

Lòng chợt nghĩ, không biết trong suốt hành trình của cuộc đời mình, ta đã làm được gì cho thiên nhiên, cây cỏ? Chúng ta đã từng thương một cái cây, từng nghĩ đến sự sống của những cái cây bé nhỏ như thế bao giờ chưa? Hay vì lợi ích riêng mà chúng ta sẵn sàng chặt phá cây xanh, kể cả những cây có tuổi lớn hơn một đời người ngay giữa lòng thành phố? Chúng ta đã có ý thức giữ gìn từng con đường, từng góc phố sạch sẽ tinh tươm hay vô tư hủy hoại môi trường, làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm?

Hãy học cách ân tình với thiên nhiên, cây cỏ để được tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc từ muôn loài mà không ít người vẫn xem đó là loài vô giác, vô tri!

Trần Thị Mai Nhân

Tin xem nhiều